Nếu có kiếp sau tôi lại xin làm nghề Truyền tải điện

Thứ hai, 17/3/2025 | 16:14 GMT+7
Chúng tôi những cán bộ, công nhân viên Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) vô cùng thương tiếc khi nhận được tin về sự ra đi của bác Phạm Nam Chí, nguyên Giám đốc Công ty. Bác là người có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của PTC4, của truyền tải điện miền Nam từ ngay những ngày đầu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bác Phạm Nam Chí, sinh ngày 30 tháng 01 năm 1928 tại xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chống thực dân và đế quốc xâm lược, phát huy tinh thần dân tộc và truyền thống yêu nước của gia đình, Bác đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng và tích cực tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ, xây dựng đất nước. Bác đã có hơn 09 năm trực tiếp tham gia kháng chiến kháng chiến ở miền Nam; năm 1954 bác được tập kết ra Bắc và trực tiếp tham gia chiến đấu với nhiệm vụ Trung đội trưởng.

Năm 1959, bác Chí được phân công công tác trong ngành điện ở miền Bắc, tại đây bác đã giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng như Đội phó Đội Quản lý đường dây, Kỹ sư An toàn Nhà máy điện phụ trách Phân xưởng Điện của Nhà máy Điện Uông Bí, Quảng Ninh; Phó Giám đốc Sở Điện lực Hà Bắc.

Sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ngành Điện phân công một số ”Chuyên viên quân quản” là cán bộ, đảng viên từ A về tiếp quản lưới điện Miền Nam, bác Phạm Nam Chí là một trong những cán bộ chủ chốt thực hiện nhiệm vụ ấy. Ngay khi đó từ đó tổ đảng 12 Hồng Thập Tự được thành lập và đến ngày 02/10/1975, Chi bộ 12 Hồng Thập Tự là chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Tổng cục Điện Lực được thành lập, Bác Phạm Nam Chí được cấp trên tín nhiệm giao trọng trách làm Bí thư Chi bộ. Trong thời gian này hoạt động Truyền tải điện miền Nam vận hành theo nguyên tắc giữ nguyên bộ máy cũ của Nha chuyển vận phân phối (tiền thân của Sở Truyền tải điện), chịu sự chỉ đạo của một số ”Chuyên viên quân quản”, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ 12 Hồng Thập Tự do Bác Phạm Nam Chí làm Bí thư.

Giữa mùa thu năm 1976, Bộ Điện và Than quyết định giải thể các hình thức tổ chức cũ, thành lập mới Sở Quản lý Truyền Tải Điện theo Quyết định số 1878/QĐ/ TCC.3 ngày 15/9/1976,  Bác Phạm Nam Chí được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở.

Thời gian này, nhiệm vụ trọng tâm của Sở Quản lý Truyền tải điện là kiện toàn bộ máy tổ chức sản xuất và nhanh chóng khôi phục lưới điện bị tàn phá sau chiến tranh. Dưới sự điều hành của bác Phạm Nam Chí, Sở Quản lý Truyền tải điện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quản lý vận hành, khôi phục lưới điện truyền tải và phát triển lưới điện truyền tải miền Nam, đơn cử như: hoàn thành Công trình phục hồi đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn dài 257 km trong thời gian kỷ lục là 04 tháng; Phục hồi 02 máy bù và giàn tụ điện tĩnh với công suất 70MVAr tại trạm biến áp Sài Gòn (năm 1978), vận hành đường dây 220 kV Sài Gòn – Cần Thơ liên kết lưới điện giữa các khu vực Cao Nguyên – Miền Đông – Miền Tây. . . . Các công trình được đưa vào vận hành, giúp ngành điện khai thác tốt tiềm năng thủy điện hiện hữu, bảo đảm cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho miền Nam.

Ghi nhận những cống hiến và công lao lớn của Đ/c Phạm Nam Chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự phát triển ngành điện, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Đ/c Phạm Nam Chí, cụ thể như:  Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Kỷ niệm chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1984; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1990; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1991; 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1977, 1980, 1988; Danh hiệu "Thợ điện vẻ vang" hạng I; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Cùng nhiều bằng khen và giấy khen khác.

Ngày 01/01/1991, sau hơn 32 năm  gắn bó, cống hiến cho ngành Điện lực Việt Nam, bác Phạm Nam Chí chia tay Công ty về nghỉ hưu theo chế độ, hình ảnh người Lãnh đạo dáng người cao cao rắn rỏi, năng động, với giọng nói rổn rảng, gương mặt phúc hậu, phong cách điều hành sâu sát, gần gũi đã để lại bao cảm mến, kính trọng cho cán bộ công nhân viên Công ty. Trong buổi chia tay đầy lưu luyến, toàn thể CBCNV Công ty hết sức xúc động nghe Bác tâm sự về tình yêu đối với quê hương đất nước, đối với ngành Truyền tải điện, trong đó có một câu nói của bác mà mãi mãi CBCNV PTC4 không thể nào quên là “Nếu có kiếp sau tôi lại xin làm nghề Truyền tải điện”.

Bài viết này xem như nén tâm hương, bày tỏ lòng tri ân, sự tiếc thương, lòng tưởng nhớ của cán bộ, công nhân viên Công ty Truyền tải điện 4 thành kính tiễn đưa “ Bác Chí”, “Ông Ngoại”, đồng chí Phạm Nam Chí– Nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 về nơi an nghỉ cuối cùng, kính mong hương hồn Bác tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Cán bộ, công nhân viên Công ty Truyền tải điện 4 nguyện một lòng tiếp nối truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp nối những thành tích vẻ vang của Công ty mà các thế hệ tiền bối đã dày công xây đắp, xứng đáng với ý nguyện của Bác “Nếu có kiếp sau tôi lại xin làm nghề Truyền tải điện”./.

Bác Phạm Nam Chí (người đứng thứ hai từ bên phải qua) - Nguyên Giám đốc PTC4 trong buổi lễ PTC4 được trao danh hiệu Anh hùng lao động.

Nguyễn Phương Nam – Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 4