NPTS tổ chức thành công Khóa đào tạo sử dụng phần mềm PSS/E tính toán mô phỏng hệ thống điện

Thứ bảy, 26/8/2023 | 10:00 GMT+7
Thực hiện Kế hoạch đào tạo năm 2023 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia,  trong năm ngày từ 21/8 – 25/8/2023, Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện (NPTS) đã tổ chức thành công khóa đào tạo sử dụng phần mềm PSS/E tính toán mô phỏng hệ thống điện.

Về phía Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện có ông Phạm Thanh Tùng – Phó giám đốc Công ty; Lãnh đạo phòng Kỹ thuật An toàn cùng 37 đ/c học viên là Chuyên viên Ban Kỹ thuật Tổng công ty và cán bộ kỹ thuật của 9 đơn vị trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Tham gia giảng dạy khóa đào tạo là các giảng viên thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội gồm:  Phó giáo sư Nguyễn Đức Huy, Trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử; Tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh - Phó Trưởng khoa Điện - Trường Điện - Điện tử; Tiến sĩ Lã Minh Khánh, giảng viên, trưởng nhóm Lưới điện, Trường Điện - Điện tử và giảng viên khóa đào tạo Tiến sĩ Phạm Quang Phương, giảng viên, Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trong suốt năm ngày đào tạo, các học viên đã được giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức chuyên sâu lý thuyết và thực tế phong phú về phần mềm PSS/E tính toán mô phỏng Hệ thống điện trực tiếp giảng dạy, truyền đạt và chia sẽ các nội dung về:

- Tổng quan về chương trình PSS/E

- Hệ đơn vị tương đối

- Các phần tử trong hệ thống điện và mô phỏng các phần tử

- Tính toán chế độ xác lập: Bài toán trào lưu công suất; Khi có thay đổi cấu hình lưới điện; Khi có thay đổi chế độ trong vận hành; Giải bài toán; Xử lý kết quả tính; Vẽ sơ đồ trong chương trình PSS/E

- Tính toán tổn thất công suất và tổn thất điện năng với chương trình PSS/E

- Thực hành tính với lưới điện cụ thể, áp dụng thêm điều kiện khi có thêm các phần tử mới tổn thất thay đổi như thế nào.

- Tính toán sự cố: Tính toán tự động; So sánh kết quả

- Tính toán ngắn mạch: Các kiến thức cơ bản; Ứng dụng tính toán ngắn mạch trong PSS/E; Tính toán riêng một sự cố; Tính toán tự động nhiều sự cố; Ví dụ cụ thể để tính.

- Phần nâng cao bổ sung theo ý kiến của ban Kỹ thuật (xây dựng đề cương làm rõ chi tiết của mục ***): Lập trình, tự động trong PSS/E: Các phương pháp tự động trong PSS/E; Giới thiệu chương trình Python; Xây dựng bài toán, lập trình và tính toán bằng Python; Giải bài toán Chế độ xác lập.

Ngoài những nội dung về lý thuyết cụ thể, các học viên cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi phong phú, thực tế liên quan đến công việc hàng ngày để thảo luận và chia sẻ.

Kết thúc khóa đào tạo học viên có thể khai thác chương trình trên các phương diện chính sau:

- Tính toán trào lưu công suất.

- Tối ưu hóa trào lưu công suất.

- Nghiên cứu các loại sự cố đối xứng và không đối xứng.

- Mô hình tự động mô phỏng quá trình quá độ điện cơ, tính toán ổn định động của hệ thống.

- Bước đầu hiểu được tổng quan về chương trình PSS/E, các phần tử cơ bản và cách mô phỏng, tính toán trào lưu công suất, tính toán tổn thất, tính toán ngắn mạch…

Với việc thu thập đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu vận hành đầu vào, các học viên có thể sử dụng phần mềm PSS/E để tính toán, mô phỏng trên lưới truyền tải. Tính toán trào lưu công suất, tính toán ngắn mạch, tổn thất, mô phỏng các dạng sự cố từ đó góp phần vào công tác vận hành an toàn, liên tục và ổn định hệ thống truyền tải điện.

Một số hình ảnh của khóa đào tạo: 

Toàn cảnh khóa đào tạo

Phó giáo sư Nguyễn Đức Huy, Trưởng Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ khai giảng khóa đào tạo

Các học viên chụp ảnh lưu niệm cùng các Giảng viên khóa đào tạo

Nguyễn Hòa - NPTS