Đường dây 500kV Bắc Nam: 20 năm, chuyện bây giờ mới kể

Thứ ba, 29/4/2014 | 15:00 GMT+7
​Tại một cuộc tọa đàm mới đây với nội dung “20 năm đóng điện và vận hành đường dây 500kV Bắc Nam”, rất nhiều các vị nguyên là lãnh đạo trực tiếp thiết kế, giám sát thi công công trình này cho rằng, nói về công trình 500kV đầu tiên của Việt Nam, không thể nói trong 1 ngày, một tháng hay một năm mà hết được những khó khăn, vất vả cũng như những kỳ tích, chiến công đạt được của công trình. Thậm chí, viết về đường dây này, phải cần dung lượng của cuốn tiểu thuyết sử thi nhiều tập…

 

500 bac nam.jpg
 
Chuyện kể rằng, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, lần lượt các tổ máy số 3 đến tổ máy số 8 của nhà máy thủy điện Hòa Bình (với công suất 240MW/tổ máy) được đưa vào vận hành. Cùng thời điểm đó, việc cung cấp điện ở miền Bắc còn có các nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại… nên Miền Bắc dư thừa công suất.
Trong khi lúc này, miền Trung và miền Nam lại thiếu điện nghiêm trọng. Nguồn điện cấp cho khu vực miền Trung chủ yếu được truyền tải qua đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới từ việc lấy điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, và qua đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Công suất lắp đặt của Miền Trung chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Khu vực Miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh lúc đó khả năng phát triển tốt về kinh tế nhưng việc phát triển nguồn điện ở khu vực này cũng không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng. Trong giai đoạn từ 1991 đến 1994 chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa - 230MW được đưa vào vận hành. Công suất lắp đặt của Miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% (lắp đặt 1005MW, nhu cầu 1120MW) nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
 Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã bàn đến 2 phương án giải quyết: một là bán điện thừa của các nhà máy điện Miền Bắc cho Trung Quốc; xây dựng các nguồn điện mới tại Miền Nam và Miền Trung. Phương án 2 là xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ Miền Bắc vào Miền Nam và Miền Trung. AHLĐ Đậu Đức Khởi kể lại, sau khi xem xét các yếu tố kỹ thuật, chính trị và an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã quyết định chọn phương án 2 với cấp điện áp 500kV.
Theo ông Đậu Đức Khởi, lúc đó đã có không ít nhà khoa học cho rằng không thể làm đường dây 500kV ở Việt Nam với lý do trùng với ¼ bước sóng, vào được chưa chắc là vận hành được, bởi nếu từ Hòa Bình 500kV đóng vào Phú Lâm là 750kV sẽ phá hết toàn bộ thiết bị… Khi đó, GS. Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long đang làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa đã giải trình cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt thấy rằng, về khoa học, cứ làm là sẽ vận hành được. Bởi với chiều dài toàn tuyến là 1.487km nhưng không liên thông đường dây suốt tuyến từ Hòa Bình vào đến Phú Lâm (TP HCM) mà chia ra, xây dựng các TBA 500kV để đóng điện từ Hòa Bình vào đến TBA 500kV Hà Tĩnh, rồi từ Hà Tĩnh đóng tiếp vào TBA 500kV Pleiku-Gia Lai, rồi từ Gia Lai đóng vào đến TBA 500kV Phú Lâm. Khi chia ra 3 cung đoạn như vậy thì không thể có chuyện trùng bước sóng.
Không chỉ thuyết phục về mặt khoa học khả năng thành công trong xây dựng, những luận chứng về hiệu quả kinh tế - xã hội cũng đã được phân tích mổ xẻ. Theo tính toán trung bình mỗi năm có thể cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh thông qua đường dây 500kV Bắc - Nam khi lấy điện từ NM thủy điện Hòa Bình là nguồn điện đảm bảo chất lượng phục vụ cho sản xuất thay vì phải chạy bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được khoảng 6 nghìn tỷ đồng tiền vốn đầu tư toàn bộ công trình (khoảng 500 triệu USD). Và trên thực tế vận hành, kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây 500kV mạch 1 đã không chỉ đảm bảo đủ điện cho miền Trung mà còn cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, nguyên là giám đốc Công ty xây lắp điện 3 - đơn vị trực tiếp thi công hơn 600km đường dây ở cung đoạn khó khăn nhất (từ Hà Tĩnh đến Kon Tum đi qua khu vực đào Lò Xo) khẳng định, tại công trình này, trình độ kỹ sư, công nhân lao động của ngành điện Việt Nam đã được nâng lên cả trong xây lắp và vận hành.
Với việc thi công chiều dài toàn tuyến là 1.487km đường dây với có 3437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh, thành phố, để hoàn thành công trình trong vòng 2 năm, tổng nhân lực huy động chính thức trên công trường của các đơn vị xây lắp là khoảng 12.000 người. Các khối lượng phụ trợ như giải phóng tuyến, làm đường, vận chuyển... nhờ sự hỗ trợ của khoảng 4000 người thuộc lực lượng quân đội. Đó là chưa kể có khoảng 7000 người thuộc các đơn vị xây lắp và các đơn vị chuyên ngành cầu đường tại 14 tỉnh thành có đường dây đi qua hỗ trợ thực hiện thiết bị đóng cọc, xay đá, trộn bêtông... và việc rà phá bom mìn trải dài trên diện tích khoảng 17000ha do các đơn vị Bộ đội công binh thực hiện.
Ngày 27/5/1994, toàn bộ công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 với chiều dài 1.487 km đã chính thức hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành, đưa hệ thống điện hợp nhất trên toàn quốc.
Mặc dù công trình được thi công với tốc độ thần tốc, bởi với khối lượng công việc đó, theo các chuyên gia nước ngoài, phải làm từ 7-10 năm mới hoàn thành. Nhưng công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra với chất lượng được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế. Ông Phan Văn Cần, nguyên giám đốc Công ty truyền tải điện 1 khẳng định, đã có ít nhất 4 cấp giám sát chất lượng tại từng cung đoạn của công trình. “Lý do có nhiều lực lượng giám sát như vậy là bởi ngoài việc tự giám sát chất lượng công trình của mình rồi thì còn một việc lúc đó là do yêu cầu của tiến độ, lực lượng thi công quá nhiều, cho nên có nhiều đơn vị B. Mỗi một tổ đội như vậy phải đồng thời tổ chức giám sát lại các B cùng làm. Như vậy, nếu tính đội ngũ giám sát chất lượng công trình là phải có 4 cấp, là cấp A miền Bắc, cấp A nội bộ 2, cấp giám sát kỹ thuật của các bạn và lực lượng tự giám sát ở các tổ đội, các xí nghiệp. Chưa kể là các B họ cũng có lực lượng chuyên trách làm công việc này” -  ông Phan Văn Cần cho biết.
Ông Hoàng Xuân Phong - giám đốc Công ty truyền tải điện 3 cho biết, ban đầu khi vận hành đường dây 500kV mạch 1 cũng đã xảy ra nhiều sự cố trên lưới. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên khá nhiều hoang mang, lo lắng. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê chuyên gia nước ngoài để phân tích nguyên nhân sự cố. Nhưng cán bộ kỹ thuật của Truyền tải điện 3 khi đó đã tìm ra được nguyên nhân gây phóng điện là do bụi bẩn, zông sét và cây rừng vi phạm khoảng cách an toàn lưới, chứ hoàn toàn không phải do lỗi kỹ thuật. Nhờ đó, những sự cố trên lưới đã được xử lý triệt để, không phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Trải qua 20 năm đóng điện và vận hành, tất cả trạm 500kV và đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đều đảm bảo vận hành an toàn và cấp điện ổn định. Cùng với gần 1.200km đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng và đi vào vận hành  từ năm 2004, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch dường dây 500kV Bắc - Nam đảm bảo từ 1.600-1.800MW, với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước./.
Nguyên Long