Tập đoàn Điện lực Việt Nam – một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước và đã tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ngày 21/12/2022, Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 618/NQ-HĐTV về Chủ đề năm 2023 của Tập đoàn là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 06/04/2023, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Kế hoạch triển khai chủ đề năm 2023 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tại Quyết định số 497/QĐ-EVNNPT, trong đó nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh số hóa nhằm nâng cao khả năng linh hoạt trong điều hành doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Lãnh đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã đề ra một loạt các giải pháp, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên. Sau 8 tháng thực hiện Nghị quyết, tại cơ quan Ban, theo thống kê riêng trong năm 2023: tỷ lệ văn bản đến điện tử đạt 82%, (trong đó văn bản đến điện tử trong ngành đạt 99,1%), tỷ lệ văn bản đi ký số đạt 100%; tỷ lệ lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đạt 99%; 4.862 văn bản đến và 4.362 văn bản đi; chi phí gửi chuyển phát văn bản giấy qua đường bưu điện giảm hơn năm trước (năm 2023 giảm 21% so với năm 2022), giúp tiết kiệm 21% chi phí gửi chuyển phát văn bản giấy truyền thống. Ngoài ra, các văn bản được chương trình tự động số hóa sang file định dạng PDF là nguồn dữ liệu đảm bảo tính pháp lý phục vụ hiệu quả chuyển đổi số công tác văn phòng.

Hình ảnh giao diện ứng dụng Văn phòng số Smart EVN
Để thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp số hóa, hàng loạt công nghệ tiên tiến đã được NPMB ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý hệ thống truyền tải điện thời gian qua. NPMB đã từng bước ứng dụng công nghệ mới để thông minh hóa công tác đầu tư xây dựng, bao gồm ứng dụng AI trong giám sát thi công; ứng dụng BIM trong công tác khảo sát thiết kế; ứng dụng GIS trong thiết kế, quản lý tiến độ; các trạm biến áp 220kV mới đi vào vận hành đều là các trạm biến áp không người trực; hạn chế tối đa chỉ định thầu, tăng cường đấu thầu, chào hàng cạnh tranh qua mạng đối với các công việc mua sắm, trang bị sử dụng chi phí sản xuất kinh doanh của Ban; tối ưu hóa, linh động trong công tác điều chuyển, sử dụng VTTB,…
NPMB đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành thực hiện chuyển đổi số với các chỉ tiêu như sau: 100% các hoạt động của CBCNV trong công việc hàng ngày trên các hệ thống phần mềm có sử dụng chữ ký số, 70% quy trình nghiệp vụ được số hóa, 100% CBCNV sử dụng ứng dụng phục vụ người lao động Smart EVN, 100% vật tư thiết bị chính mua sắm cho dự án được quản lý trong CSDL giá toàn EVN, 100% các dự án ứng dụng QRCode để quản lý vật tư, thiết bị, từ khâu chế tạo đến khâu lắp đặt, 100% dự án 500kV được giám sát, quản lý bằng hệ thống camera. Nghiên cứu để mở rộng ứng dụng công nghệ mới trong khâu khảo sát thiết kế cho các dự án, Áp dụng phần mềm IMIS 2.0 cho tất cả các dự án từ khâu lập kế hoạch đến kết thúc đầu tư; Ứng dụng các công cụ đánh giá nhà thầu tự động trên phần mềm IMIS; Chuẩn hóa toàn bộ thông số kỹ thuật cho các chủng loại VTTB, thống nhất chung theo các thông số EVN quy định, 100% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và áp dụng trong các ứng dụng quản lý/giao dịch nội bộ (báo cáo định kì là tỉ lệ "đã cấp/có nhu cầu"), Hoàn thành triển khai nghiệp vụ thanh toán điện tử tại EVNNPT. Đặc biệt, NPMB phấn đấu đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, học tập đáp ứng chỉ tiêu EVN giao, quyết liệt thúc đẩy tham gia các Hội thảo, cuộc họp do cấp trên tổ chức; các khóa học E-learning của EVN và EVNNPT triển khai đảm bảo toàn bộ CBCNV có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong môi trường số.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là vấn đề nhân sự, tuy nhiên với sự đồng lòng của Ban lãnh đạo cũng như toàn thể CBCNV, NPMB sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, góp phần tiết giảm chi phí, thực hiện thắng lợi Chủ đề năm 2023.