Hiệu quả sau đào tạo ứng dụng công nghệ UAV cho lực lượng quản lý vận hành tại Đội Truyền tải điện Bù Đăng

Thứ bảy, 29/6/2024 | 12:00 GMT+7
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), một trong số các công tác đó là áp dụng công nghệ UAV để thực hiện bay kiểm tra hệ thống đường dây Truyền tải điện.

Để đáp ứng được yêu cầu của Tổng công ty đề ra và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, Đội Truyền tải điện Bù Đăng đã cử các CBCNV tham gia các khóa đào tạo bay UAV/flycam do Công ty, Truyền tải điện miền Đông 2 tổ chức. Qua đó, Đội đã có 7/23 CBCNV có giấy chứng nhận bay UAV/flycam. Từ tiền đề CBCNV đã nắm bắt được, các anh em cũng đã chia sẻ cách thức điều khiển thiết bị bay và kinh nghiệm trong quá trình thực nghiệm bay UAV/flycam, qua đó nâng số CBCNV có thể vận hành thành thục các thiết bị bay lên đến 10 người.

Anh Đinh Tiến Dũng - Nhân viên vận hành đường dây Đội Truyền tải điện Bù Đăng điều khiển flycam có sử dụng cây RTK kiểm tra đường dây.

Năm 2023, Đội Truyền tải điện Bù Đăng được Lãnh đạo Truyền tải điện miền Đông 2 tin tưởng, đề xuất làm đơn vị thí điểm để thử nghiệm triển khai ứng dụng UAV tự động trong công tác quản lý vận hành đường dây. Với nhân sự nòng cốt là các thành viên của Tổ Vận hành công nghệ của Truyền tải điện miền Đông 2, được thành lập theo Quyết định số 7385/QĐ-PTC4 ngày 14/8/2020 của Công ty Truyền tải điện 4. 

Đơn vị đã tiến hành xây dựng dữ liệu đường bay tự động và bay thử nghiệm để đánh giá các thiết bị UAV/flycam mới được trang cấp. Cuối tháng 2/2023, Truyền tải điện Bù Đăng đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước cấp tài khoản bay bằng trạm Cors (trạm tham chiếu hoạt động liên tục, không dùng cây RTK) và được cấp phép 5 tài khoản ứng với 5 UAV bay cùng một lúc trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Qua quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, Đội Truyền tải điện Bù Đăng đã hoàn tất công tác tạo đường bay và bay tự động, qua đó hoàn thành các hạng mục kiểm tra 305/305 khoảng cột các đường dây do Đội quản lý. Việc ứng dụng UAV vào công tác quản lý vận hành đường dây tại Đội đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, chất lượng quản lý được nâng cao, lượng nhân công cho công tác kiểm tra đường dây giảm đáng kể.

Song song với công việc bay tự động kiểm tra, đơn vị đã thực hiện đánh giá kết quả kiểm tra qua các hình ảnh cập nhật trên phần mềm Quản lý đường dây, kết quả trên phiếu, nhập các bảng báo cáo theo dõi công việc, bảng phân bố đường bay tự động…

Đánh giá ưu điểm mà thiết bị bay UAV/flycam mang lại đó là hình ảnh ghi nhận từ UAV dễ dàng đánh giá các khiếm khuyết của phụ kiện, cách điện, dây dẫn, dây chống sét, đánh giá tổng quát hành lang đường dây và được lưu trữ để so sánh đánh giá cho lần kiểm tra tiếp theo. Giảm khối lượng công việc cho nhân công lên cột để kiểm tra. Đối với khu vực đồng bằng, ruộng lúa, hành lang tuyến thông thoáng, ít vật cản sóng có thể kiểm tra định kỳ hoàn toàn bằng UAV. Kịp thời phát hiện các hư hỏng một cách chính xác, có hình ảnh rõ ràng, từ đó lập phương án xử lý nhanh chóng, hiệu quả. Giảm nguy cơ sự cố cho đường dây. Nâng cao hiệu quả khi thực hiện bay kiểm tra các khoảng cột vượt thung lũng, đồi núi, sông suối, … mà người công nhân khó di chuyển. Sử dụng UAV có camera nhiệt để tầm soát nhiệt độ chuỗi cách điện, nhiệt độ mối nối, boulon tai lèo thuận tiện, dễ dàng, kết hợp trong công tác bay kiểm tra định kỳ ngày giúp giảm nhân công trong công tác đo định kỳ.

Bên cạnh một số ưu điểm đạt được thì cũng còn một số hạn chế như không thể thực hiện kiểm tra bằng thiết bị bay UAV đối với các khu vực bị cấm bay như khu quân sự thuộc các tỉnh địa phương, khu vực không có sóng hoặc sóng yếu. Tầm điều khiển của UAV bị hạn chế ở khu vực đồi núi, thung lũng, vườn cây, có vật cản sóng (có khi chỉ đạt bán kính 500m) gây giảm hiệu quả khi bay kiểm tra đường dây. Trong quá trình bay, có nguy cơ bị va chạm với chim trời hoặc bắn hạ do người dân, trẻ em tại khu vực sinh sống. Hệ thống AI nhận dạng và xử lý hình ảnh chưa nhận diện chính xác hư hỏng một số thiết bị khi ảnh chụp có hướng nhìn đặc biệt, các thiết bị chưa được gán nhãn trong bộ dữ liệu, thiết bị được chụp bằng Camera nhiệt. Các yếu tố, điều kiện bất thường, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bay UAV như không thể bay UAV khi có trời mưa, bão…

Để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, Đội Truyền tải điện Bù Đăng sẽ tiếp tục học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, phát huy sáng kiến để ứng dụng hiệu quả KHCN trong quản lý vận hành đường dây, góp phần đảm bảo lưới điện truyền tải luôn được vận hành an toàn, liên tục, ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi mà một lực lượng đáng kể CBCNV đội đang tham gia hỗ trợ lắp dựng trụ đường dây 500kV mạch 3, thì lực lượng CBCNV ở lại giữ lưới cũng đang nỗ lực hết sức, ứng dụng hiệu quả KHCN vào quản lý vận hành, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần “120 NGÀY NỖ LỰC CAO NHẤT ĐẢM BẢO ĐỦ ĐIỆN MÙA KHÔ NĂM 2024”./.

Một số hình ảnh:

Kiểm tra mối quấn tăng cường tại khoảng cột 5302-5303 đường dây 500kV Pleiku 2 – Chơn Thành.

Sử dụng UAV kiểm tra hành lang khoảng cột vượt nhánh hồ thủy điện Thác Mơ tại 02 điểm gồm khoảng cột 3105-3106 đường dây 500kV Đắk Nông – Cầu Bông và khoảng cột 639 – 640 (5604-5605) đường dây 500kV Pleiku 2 – Chơn Thành.

Trần Duy Khánh - TTĐMĐ2 - PTC4