Hồi ký: Một ngày ở Cao Nguyên

Thứ tư, 1/6/2011 | 17:00 GMT+7
Áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong khu vực Biển Đông. Bản tin dự báo thời tiết VTV3 thông báo khu vực tỉnh Lâm Đồng hôm nay và ngày mai sẽ có mưa to và giông. Hơn nửa tháng qua khu vực huyện Đạ Huoai không có mưa, tin này chắc sẽ làm cho nhiều người dân hân hoan, nhưng với chúng tôi - những người công nhân Truyền tải điện đang quản lý các tuyến đường dây cao thế đi qua khu vực đèo Bảo Lộc, đèo Chuối thoáng lo âu​

 

vanhanh4.JPG
 

 

 

Ngày mai, ngày 21 và 22 tháng 08 năm 2010, đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định khu vực Cao Nguyên sẽ được cắt điện để thực hiện công tác “Lắp tạ chống dao động lèo tại các trụ néo”, trong đó có những vị trí trụ nằm trên đỉnh đèo, trời mưa đường rừng dốc đứng sẽ trơn trợt rất khó đi. Đây là công trình được thực hiện để ngăn ngừa sự cố đường dây do gió bão làm cho chuỗi sứ đỡ và lèo tại các vị trí trụ néo đung đưa vào gần thân trụ, vi phạm khoảng cách gây phóng điện. Công trình phải thực hiện và phát huy được tác dụng, có hiệu quả trước mùa mưa bão.
Trước tình hình mùa mưa đã đến, tiến độ công trình được triển khai thi công rất khẩn trương. Công ty Truyền tải điện 4 đã huy động hai đơn vị trực thuộc là Truyền tải điện Miền đông 1 và Truyền tải điện Miền đông 2 hỗ trợ cùng Truyền tải điện Cao Nguyên, với hơn 340 công nhân đường dây thực hiện thi công công trình này. Đối với các đơn vị bạn, địa hình quản lý các đường dây chủ yếu là vùng đồng bằng và sông nước. Với công trình này, mặc dù được phân công thi công tại các vị trí không thuộc đèo Bảo Lộc, đèo Chuối nhưng phần lớn các trụ đều nằm trên đỉnh đồi cao, việc di chuyển vật tư, dụng cụ qua các đường đất trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt với độ dốc thường lớn hơn 450    là những khó khăn rất lớn cho các anh trong quá trình thi công, phải đổ nhiều mồ hôi, mất nhiều thời gian và công sức.   
Từ 7 giờ sáng ngày 20 tháng 08 năm 2010, chúng tôi đã tập trung đầy đủ tại Đội Truyền tải điện Mađaguôi để thực hiện công tác theo phân công. Sáng sớm, trời đã đổ một cơn mưa to, xe chuyển vật tư đến km 79 + 400 Quốc lộ 20 Doanh nghiệp mây tre Lâm Hoàng, vào được khoảng 500m thì không thể đi được do đường trơn, bánh xe cứ trượt ngang phải dừng lại. Từ đây lên vị trí 830 phải hơn 3km đường rừng, có hai con đường lên trụ, một theo đường đồi qua 2 đồi cao dốc dựng đứng đi người không cũng đã khó khăn, chỉ phù hợp cho đi kiểm tra định kỳ với dụng cụ nhẹ; một theo đường suối quanh co giữa các quả đồi đến giữa khoảng 830-831 và vượt một dốc ngắn là đến trụ 830, đường này đi ít dốc nhưng dài hơn, đường đi trên suối đá trơn trợt, ẩm thấp, nhiều muổi, vắt. Chúng tôi mỗi người chuyển một tạ 25kg quyết định theo đường suối lên trụ 830. Rút kinh nghiệm từ đợt thi công lắp tạ năm trước trên đèo Bảo Lộc, lần này chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bao nylon PP và dây dù to bản buộc tạ tạo thành ba lô đeo trên lưng để đỡ đau vai. Mỗi người đều mang theo nước uống, trái cây hoặc thức ăn nhẹ và hăm hở lên đường.
Vượt qua 200m đầu tiên, một số đã phải dừng lại để nghỉ, một phần vì mệt, đau vai do không quen mang vác, một phần dừng lại để cạo đất bám vào giày do trời mưa, gây trơn trượt và làm cho đôi chân nặng thêm. Cứ như thế khoảng cách giữa mọi người cứ giãn dần, đôi chân cứ thêm nặng và quả tạ trên lưng tưởng chừng như cả trăm kilôgram. Chúng tôi vượt qua hơn 1,5 kM đường mòn đi qua các vườn điều, cà phê của dân, đường dốc trơn trợt, chốc chốc chúng tôi lại dừng chân để nghỉ. Đến vị trí bắt đầu theo đường suối lên trụ, chúng tôi quyết định ngồi nghỉ, uống nước, chà rửa, vệ sinh sạch sẽ đế giày để tránh trơn trợt khi đi trên đá dọc suối, bôi thuốc chống muổi, vắt…
 Sau hơn 40 phút đi theo suối, qua nhiều gộp đá, chúng tôi đến khu vực hành lang và từ đây sẽ đi theo đường dọc tuyến lên trụ. Nhìn hai đường dây Truyền tải điện 220 kV Bảo Lộc – Long Bình và đường dây 500kV Di Linh – Tân Định đi song song, băng qua các đỉnh núi, các vị trí cột thân quen ẩn hiện trong làn sương mù do hơi nước từ mặt đất bay lên, gió se se làm mát lạnh cả người, chúng tôi như khoẻ hẳn, bước chân như thêm sức mạnh. Gần 3 tiếng đồng hồ vượt qua các đường đất, dọc theo suối chúng tôi đã đến trụ 830 an toàn. Mọi người nằm lăn ra đất, thả lỏng cơ bắp và chia nhau những mẫu bánh mì ngọt, đòn bánh tét, những trái quýt mang theo.
Không những khó khăn trong công tác sửa chữa, việc duy trì đường mòn kiểm tra và đường dọc tuyến kiểm tra định kỳ khu vực đèo cũng rất khó khăn. Nhất là vào mùa mưa bão, khó khăn càng tăng gấp bội, ngoài đường đi trơn trợt nguy hiểm, mưa ướt, lạnh, việc ăn uống buổi trưa cũng không trọn vẹn, thông thường anh em mang theo chủ yếu là nước, bánh mì, bánh tét, xôi, trái cây… cùng ăn cho qua bữa. Xác định đây là một công trình trọng điểm với nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết anh em các đơn vị đã hỗ trợ cùng nhau thi công, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được Công ty giao.
Rời khỏi đèo Chuối, chúng tôi lên đường trở về chuẩn bị cho ngày mai. Nhìn các cột cao ngất ẩn hiện trong sương như những người bạn thân thiết đang ngóng trông theo những bước chân của chúng tôi giữa bạt ngàn rừng xanh. Chúng tôi như thấy mình phải có tinh thần trách nhiệm hơn đối với đường dây và ai cũng thầm nhủ “ Ngày mai chúng tôi lại lên”.
 

 

 
Mạnh Hải - Truyền tải điện Cao Nguyên

 

 

 

Lê Trung Thanh-Chủ tịch Công Đoàn TTĐ Cao Nguyên- Cty TTĐ4
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện