Tổng kết hoạt động đào tạo trong khuôn khổ hợp tác giữa EVNNPT và RTEi (Pháp)

Thứ bảy, 15/3/2025 | 06:07 GMT+7
Ngày 14/3/2025, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức cuộc họp tổng kết các hoạt động đào tạo trong khuôn khổ hợp tác giữa EVNNPT và Công ty Truyền tải điện Quốc tế Pháp (RTEi).

Cuộc họp do ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc EVNNPT chủ trì, với sự tham gia của các Ban chuyên môn: Kỹ thuật, Viễn thông và Công nghệ thông tin, An toàn, Đầu tư, Kế hoạch. Tham dự cuộc họp, phía đối tác gồm các chuyên gia RTEi và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và đại diện Quỹ Chuyển dịch Năng lượng của Liên minh châu Âu (ETEF).

Các hoạt động đào tạo này thuộc dự án Hợp tác kỹ thuật (HTKT) giữa RTEi và EVNNPT trên cơ sở tài trợ của AFD, với tổng vốn tài trợ là hơn 800.000 EUR từ nguồn quỹ FEXTE (Quỹ chuyên môn kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm của Tổng cục Ngân khố Pháp). HTKT gồm 09 hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm được thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay, với các chủ đề khác nhau: số hóa Trạm biến áp, Quản lý tài sản và sửa chữa/bảo dưỡng; nghiên cứu ứng dụng HVDC; lĩnh vực An toàn – Sức khỏe- Môi trường trong truyền tải điện; Công nghệ thông tin và an ninh mạng.

Buổi tổng kết hoạt động đào tạo trong khuôn khổ hợp tác giữa EVNNPT và RTEi (Pháp)

Ông Lưu Việt Tiến cho rằng “chuỗi” hội thảo rất hữu ích với EVNNPT, đặc biệt là chủ đề Truyền tải điện siêu cao áp một chiều (HVDC) – một vấn đề mới đang được EVNNPT đặc biệt quan tâm, và đang trong quá trình nghiên cứu áp dụng. Chuỗi hội thảo giúp EVNNPT có thêm nhiều thông tin để ứng dụng trong vận hành hệ thống lưới điện tại Việt Nam. Thành công này có được nhờ sự tham gia tích cực và rất trọng tâm từ cả 2 phía EVNNPT và RTEi. 

Tham gia báo cáo tại cuộc họp, các Ban chuyên môn tham dự đào tạo đã trình bày những kết quả, thông tin và kinh nghiệm thu được từ chuỗi hội thảo nêu trên. Các Ban khẳng định chuỗi hội thảo rất thiết thực đối với EVNNPT. Hai bên đã có những thông tin trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, quan trọng trong đầu tư, vận hành lưới điện truyền tải. 

Về phía RTEi, các chuyên gia RTEi đánh giá cao thành phần EVNNPT tham gia chuỗi hội thảo, hai bên đã đạt được sự trao đổi thông tin hiệu quả bởi tư vấn RTEi là các chuyên gia thực hành thực tế và thành phần phía EVNNPT cũng là các chuyên viên thực hành, thao tác chính tại Việt Nam. RTEi tạm thời đưa ra kết luận về xác định thứ tự hoạt động ưu tiên cho EVNNPT như sau: Ưu tiên hàng đầu hoặc có thể gọi là Ưu tiên 1+: Viễn thông và An toàn mạng thông tin trong truyền tải điện. Cần thiết kế sự liên thông giữa IT (Information Technology) và OT (Operational Technology), trong đó vấn đề IT và OT là không thể tách rời, hai hệ thống giao diện có thể tương tác, trao đổi.

Ưu tiên 1: Chiến lược Quản lý tài sản và sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, khi hệ thống thay đổi thì chiến lược áp dụng là gì, ví dụ khi EVNNPT chuyển sang áp dụng toàn bộ trạm không người trực thì nhân lực, con người hiện tại sẽ được sử dụng ra sao;

Ưu tiên 2: Quản lý cơ sở dữ liệu, thiết kế hệ thống dữ liệu, quản lý và lưu trữ dữ liệu ra sao.

Ưu tiên 3: An toàn – Sức khỏe và Môi trường trong truyền tải điện. Vấn đề này đang ngày càng trở lên quan trọng hơn trong điều kiện tích hợp năng lượng tái tạo. Hiện tại, EVNNPT đang đi đúng hướng, quy trình khá đầy đủ, nhưng về triển khai còn một số hạn chế. Do vậy, cần xây dựng một lộ trình cụ thể trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo EVNNPT cùng đại diện các Ban của EVNNPT chụp ảnh cùng các chuyên gia của RTEi 

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện AFD thể hiện vui mừng vì đã cung cấp khoản hỗ trợ cho hợp tác giữa RTEi và EVNNPT đạt hiệu quả, được EVNNPT đánh giá cao. Với kết quả được ghi nhận này, AFD khẳng định sẽ xem xét hỗ trợ tiếp theo cho EVNNPT, dựa trên nhu cầu và đề xuất của EVNNPT.  AFD sẵn sàng cử chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ EVNNPT xác định lộ trình, kế hoạch thực hiện tiếp theo thuộc các lĩnh vực ưu tiên trên, đồng thời đi sâu vào chủ đề/lĩnh vực mà EVNNPT đang quan tâm.

Kết luận cuộc họp, PTGĐ Lưu Việt Tiến cảm ơn nhà tài trợ AFD, cảm ơn chuyên gia RTEi đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả để HTKT đạt được thành công trên. EVNNPT mong tiếp tục nhận được hỗ trợ tiếp theo của AFD và RTEi, đặc biệt trong các lĩnh vực mới mà EVNNPT đang nghiên cứu để triển khai thực hiện trong những năm tới, cụ thể là ứng dụng HVDC tại Việt Nam hoặc cách sử dụng/tái tổ chức nguồn nhân lực trong điều kiện mới khi EVNNPT đang đặt mục tiêu 100% trạm biến áp 220kV không người trực trong năm 2025 và dần tiến tới trạm biến áp 500kV không người trực. Đây là những lĩnh vực đặc biệt quan trọng và cần thiết phải triển khai thực hiện ở EVNNPT trong những  năm tới. Và theo Tổng sơ đồ 8 được Chính phủ phê duyệt, EVNNPT với trọng trách cao trong đầu tư vận hành lưới truyền tải điện, ở thời đại công nghệ số hóa, ảo hóa, EVNNPT xác định phải “chuyển mình” theo xu hướng, thời đại số hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Anh - Văn phòng EVNNPT