Đảng viên trẻ dân tộc H’Mông yêu kỹ thuật

Thứ ba, 7/11/2017 | 15:05 GMT+7
​“Nhiều lúc công việc nhiều và áp lực lớn tôi lại tự hỏi bản thân phải làm gì để vượt qua? Nhiều khi đi ngủ mà cần tìm một vài con số vẫn chưa ra là ngủ lại mơ đến nó. Lại thấy mình quá yêu kỹ thuật với những con số, suốt ngày cắm mặt vào máy tính chỉ để tìm được ra mỗi một con số phần trăm bé tí tẹo. Nhưng nghĩ lại cảm thấy rất vui vì nó chuẩn xác và bõ công sức bỏ ra bao ngày nay…”

Đó là tâm sự rất thật của chị Giàng Thị Dung, chuyên viên phụ trách công tác đo đếm, tổn thất và kỹ thuật trạm biến áp, thuộc phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải điện 1.

Tháng 9/2004, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện năng, trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên thì tháng 01/2005, Giàng Thị Dung về nhận công tác tại Trạm biến áp 220 kV Yên Bái, thuộc Truyền tải điện Tây Bắc. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, với lòng yêu nghề và tính ham học hỏi đồng nghiệp, các anh đi học tập thực tế tại Trạm biến áp 220 kV Việt Trì, học ngay thực tế các đội công tác tại trạm Yên Bái đang hoàn thiện thiết bị… Chị đã nhanh chóng nắm bắt được thực tế, chỉ sau 04 tháng công tác, Chị đã đỗ trực phụ vào tháng 5/2005.

Là con thứ trong gia đình có hai chị em. Bố là người dân tộc H’Mông. Ngay từ nhỏ Chị đã đỡ đần bố từ việc sửa công tắc điện, sửa xe đạp, dần dần đã nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu học chuyên toán và học ngành kỹ thuật của cô.

Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn miệt mài với công tác kiểm tra, phát hiện báo cáo và xử lý sự cố tại trạm đã là hình ảnh quen thuộc với đồng nghiệp nơi đây. Là “mỳ chính cánh” của trạm nhưng không vì thế mà Giàng Thị Dung ỷ lại, cậy nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp. Chị tham gia trực trạm, có mặt khi sự cố, trực mưa bão, trực tiếp làm việc với những thiết bị đang mang điện… không nề hà việc gì.

Trực trạm biến áp là công việc đòi hỏi tính quyết đoán, nhanh nhạy, làm việc độc lập, độ chính xác cao… chỉ cần lơ là, nhầm lẫn là phải trả giá ngay, nhẹ thì sự cố, chấn thương và nặng thì cả cuộc sống của mình… Do vậy, Giàng Thị Dung đã tranh thủ ngoài giờ trực, nghiên cứu thêm tài liệu, tự mày mò học tiếng Anh, theo các ca trực khác, các đồng nghiệp để bồi đắp thêm kinh nghiệm… Chính những năm tháng đó đã hoàn thiện thêm tính cách cẩn thận, yêu nghề và tôi luyện nhuần nhuyễn kiến thức giữa lý thuyết và thực tế, hoàn thiện nên một Giàng Thị Dung không còn nhút nhát, có tay nghề chuyên môn vững, không nề hà trước khó khăn nào. Và cũng chính tại môi trường công tác này, chị đã gặp tình yêu của đời mình - là một công nhân công tác cùng đơn vị. Vừa công tác, vừa xây dựng cuộc sống gia đình, lại nỗ lực đỗ trực chính vào tháng 8/2007… mọi khó khăn không làm Dung nản lòng.

Chị tâm sự: “Trực chính khác xa trực phụ và càng khó khăn hơn bởi lúc ấy con còn quá nhỏ. Chúng tôi, những người trực chính, thường ví 1 ngày trực chính mà có thao tác, hoặc công tác, hoặc sự cố thì bằng trực phụ làm cả năm. Phải khó khăn và quyết tâm lắm tôi mới thực hiện được tốt nhiệm vụ mới này. Đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi rất nhiều, chỉ cho tôi những kinh nghiệm trong việc xử lý sự cố, trong thao tác hoặc giám sát khi có đội công tác. Cái nôi ấy đã cho tôi trưởng thành cả về công việc và cuộc sống”.

Năm 2009, Giàng Thị Dung đã được lãnh đạo đơn vị tin tưởng chọn đi thi thợ giỏi cấp Công ty và đã giành giải Nhì cuộc thi. Đó là thành quả đúc kết của bao tháng ngày khổ luyện trong công việc và sự miệt mài trong ôn luyện. Tháng 10/2010, Giàng Thị Dung vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, là đảng viên nữ đầu tiên được kết nạp tại Đảng bộ bộ phận Truyền tải điện Tây Bắc.

GianThiDung_071117.jpg 

Tháng 5/2015, Giàng Thị Dung được điều chuyển về công tác tại phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Tây Bắc. “Quyết định về đơn vị làm chuyên viên là một quyết định thay đổi hoàn toàn từ suy nghĩ đến hành động của bản thân mình”.

Khi bắt đầu về làm chuyên viên phòng Kỹ thuật, mọi khó khăn đè nặng lên bản thân và gia đình, môi trường công tác mới, lại đang tham gia học lớp Trung cấp chính trị vào cuối tuần. Đây cũng là thời điểm vợ chồng cô làm nhà mới. Trước đây chỉ trực vận hành tại trạm, chỉ cần hoàn thành ca trực là được, giờ làm chuyên viên, đảm nhận nhiều phần việc, trong đó, nặng nhất là phần việc liên quan đến hệ thống trạm biến áp, phải nắm vững 06 trạm biến áp thuộc Truyền tải điện Tây Bắc quản lý, đó là khó khăn lớn nhất mà chị phải vượt qua. Vì trạm biến áp là 1 phần tử quan trọng nhất của lưới truyền tải, nhiều thiết bị, với những công việc đòi hỏi trí tuệ và sự đoàn kết, sáng tạo; Công tác quản lý vận hành trạm biến áp cần sự tập trung cao và kiến thức chuyên môn vững. Được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi hệ thống đo đếm, giao nhận điện năng, tính toán tổn thất toàn đơn vị (với 47 phần tử), hàng ngày đảm bảo ko để xảy ra hiện tượng mất sản lượng do chủ quan xảy ra; Nếu xảy ra khiếm khuyết phải nhanh chóng phát hiện, báo cáo và xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể.

Để hoàn thành nhiệm tốt nhiệm vụ, Giàng Thị Dung đã sắp xếp thời gian khoa học, không để việc gia đình ảnh hưởng đến việc cơ quan. Buổi trưa các ngày học ở trường Trung cấp chính trị, cô ở lại trường để tiếp tục làm các công việc chưa làm được ở cơ quan. Tối về dạy con học bài và làm công việc nhà. Khi con đã ngủ, cô cố gắng tranh thủ tìm tòi tài liệu để phục vụ công việc của mình. Ông xã thì vẫn phải đi đi, về về vì trực tại Trạm 220 kV Yên Bái, cách nhà 80 cây số.

Để việc tính toán tổn thất điện năng trên lưới điện được chính xác, cô đã nghiên cứu tài liệu về lĩnh vực này, phân định rõ tổn thất điện năng kỹ thuật và phi kỹ thuật… những yếu tố dẫn đến tổn thất điện năng tăng lên. Phải làm thế nào để qua theo dõi chỉ số các công tơ hoặc phần mềm đo xa các công tơ sẽ biết được tổn thất của các phần tử (máy biến áp, trạm biến áp, đường dây, thanh cái, lưới). Và ngược lại, từ tổn thất của các phần tử đó, sẽ phát hiện các khiếm khuyết trên hệ thống đo đếm (nếu có) và xử lý kịp thời, tránh để xảy ra mất sản lượng, giúp việc quản lý vận hành được thuận lợi, việc giao nhận điện năng được chính xác. Tổn thất của các phần tử nếu lớn thì cũng chỉ khoảng 1 đến 2%, vì vậy sai số là rất nhỏ cũng ảnh hưởng tới giá trị của nó, chính vì vậy, chỉ được phép sai số của hệ thống đo đếm (sai số các công tơ cấp 0,2 và sai số của các TU, TI 0,2), ngoài ra không có bất kỳ sai số nào khác trong tính toán. Đặc thù công việc này cần sự chính xác đến chi tiết và độ sai số là rất thấp, đòi hỏi người thực hiện có trình độ chuyên môn vững, tính cẩn trọng và chịu khó trong công việc.

Giàng Thị Dung đã vận dụng những kinh nghiệm từ khi còn trực vận hành ở TBA 220 kV Yên Bái vào công việc hiện tại. Đồng thời tranh thủ học hỏi ở anh em đồng nghiệp trong phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Tây Bắc, từ các lớp tập huấn và tranh thủ thời gian nghiên cứu thêm tài liệu thiết bị, quy trình, quy phạm… Với phương châm: Việc hôm nay chớ để ngày mai, làm được là phải làm ngay, tranh thủ mọi thời gian và điều kiện. Chính vì vậy, cô đã nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc của một chuyên viên ở phòng Kỹ thuật, với mảng công việc được giao là tính toán tổn thất điện năng, theo dõi hệ thống đo đếm và mảng công tác kỹ thuật của hệ thống các trạm biến áp của đơn vị, như: Kiểm tra công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, cập nhật thường xuyên tình trạng vận hành và tồn tại, khiếm khuyết thiết bị tại các trạm biến áp,  đưa ra phương án xử lý tồn tại, khiếm khuyết; thường xuyên theo dõi phương thức kết lưới hệ thống truyền tải điện thuộc đơn vị quản lý; kiểm tra, đánh giá tình trạng vận hành của thiết bị trên cơ sở các số liệu thí nghiệm, báo cáo của các trạm, tham mưu cho lãnh đạo phòng, đơn vị hướng xử lý.

Nhận xét về Giàng Thị Dung, đồng chí Nguyễn Đức Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư, Giám đốc Truyền tải điện Truyền tải điện Tây Bắc, cho biết: “Đồng chí Dung là một đảng viên trẻ rất tâm huyết với công việc. Với những nhiệm vụ cụ thể được giao trong lĩnh vực chuyên môn, đồng chí luôn miệt mài, không kể thời gian. Như thời gian gần đây phải thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu phục vụ tính toán tổn thất điện năng phải làm cả buổi tối, đồng chí không nề hà, làm cho xong việc mới nghỉ mặc dù có con nhỏ. Trong cuộc sống đồng chí rất gần gũi, hòa đồng với anh em đồng nghiệp. Chỉ có duy nhất là nữ làm kỹ thuật ở đơn vị nhưng nhiều lúc anh em thấy rất nể vì đồng chí làm việc không kém gì anh em nam, thậm chí có lúc còn hơn vì là nữ nên rất chịu khó và kiên nhẫn, tỷ mỉ. Đồng chí Dung là một đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao về công tác Đảng cũng như công tác chuyên môn”.

Hình ảnh một Giàng Thị Dung trầm tính, hơi nhút nhát, không có năng khiếu nói trước đám đông ngày nào đã không còn nữa, giờ cô đã tự tin, làm chủ công nghệ, trực tiếp bồi huấn cho đội ngũ công nhân các trạm biến áp trong đơn vị kiến thức về quản lý và vận hành thiết bị, áp dụng các phần mềm tiện ích giúp việc quản lý vận hành được an toàn và chính xác, như: Phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, phần mềm tính toán tổn thất MDMS (trong đó có nhiều phần mềm phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt), làm việc với kho đo đếm của EVN, hướng dẫn các trạm biến áp các tính toán tổn thất phục vụ báo cáo cuối tháng,… Hay trực tiếp hướng dẫn cho đội ngũ vận hành tháo gỡ những thắc mắc mà họ cần giúp đỡ một cách rõ ràng, nhanh chóng. Những phần mềm tính toán tổn thất, phần mềm quản lý kỹ thuật, giao nhận điện năng hay làm việc với kho đo đếm của EVN… giờ đã không còn làm Chị phải lo lắng nữa.

“Với khối lượng công việc vừa lớn, vừa phức tạp như vậy, làm thế nào để Dung có thể hoàn thành xuất sắc được?”. Dung nhỏ nhẹ: “Em cũng phải cố gắng rất nhiều chị ạ, mình có thời gian nghiên cứu, mình có kiến thức thì mình sẽ giải quyết được tốt các công việc mà mình được giao thôi ạ”.

Tôi biết, để trở thành một chuyên viên có chuyên môn vững, nắm phần lớn chỉ tiêu kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt là vấn đề tổn thất vì đây đang là vấn đề nóng của EVNNPT, nhiều tuần liền Giàng Thị Dung đã không có ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Hết tính toán này lại tính toán khác, làm ngày, làm tối và làm cả đêm nữa.

Trả lời câu hỏi vì sao yêu kỹ thuật thế? Dung cười: Nhiều khi em thấy mình cũng gan cóc tía chị ạ, ngành Điện nói chung và lĩnh vực truyền tải điện nói riêng, con gái học kỹ thuật đã ít, nhưng phụ nữ làm kỹ thuật lại còn ít hơn nhiều. Hồi học đại học, lớp chỉ có 02 nữ/53 nam, đến khi đi làm thì cả trạm, cả phòng chỉ có mỗi một mình mình là phụ nữ, nếu không kiên trì và nhẫn lại chắc em bỏ công việc từ lâu rồi. Phải nói rằng thời gian em dành cho kỹ thuật nhiều hơn rất nhiều thời gian dành cho gia đình chị ạ…

Và em cười, nụ cười của cô gái H’Mông đã quen với cuộc sống hiện đại, đã làm chủ khoa học kỹ thuật và những con số biết nói - nhưng phảng phất ở đó vẫn là nét đẹp hoang sơ, sự chân tình và kiên nhẫn của người vùng cao Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai quê hương em.

Chia tay em, đọng lại trong tôi đó là hình ảnh một Giàng Thị Dung nhỏ nhắn, hết lòng vì công việc và đặc biệt là tình yêu kỹ thuật và những con số. Năm nay, con trai lớn đã vào lớp 5, liên tục 4 năm qua đều là học sinh giỏi, năm học vừa qua đạt giải ba toán và giải khuyến khích tiếng Anh cấp thành phố. Con trai út đang vào lớp một. Chồng đã chuyển công tác sang tổ thí nghiệm, Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, tuy đã về gần nhà nhưng do tính chất công việc, nên thường xuyên phải đi công tác. “Giờ thì nhà cửa đã có, con cái học hành đã ổn định, công việc cứ thế phát huy, chẳng còn gì để mà không phấn đấu hơn nữa để mình tự hoàn thiện chính bản thân mình trong cuộc sống” - đó là lời Dung nói với tôi lúc chia tay.

Mùa Hạ vùng cao đã qua, chớm thu với những tia nắng vàng như mật ong đang trải dài trên những sườn đồi chạy xa tít tắp. Những hàng cột điện sừng sững, vững chãi đang truyền nguồn điện năng vươn cao, vươn xa, truyền nguồn sáng, truyền niềm tin đến những bản làng xa xôi nhất, đem cuộc sống ấm no đến với mọi miền. Và trong niềm vui ấy, nguồn năng lượng ấy, có sự đóng góp của em - người con gái dân tộc H’Mông, đảng viên trẻ yêu kỹ thuật của Công ty Truyền tải điện 1 - Giàng Thị Dung./.

Hồng Hoa