Theo
báo cáo, TTĐ Đăk Lăk được giao quản lý vận hành 3 cung đoạn đường dây 500kV với
tổng chiều dài 368km cả mạch đơn và mạch kép, 9 cung đoạn đường dây 220kV với
tổng chiều dài 358km và 4 máy biến áp (MBA) 220kV, 2 MBA 110kV dung lượng
375MVA.
Ông
Trương Công Ân - Phó Giám đốc TTĐ Đắk Lắk cho biết, do đặc thù địa hình, đường
dây đi qua phần lớn khu vực rừng núi chia cắt, sườn dốc, nhiều suối lạch; cây
trồng có chiều cao lớn như cao su, bạch đàn, rừng nguyên sinh... đất đỏ Bazan,
sương muối và hóa chất dùng trong chăm sóc cây trồng công nghiệp nên cách điện
bị nhiễm bẩn nhanh, mùa khô khả năng cháy rừng cao; mùa mưa dễ bị sạt lở, cây
cao ngã đổ, giống sét. Vì vậy, TTĐ Đắk Lắk chú trọng nâng cao kỷ cương, kỷ luật
vận hành, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát tại hiện trường để kịp thời
phát hiện xử lý các bất thường liên quan vận hành an toàn lưới điện, an toàn
sản xuất.
Theo
thông lệ, đầu tháng 5 đã bắt đầu mùa mưa, nhưng năm nay mùa mưa ở Tây Nguyên
đến muộn hơn. Hiện giờ đã trung tuần tháng 7 nhưng mưa ít và khá bất thường. Để
đảm bảo quản lý, vận hành an toàn lưới điện mùa mưa bão, TTĐ Đắk Lắk vẫn không
chủ quan mà đã chuẩn bị từ rất sớm. Ông Trương Công Ân quả quyết, ngay từ cuối
tháng 4/2015, đơn vị đã chỉ đạo 3 Đội Truyền tải điện trực thuộc là TTĐ Buôn Ma
Thuột, Đội TTĐ Krông Búk và Đội TTĐ Lắk triển khai các phương án cụ thể. Theo
đó, đối với hành lang tuyến, tiến hành rà soát các khoảng cột, từng vị trí cột
có cây cao, có khả năng ngã đổ, phối hợp, vận động các hộ gia đình chặt, tỉa để
đảm bảo vận hành. Đối với phần mang điện thì rà soát để đo tiếp địa. Vị trí nào
có vị trí điện trở cao thì bổ sung tiếp địa nhằm khi mùa dông sét đến, sét đánh
vào thì đảm bảo tản nhanh dòng sét. (Việc bổ sung tiếp địa được đơn vị thực
hiện theo các hình thức sửa chữa thường xuyên, với số lượng nhiều thì đăng ký
theo kế hoạch sửa chữa lớn). Cùng với bổ sung tiếp địa thì phần tiếp địa gốc,
tiếp địa ngọn cũng được định kỳ kiểm tra, siết lại, bôi mỡ dẫn điện để đảm bảo
tiếp xúc tốt. Phần cách địa cũng được rà soát cẩn thận, thay bát sứ vỡ, hỏng
được kết hợp trong những ngày cắt điện sửa chữa lớn nhằm giảm tối đa thời gian phải
cắt điện bổ sung v.v.

Đội
TTĐ Buôn Ma Thuột chuẩn bị nhân lực, vật lực diễn tập phòng chống lụt bão ĐZ
500kV Pleiku - Đắk Nông
Ông
Trương Công Ân cho biết, thời gian qua, số vụ sự cố thoáng qua trên địa bàn TTĐ
Đắk Lắk quản lý do dông sét trong mùa mưa thường rất cao. Đã có nhiều biện pháp
được triển khai nhằm khắc phục các tồn tại đường dây trước mùa mưa, trong đó,
biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường hệ thống tiếp địa nhằm đảm bảo việc
thoát sét nhanh chóng của các đường dây. Cùng với chú trọng hành lang lưới
điện, TTĐ Đắk Lắk cũng đặc biệt quan tâm đến các khu vực xảy ra sạt lở có nguy
cơ ảnh hưởng tới các vị trí cột điện. “Nhất là khu vực Ma-drắk là nơi có rừng
keo, chàm, hiện nay anh em công nhân đang đi làm việc với địa phương, hộ gia
đình, các lâm trường để chặt tỉa các cây này để đảm bảo không bị ngã đổ khi có
mưa bão. Tại các tuyến đường dây, với các vị trí kè móng trên đồi cao bây giờ
rừng cũng đã hết rồi, vào mùa mưa bão anh em đi kiểm tra tăng cường ở các vị
trí có nguy cơ xung yếu. Tiến hành kè, mương thoát nước ở các vị trí trên đồi
cao hoặc ven sườn dốc, ven sông suối.. có khả năng sạt lở thì đặc biệt chú
trọng để đảm bảo vận hành an toàn” - ông Trương Công Ân quả quyết.
Theo
Đội trưởng Đội TTĐ Buôn Ma Thuột Đặng Văn Hưng, để quản lý, vận hành an toàn
gần 500km đường dây 500-220kV đi qua địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông, với
đặc thù đồi núi cao hiểm trở, sông suối, đi lại khó khăn nên việc tăng cường
công tác kiểm tra trước, trong và sau mùa mưa bão nhằm phát hiện sớm và kịp
thời khắc phục các điểm nút có nguy cơ gây sự cố là vô cùng quan trọng.
“Ngoài
công tác kiểm tra theo quy định, chúng tôi còn có công tác kiểm tra tăng cường
theo tần suất. Trước, trong và sau mùa mưa bão chúng tôi kiểm tra với tần suất
2 lần/tuần nhằm phát hiện những khiếm khuyết, tồn tại và trực tiếp xử lý cũng
như có kế hoạch đưa vào sửa chữa. Theo kinh nghiệm, để quản lý vận hành cung
cấp điện ổn định cho đường dây thì công tác kiểm tra là rất quan trọng. Đối với
người công nhân thì các hạng mục theo quy trình quy định phải thực hiện, thực
thi tuân thủ. Đối với đội trưởng thì phải nhắc nhở cho đúng, kiểm tra lại việc
kiểm tra của người công nhân để nhằm đánh giá được mức độ nguy hiểm để đưa ra
kế hoạch xử lý kịp thời…” - Đội trưởng Đặng Văn Hưng cho biết.
Qua
thực tế tại vị trí cột 168 đường dây Krông Búk - Nha Trang, công nhân Lê Công
Hậu, Đội TTĐ Buôn Ma Thuột đang gắn biển cảnh báo người dân không khai thác đất
đá gần đường dây cho biết, vào mùa mưa bão, khó khăn lớn nhất là cây đổ ngã, tiếp
đến là nguy cơ sạt lở kè móng. Do vậy, công việc trước tiên của người công nhân
làm công tác vận hành như anh là phải tuyên truyền trực tiếp đến người dân,
đồng thời, kết hợp gắn biển cảnh báo, nhắc nhở tại những nơi vị trí cột có nguy
cơ sạt lở “như tại vị trí này có không ít người vẫn đang khai thác cát trái
phép, rất đáng lo ngại”.
Để
hệ thống truyền tải điện Quốc gia qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk được vận hành an
toàn, mới đây, chính quyền tỉnh này cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị
liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của việc bảo vệ
an toàn hành lang lưới điện cao áp. Theo đó, phải tăng cường công tác kiểm tra
rừng, đặc biệt là nơi có đường dây truyền tải điện đi qua; xây dựng và triển
khai phương án bảo vệ tại các khu vực xung yếu; phát quang hành lang tuyến, thu
dọn cây khô, nguyên vật liệu dễ cháy nổ trong phạm vi và vùng lân cận hành lang
an toàn lưới điện./.