Hiệu quả tích cực trong công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp tại Hiệp Hòa

Thứ ba, 17/8/2021 | 15:39 GMT+7
Sau hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 29/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, số vụ sự cố lưới điện cao áp do thú vui thả diều của người dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa gây ra đã giảm đáng kể, đặc biệt từ tháng 7 đến nay trên bầu trời “không còn bóng diều” đã góp phần không để xảy ra sự cố lưới điện do diều. Kết quả này chính là nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong huyện hiệp Hòa, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng quản lý vận hành (QLVH) đội Truyền tải điện (TTĐ) Sóc Sơn – TTĐ Đông Bắc 3 cùng các lực lượng trong việc kiểm tra, thu hạ diều của người dân thả gần hệ thống lưới điện cao áp.

Đội TTĐ Sóc Sơn phối hợp với lực lượng công an địa phương tịch thu diều

Đội TTĐ Sóc Sơn trực thuộc TTĐ Đông Bắc 3 đóng trên địa bàn xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang quản lý khối lượng đường dây gồm 5 tuyến đường dây (ĐZ) 500kV với tổng chiều dài 248,5km, 19 tuyến đường dây 220kV với tổng chiều dài 277,2km.

Hệ thống lưới điện truyền tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện phục vụ sinh hoạt nhân dân, phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng, mỗi một sự cố trên lưới truyền tải điện đặc biệt là các sự cố trên đường dây 500kV sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện, thậm chí gây mất điện trên diện rộng, điển hình như sự cố do vi phạm hành lang trên tuyến đường dây 500kV Di Linh - Tân Định ngày 22/5/2013 tại địa bàn tỉnh Bình Dương đã gây mất điện 22 tỉnh thành phía nam. Thấy rõ được tầm quan trọng của lưới điện truyền tải, ngày 04/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1944/QĐ-TTg phê chuẩn đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.

Hiện nay phong trào chơi thả diều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Hiệp Hòa nói riêng diễn ra rất phổ biến, đây là một thú chơi dân gian không bị pháp luật cấm, tuy nhiên việc thả diều gần đường dây gây sự cố cũng như nguy cơ gây sự cố lưới truyền tải điện sẽ vi phạm vào “khoản 3 Điều 4 Nghị định số 14/2014NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Điện lực”.

Thời gian trước tháng 5/2021, tình trạng thả diều tại các xã trong huyện rất phổ biến, nhất là vào dịp hè và các đợt thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Dân chơi diều đầu tư tiền bạc, công sức để làm những chiếc diều, chiếc sáo có kích cỡ lớn. Khi diều bị gió chao xuống đường dây điện cao áp sẽ ngay lập tức gây sự cố ngắt mạch cho lưới điện. Người dân chơi thả diều gần khu vực có trạm biến áp, đường dây điện đi qua cũng là nguy cơ rất lớn gây sự cố và làm ngừng cung cấp điện. Điển hình, ngày 5/5/2021, diều đứt dây mắc vào đường dây 220kV Hiệp Hòa- Sóc Sơn gây sự cố mất điện cho hàng loạt Khu, Cụm công nghiệp, khu vực lân cận trên địa bàn huyện Hiệp Hòa và huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Lực lượng QLVH đội TTĐ Sóc Sơn thu hồi diều tại thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa trước tháng 6/2021

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sự cố điện do diều, tuy đã có Nghị định số 14/2014NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ nhưng hình như đó chưa đủ sức nặng để người dân nơi đây từ bỏ việc chơi diều gần đường điện cao áp. Vậy là còn thiếu những chế tài nghiêm khắc để răn đe những người vi phạm và nhiều người dân chỉ vì sở thích của bản thân mà cố tình lờ đi những cảnh báo nguy cơ gây ra sự cố lưới điện, làm mất an toàn lưới điện, ảnh hưởng nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Theo thống kê, riêng năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa xảy ra 203 vụ sự cố và hiện tượng bất thường lưới điện có nguyên nhân do diều, chiếm khoảng 80% trên tổng số vụ sự cố lưới điện. Số liệu này cho thấy, thú vui thả diều của người dân đã ảnh hưởng rất lớn, nghiêm trọng đến chỉ tiêu vận hành an toàn, ổn định hệ thống TTĐ, làm thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và Nhân dân.

Mặc dù đội TTĐ Sóc Sơn đã sử dụng nhiều các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng thả diều như: Tuyên truyền bằng loa phát thanh dọc theo các tuyến đường dây, gián Pano, biển cảnh báo, ký qui chế phối hợp với công an tỉnh đối với ĐZ 500 kV, ký cam kết với các xã, huyện, có đường dây 220kV đi qua nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho lưới truyền tải điện tuy nhiên tình trạng thả diều gần ĐZ cao áp không được cải thiện là bao.

Đội TTĐ Sóc Sơn treo PANO tuyên truyền bảo vệ HLLĐCA tại các địa điểm công cộng dọc tuyến đường dây do đội QLVH

Trước thực trạng trên để bảo đảm an ninh năng lượng, Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 cùng các đơn vị ngành điện trên địa bàn đã có công văn gửi Công an tỉnh, sở Công thương và một số ban ngành liên quan đề nghị có giải pháp cấp bách. Theo đó ngày 29/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp. Tiếp đó Lãnh đạo TTĐ Đông Bắc 3, Điện lực Hiệp Hòa, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành văn bản số 1037/UBND-KT&HT ngày 18/05/2021, về việc cấm các hành vi thả diều, vật bay gần các công trình lưới điện cao áp trong phạm vi <5km. Đồng thời thành lập các Tổ công tác tuần tra, thu, hạ diều thả gần đường dây cao áp với lực lượng nòng cốt là cán bộ ngành điện, công an các xã, thị trấn.

Ngay sau khi được thành lập, các Tổ công tác đã kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về nguy cơ của việc thả diều gây ra đối với an toàn hành lang lưới điện và thực thi nhiệm vụ thu, hạ diều bất kể thời gian ngày, đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã thị trấn tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân ký cam kết không thả diều gần lưới điện cao áp.

Một số hình ảnh Đội TTĐ Sóc Sơn phối hợp với Công an các xã tuần tra kiểm tra không kể ngày đêm thu diều mang về trụ sở UBND xã

Thêm một hồi chuông thức tỉnh đó là sáng 24/6/2021, tại trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Tòa án Nhân dân huyện Hiệp Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự “chống người thi hành công vụ” liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thả diều gần hành lang lưới điện cao áp. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hoàng 12 tháng tù giam; Nguyễn Văn Hiến 6 tháng tù cho hưởng án treo và thử thách trong thời gian 20 tháng tại địa phương. Vụ án là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm các quy định của chính phủ, của địa phương trong công tác bảo vệ lưới điện cao áp.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự “chống người thi hành công vụ” liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thả diều gần hành lang lưới điện cao áp

Theo thống kê từ tháng 6/2021 đến giữa tháng 7/2021, toàn huyện đã thu hạ và tiêu hủy gần 500 chiếc diều các loại thả gần đường dây cao áp. Kết quả thu hạ diều đã quyết định rất lớn đến việc sự cố lưới điện do diều gây ra trong mấy tháng gần đây giảm rõ rệt. Đặc biệt, tháng 6/2021 trên địa bàn huyện Hiệp Hòa chỉ để xảy ra 1 sự cố về điện liên quan đến thả diều; trong tháng 7/2021 không để xảy ra sự cố hay hiện tượng bất thường về điện liên quan đến diều. Ghi nhận, động viên sự phối hợp chặt chẽ, hoạt động tích cực của các Tổ công tác thu, hạ diều ở các xã, thị trấn, các đơn vị ngành điện trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đã tham mưu UBND huyện trao thưởng cho các Tổ công tác thu, hạ diều của các xã, thị trấn.

Lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa, Đội Truyền tải điện Sóc Sơn, Điện lực Hiệp Hòa trao thưởng cho tổ công tác hạ diều tại UBND xã Hương Lâm

Riêng trong tháng 7, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Công Bộ; Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh cùng với lãnh đạo Điện lực Hiệp Hòa đã đến động viên, trao thưởng cho Tổ công tác của 20 xã, thị trấn trong huyện vì đã thu, hạ được 175 chiếc diều.

Để duy trì thành quả trong bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn lưới điện do thả diều gây ra, cũng như các văn bản pháp lý về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp của Nhà nước, của UBND tỉnh, huyện. Qua đó, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung phát triển, nhất là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế./.

Một số hình ảnh

Mạnh Hùng - PTC1