Tăng giá điện: sẽ ưu tiên tăng giá truyền tải điện

Thứ ba, 10/3/2015 | 14:00 GMT+7
​Giá điện đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng thêm 7,5% kể từ 16/3/2015. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu, trong đợt tăng giá điện tới đây, sẽ ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện để ngành điện nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ và hiện đại. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã khẳng định điều này tại cuộc họp báo công bố giá điện mới đây.
Theo Báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), năm 2013 là năm đầu tiên EVNNPT có lãi kể từ khi thành lập, với giá truyền tải chưa đến 80 đồng/kWh (chiếm khoảng 6% giá thành điện) - nên mức lợi nhuận khá khiêm tốn, chỉ đạt 124 tỷ đồng (trên vốn điều lệ là 22.260 tỷ đồng, tổng tài sản là 65.686 tỷ đồng) và mức đầu tư của năm đó hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, giá truyền tải được điều chỉnh lên 86,4 đồng/kWh (nhưng chỉ chiếm khoảng 5,7% giá thành điện). Kết quả doanh thu truyền tải điện của EVNNPT đạt 10.726,5 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013, lợi nhuận đạt 229 tỷ đồng... trong khi đó nhu cầu đầu tư của EVNNPT trong năm 2015 khoảng 18 nghìn tỷ đồng...  Theo ông Vũ Ngọc Minh - TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, số lãi này không thể đảm bảo cho EVNNPT có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế cũng như bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp báo công bố giá điện cuối tuần qua, ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thừa nhận, với lợi nhuận quá thấp, EVN đang phải bảo lãnh cho Tổng công ty truyền tải điện quốc gia các khoản vay để đầu tư phát triển lưới điện. Cụ thể, thời gian qua, EVN đã bảo lãnh nhiều khoản vạy quốc tế mà các ngân hàng trong nước và Bộ tài chính yêu cầu EVN phải bảo lãnh cho EVNNPT để thu xếp vốn. “Đến nay, hạn mức để bảo lãnh cho NPT từ EVN là hết rồi. Vốn điều lệ của NPT là hơn 22 nghìn tỷ đồng thì số bảo lãnh của EVN cũng đã bằng con số này. Theo quy chế tài chính (tại Nghị định 82/NĐ-CP của Chính phủ) EVN chỉ được phép bảo lãnh cho các công ty con không vượt quá số vốn đầu tư vào các công ty con. Cho nên bài toán thu xếp vốn của NPT trở nên  rất khó khăn trong thời gian tới nếu không tăng vốn sở hữu cho NPT cũng như không có cơ chế để bảo lãnh cho các khoản vay của NPT” - ông Đinh Quang Tri nói.

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long - PCT Hội Điện lực Việt Nam, giá truyền tải ở nước ta hiện nay mới được tính dựa trên 1 yếu tố là sản lượng điện năng truyền tải là chưa đủ. Ngành điện mong muốn có được khoản “lợi nhuận hợp lý” - tức là làm thế nào để có thể đảm bảo được đầu tư hệ thống lưới truyền tải đồng thời với đảm bảo cho cả việc vận hành an toàn lưới điện ở mức cao nhất. Giá/phí truyền tải thấp, đặc biệt trong điều kiện ở Việt Nam phân bố nguồn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết, lượng công suất truyền tải trên hệ thống lưới điện 500-220kV luôn luôn thay đổi, nhiều lúc lưới điện truyền tải bị quá tải. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí truyền tải., bởi trong câu chuyện phí truyền tải nó bao hảm cả vấn đề tổn thất trên lưới truyền tải và các chế độ vận hành hiện còn đang rất nhiều bất cập (nặng nề) của lưới điện chưa đồng bộ, hoàn thiện theo tiêu chí n-1 là có dự phòng... GS Trần Đình Long cho rằng, nên sớm có những nghiên cứu và đánh giá lại tỷ lệ của phí truyền tải trong giá điện nói chung và đặc biệt là với tình hình phát triển nguồn điện không đều và tập trung ở một số khu vực (mà ở đấy lại tập trung phụ tải lớn, khối lượng đầu tư vào lưới truyền tải là rất lớn).  GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho rằng “việc đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện một cách bền vững chính là xương sống, nội hàm quan trọng nhất của việc xây dựng lưới điện thông minh mà nhà nước đã và đang thực hiện. Điều này cần phải được đặc biệt chú ý, và muốn vậy, phải tính lại tỷ lệ giá truyền tải điện trong cơ cấu giá thành điện hiện nay”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết, Cục Điều tiết Điện lực và đơn vị Tư vấn ECA (Anh Quốc) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu giá truyền tải điện cũng như nhu cầu đầu tư của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Cụ thể, hiện nay giá truyền tải điện của Việt Nam là 86,4 đồng/kWh, chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. So sánh với một số nước trên thế giới (chiếm khoảng 10 - 12% giá bán điện bình quân) thì giá truyền tải điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng cũng như chi phí quản lý vận hành của EVNNPT. “Đối với chi phí giá điện truyền tải thì hiện Bộ công thương có 2 thông tư là Thông tư 03 và Thông tư 14. Chúng ta phải tính toán theo các quy trịnh tại các thông tư này. Với giá truyền tải tính như năm qua theo đánh giá chung là còn thấp. EVN sẽ tính toán lại theo đúng các quy định tại các thông tư hiện hành do BCT ban hành và chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định và sẽ công bố giá truyền tải điện trong thời gian tới” - ông Tuấn quả quyết.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay các Thông tư số 14 của Bộ Công thương (ban hành ngày 15/4/2010) quy định về phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và quản lý giá truyền tải điện và Thông tư số 03 cuãng của Bộ công thương (ban hành ngày 19/1/2012) sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 14, cách tính giá truyền tải được xác định theo công suất và điện năng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giá truyền tải điện chỉ được tính theo điện năng. Điều kiện hạn chế việc tính giá truyền tải theo công suất không thực hiện được là do việc tính toán dự báo công suất điện nhận tại các điểm nút không thống kê và dự báo được. Từ đó dẫn đến không thành công trong việc xác định giá truyền tải theo công suất và điện năng. Bên cạnh đó, trong một năm khi giá truyền tải không phản ánh được hết chi phí, chắc chắn EVNNPT sẽ bị thua lỗ và năm sau nếu tăng giá để bù vào năm trước thì năm trước vẫn bị đánh giá là thua lỗ và được phản ánh trong bản cân đối kế toán. Điều này sẽ là trở ngại đối với EVNNPT trong trường hợp đàm phán, vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Giới phân tích trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, đầu tư cho hệ thông truyền tải điện hiện nay là hướng đi đúng đắn và là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tuân thủ lộ trình thị trường điện cạnh tranh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, theo thiết kế thị trường điện, Tổng công ty truyền tải sẽ là đơn vị độc quyền Nhà nước. Nhà nước sẽ phải đầu tư để bảo đảm việc truyền tải điện từ tất cả các nhà máy điện trên toàn quốc đến tất cả các hộ tiêu thụ.

Theo đúng kế hoạch, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được khởi động từ năm 2015, năm 2019 sẽ thực hiện thị trường bán buốn rộng rãi để sau năm 2022 sẽ hoàn thành thị trường điện ở cấp độ bán lẻ cạnh tranh. Vì vậy, cùng với việc ưu tiên nâng mức giá truyền tải điện trong lần tăng giá điện này đồng thời với các giải pháp tăng vốn điều lệ, tìm nguồn vốn ưu đãi, vốn ODA tăng thêm để đầu tư cho hệ thống truyền tải điện, ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hy vọng từ nay đến năm 2020, về cơ bản lưới điện của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu ở đủ cả 3 cấp độ của thị trường điện cạnh tranh./.

Nguyên Long/VOV