Những điều cần biết hình thức Ban xử lý tranh chấp trong đầu tư xây dựng

Thứ sáu, 28/4/2023 | 12:00 GMT+7
Ngày nay trong các hoạt động kinh tế, không tránh khỏi các tranh chấp phát sinh, thông thường khi có tranh chấp các bên thường đưa vụ việc ra tòa án hoặc trọng tài để giải quyết và đây là 2 hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến. Tuy nhiên, để đa dạng các hình thức giải quyết tranh chấp, tránh quá tải, tồn đọng các vụ việc, dẫn đến thiệt hại cho các bên thì đã hình thành hình thức giải quyết tranh chấp khác nhau linh hoạt, phù hợp, kịp thời và thủ tục thuận tiện, trong đó có hình thức Ban xử lý tranh chấp (Dispute Board – DB).

Sự hình thành, phát triển DB và hình thức DB:

Hình thức Ban xử lý tranh chấp DB đã được ghi nhận trong pháp luật xây dựng của nhiều quốc gia và từ năm 1995 Hiệp hội các kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) đã đưa điều khoản giải quyết tranh chấp thông qua DB vào mẫu hợp đồng xây dựng và các mẫu khác năm 1999 (điều 20.4 của mẫu red book 1999).

Theo thống kê tính đến năm 2015, trên thế giới có hơn 6600 hồ sơ dự án được hoàn thành có sử dụng DB với tổng mức kinh phí cho các dự án này là khoảng 200 tỷ USD, hơn 7500 tranh chấp được đưa ra DB và chỉ có khoảng hơn 40 vụ sau khi có quyết định hoặc khuyến nghị của DB, các bên không hài lòng và đưa ra tòa án hoặc trọng tài.

Hiện có các tổ chức ban hành “quy tắc tố tụng” mẫu cho DB, gồm: FIDIC; ICC; World Bank; Institute of Civil Engineer (ICE) (của Anh); American Arbitration Association; Dispute Resolution Board Foundation (của Mỹ); Dispute Resolution Board (của Úc)…

Các hình thức Ban xử lý tranh chấp (DB), gồm:

Thứ nhất: Duspote Review Board (DRB): là hình thức “Đưa ra khuyến nghị không mang tính rằng buộc”. Hình thức này, được thành lập lần đầu vào năm 1975 cho dự án Đường hầm Eisenhowre ở Colorado tại Miền Tây Hoa kỳ và cũng phát triển tại Mỹ và năm 1990 được đưa ra trong “Standard Bidding Document Procurement of Works” do Ngân hàng thế giới phát hành.

- Lợi ích: Các bên được cung cấp khuyến nghị để giải quyết tranh chấp; Thủ tục không mang tính quá đối kháng; Chi phí thường thấp hơn DAB và thời gian giải quyết thường nhanh hơn.

- Bất lợi: Khuyến nghị của DRB không có giá trị pháp lý bắt buộc; Bên có nghĩa vụ dễ dàng trì hoãn trong việc thực hiện nghĩa vụ.

  Thứ hai: Dispute Adjudication Board (DAB): là hình thức: Đưa ra một quyết định rằng buộc các bên”. Hình thức này bắt nguồn từ Mỹ nhưng lại không được ưa dùng nhiều tại Mỹ mà được phát triển ở các nơi khác trên thế giới. Năm 1995 FIDIC bắt đầu đưa vào trong Orange Book, sau đó là các năm 1999, 2017 và được qui định trong Luật xây dựng 1996 của Anh và các mẫu hợp đồng khác của ICE của Anh.

- Lợi ích: Quyết định có hiệu lực thì bên có nghĩa vụ phải thi hành; Giúp sớm chấm dứt tranh chấp nếu các bên không phản đối; Rất phù hợp nếu có một bên là chủ thể công tham gia

- Bất lợi: Chi phí cao hơn vì thủ tục chặt chẽ hơn DRB; Thủ tục mang tính đối kháng cao hơn là DRB; DAB quyết định độc lập nên nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên; Giới hạn thời gian giải quyết có thể ảnh hưởng đến kết quả nếu vụ việc phức tạp.

Thứ ba: Dispute Avoidance/adjudication Board (DAAB): là hình thức “Ban phòng ngừa/ giải quyết tranh chấp sẽ trợ giúp các bên để gặp gỡ, trao đổi để có thể giải quyết bất đồng, xung đột” và nếu các bên không tự giải quyết được thì DAB sẽ thực hiện giải quyết tranh chấp. Hình thức này tại mẫu FIDIC 2017 (Điều 20.3).

- Lợi ích: Giúp các bên tự giải quyết tranh chấp trước khi đi đến một thủ tục mang tính đối kháng cao sau đó; Giúp giữ gìn mối quan hệ hợp tác giữa các bên để hoàn thành hợp đồng một cách tốt nhất.

- Bất lợi: Có thể lo ngại rằng DAAB khi đưa ra quyết định sẽ lặp lại quan điểm trước đó khi DAAB thực hiện vai trò trợ giúp các bên.

Thứ tư: Combined Dispute Board (CDB): là hình thức “Có thẩm quyền đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định có hiệu lực rằng buộc các bên”.

Thủ tục thành lập DB

- Thường là số lẻ

- Có thể thành lập DB ngay khi bắt đầu dự án hoặc DB ad hoc

- Thành viên của DB không nhất thiết phải là luật sư hay chuyên gia pháp lý nhưng cần có hiểu biết về vấn đề hợp đồng và xây dựng.

Quy định của pháp luật Việt Nam:

Đối với hình thức DB, hiện nay pháp luật Việt Nam qui định như sau:

- Tại Khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/20215 Qui định chi tiết về hợp đồng xây dựng: theo qui định này thì hình thức DB được xác định là thủ tục hòa giải; Nếu DB đưa ra kết luận hòa giải mà có phản đối của một trong các bên trong thời 28 ngày thì vụ việc được giải quyết tại Trọng tài hay Tòa án. Ngược lại, nếu DB đưa ra quyết định mà không có bên nào phản đối trong thời hạn 28 ngày thì coi như các bên đã thống nhất với “kết luận hòa giải”. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.

Một số khó khăn, thách thức:

Như trên đã trình bầy, DB đã được nhắc đến tại Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, tuy nhiên trên thực tế hình thức này vẫn còn gặp khó khăn về khả năng thực hiện, như: Kết luận hòa giải của DB có được công nhận và cho thi hành như kết luận hòa giải theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Hòa giải thương mại hay không? Và nếu DAB của FIDIC được áp dụng tại Việt Nam thì quyết định của DAB được thi hành như thế nào? Đây là vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để hình thức DB thực sự đi vào cuộc sống./.

 

Thạc sỹ, Luật sư Đinh Thế Minh Phó Trưởng ban Pháp chế EVNNPT
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện