Thực thi và phát huy “Văn hoá học tập” tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

Thứ ba, 25/7/2023 | 08:50 GMT+7
Văn hoá học tập (learning culture) mô tả quá trình tiếp thu cái mới, chuyển giao tri thức và áp dụng chúng vào thực tế làm việc. Mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả công việc, gia tăng uy tín/thương hiệu và doanh thu được cải thiện.

Mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều sở hữu những tri thức cá nhân và tiềm tàng năng lực để cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp. Nếu thiếu đi các hoạt động học tập thường xuyên, liên tục, những tri thức đó sẽ đến và đi cùng với nhân viên mà không đem lại giá trị lâu dài. Để tối đa hóa lợi ích của việc học này, chúng ta cần xây dựng một môi trường mà trong đó nhân viên luôn luôn chia sẻ những tri thức đó với đồng nghiệp, biến tri thức của cá nhân trở thành tài sản chung của doanh nghiệp.

Như Jack Welch, cựu chủ tịch và CEO của General Electric đã phát biểu: “Lợi thế cạnh tranh cuối cùng của một doanh nghiệp chính là khả năng học hỏi và nhanh chóng biến việc học tập thành thực tiễn”.

Để triển khai văn hóa học tập một cách có chiến lược, bên cạnh việc xác định vai trò các đối tượng tham gia, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến 3 thành tố sau: 

* Cơ hội học tập: Nhân viên phải được lựa chọn tiếp cận những khóa học, tri thức mà họ mong muốn – có liên quan trực tiếp tới công việc, chuyên môn và lợi ích của họ, chứ không thể bị ép buộc học càng nhiều càng tốt.

* Khả năng học tập: Nhân viên không chỉ cần học nội dung mà còn cần được đào tạo về cách thức học tập. Chỉ khi như vậy, họ mới có thể tự mình biết cách thích nghi và tiếp cận tới các tri thức mới mẻ và đúng đắn hơn so với thời đại.

* Môi trường học tập: Nhân viên không muốn đơn thương độc mã trên con đường học tập chỉ để đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ. Họ luôn muốn được tham gia vào một “lớp học” mà trong đó bạn đồng học cùng nhau chia sẻ văn hoá học tập, động viên tinh thần và có tính cạnh tranh lẫn nhau.

Chỉ cần thiếu đi một trong ba thành tố trên là doanh nghiệp đã làm giảm đi rõ rệt hiệu quả của văn hoá học tập. 

Kế hoạch sẽ mãi mãi chỉ là kế hoạch nếu như không có thực thi. Những tuyên ngôn về “doanh nghiệp học tập” sẽ mãi mãi chỉ là những lời nói suông nếu như thiếu những hoạt động thực tiễn. 

Nhóm 1- lớp 2 cùng với giảng viên Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang

Văn hoá học tập (learning culture) là một trong 5 Văn hóa đặc trưng của kỷ nguyên số mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và cá nhân nhân viên, bao gồm: Lấy khách hàng làm trung tâm (Customer-centric), định hướng dữ liệu (Data-driven), văn hóa Minh bạch (Transparent culture), Văn hóa Cộng tác (Collaborative culture) và Văn hóa Học tập (Learning culture).

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là doanh nghiệp có văn hóa mạnh, luôn chú trọng đến Văn hóa học tập. Tổng công ty đã ban hành Chỉ thị liên tịch và Kế hoạch liên tịch về việc phát động và triển khai phong trào thi đua học tập chủ động toàn EVNNPT, xây dựng EVNNPT thành tổ chức học tập.

Minh chứng cho việc thực thi Văn hóa học tập trong EVNNPT là một điển hình tiêu biểu của tập thể Nhóm 1, Lớp 2 (học viên là những chuyên viên làm VHDN và chuyên viên phụ trách tuyên truyền VHDN trong toàn EVNNPT) tại khóa đào tạo “Kỹ năng làm Văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và đổi mới”, được tổ chức tại Quảng Ninh (Truyền tải điện Đông Bắc 1 - Công ty Truyền tải điện 1), trong các ngày 11, 12 và 18/7/2023 dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giỏi nhiều kinh nghiệm của Công ty PeopleOne.

Nhóm 1 chúng tôi được Công ty PeopleOne chọn lựa ngẫu nhiên gồm 11 thành viên, đến từ các đơn vị trực thuộc EVNNPT của cả 3 miền đất nước. Trưởng nhóm là chị Lý Minh Hằng duyên dáng, xinh đẹp - chuyên viên phụ trách kiêm nhiệm công tác VHDN thuộc Ban Tổ chức và Nhân sự - EVNNPT. Cũng như các nhóm khác, các thành viên của nhóm 1 chúng tôi có sự chênh lệch về tuổi tác (25 - 57); khác nhau về thâm niên, kinh nghiệm công tác…tuy nhiên giữa chúng tôi có nhiều điểm chung (và cũng là thế mạnh của nhóm) là tất cả đều có nhận thức cao về Văn hóa EVNNPT, EVN; tự giác trong nghiên cứu, học tập; tôn trọng nội quy, quy định của Ban tổ chức lớp; có kỹ năng lắng nghe, phân tích, trình bày và đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm rất hiệu quả.

Nhóm 1- lớp 2 đang cùng nhau thảo luận cho bài tập được giao

Quy định của ban tổ chức khóa học là cộng điểm, động viên cho nhóm nào tích cực tham gia tương tác; phát biểu ý kiến tại lớp; bài tập nhóm có chất lượng, đúng thời gian quy định…Nhóm 1 chúng tôi gần như chiếm ưu thế và mang về nhiều điểm cộng so với các nhóm khác. Quan điểm học tập của nhóm rất rõ ràng: mọi người tự do thẳng thắn nêu ra cách giải quyết, ý tưởng của mình (Brainstorm) trước một tình huống hay vấn đề cần thảo luận nhằm tạo ra một kho tàng dữ liệu phong phú nhiều góc độ, khía cạnh.

Tiếp theo, cả nhóm cùng tập trung phân tích từng ý tưởng, giải pháp để chọn lựa ra cái tốt nhất hoặc phù hợp nhất để trở thành tiếng nói chung của cả nhóm (những ý tưởng, giải pháp chưa được chọn vì nhiều lý do cũng sẽ được tác giả vui vẻ chấp nhận, không lệ thuộc vào “cái tôi nhỏ bé”). Trưởng nhóm có sự phân công rõ ràng “Dụng nhân như dụng mộc”, thành viên này phụ trách dẫn dắt (MC), những thành viên còn lại đảm trách các vai trò khác nhau như: Tiên phong phát sinh ý tưởng, tổng hợp sự kiện, thư ký, trình bày trước lớp… Tất cả 11 người chúng tôi dường như đang cùng chèo trên cùng con thuyền của hành trình đi tìm tri thức.

Đại diện nhóm 1, lớp 2 đang trình bày trước giảng viên - Chuyên gia Lê Thanh Hải, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP PeopleOne

Ấn tượng nhất là công tác làm việc nhóm chuẩn bị bài báo cáo chuyên đề cho buổi Hội thảo sau đào tạo ngày 18/7/2023. Lớp 2 (chuyên viên học ngày 11, 12/7/2023) có phần bất lợi hơn so với lớp 1 (CBQL học ngày 06, 07/7/2023) về thời gian dành cho việc triển khai thực hiện đề tài được giao. Ngay từ sáng thứ Sáu ngày 14/7/2023 sau khi tất cả thành viên đã thực sự trở về với công việc vốn dĩ trở nên đầy ắp sau gần 4 ngày thoát ly tập trung học tại Quảng Ninh, chúng tôi đã tiến hành trao đổi với nhau qua Zalo để phân công sơ bộ và xây dựng kế hoạch tổng thể (tiến độ, nội dung…). tối 21h30 cùng ngày chúng tôi tạm thời gác lại những cuộc vui của đêm cuối tuần để cùng nhau trao đổi, tương tác trên nền tảng Zoom (tác giả tạo Zoom do chuyên gia CNTT Vũ Đào Hà - chuyên viên Phòng Tổ chức – Nhân sự PTC1 phụ trách). Đến tận 23h30 cuộc họp tạm thời khép lại với kết quả đạt được đâu đó gần 70% (bức tranh toàn cảnh đã được vẽ lên cộng với dàn khung ý tưởng cũng đã được thống nhất). Trong cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật chúng tôi tiếp tục trao đổi, cùng nhau hiệu chỉnh qua zalo và kết quả về cơ bản đã hoàn thành xong bản dự thảo.

Các thành viên của nhóm 1, lớp 2 đang trao đổi trực tuyến trên Zoom chuẩn bị cho buổi hội thảo trực tuyến sau đào tạo

Từ 21h00 đến 23h30 ngày Chủ Nhật 16/7/2023 tất cả thành viên đã cùng nhau quay lại họp Zoom lần nữa (phiên thứ 2) nhằm chốt lại lần cuối các nội dung. Không khí làm việc rất sôi nổi, hợp tác và vui vẻ. Trong ngày 17/7/2023 chúng tôi cũng đã hoàn thiện bài tập lớn với kịch bản chi tiết được soạn sẵn của 3 MC chuyên nghiệp: chị Hằng EVNNPT, chị Vy PTC3, anh Hà PTC1. Tại Hội thảo diễn ra lúc 13g30 ngày 18/7/2023 nhóm 1 chúng tôi có bài thuyết trình thành công với nhiều ý tưởng và được chủ tọa thầy Lê Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Cổ phần PeopleOne đánh giá cao. Kết quả chung cuộc bao gồm cả 2 ngày tập trung tại Quảng Ninh và Hội thảo trực tuyến, nhóm 1 lớp 2 được xếp hạng I trong 5 nhóm dành cho chuyên viên. Niềm vui sướng, xúc động hiện lên trên mỗi khuôn mặt của các thành viên hiện lên trên màn hình Zoom lúc ấy. Cái được lớn nhất mà nhóm 1 lớp 2 chúng tôi nhận được là đã vượt qua chính mình, là thể hiện tính tuân thủ, trách nhiệm, tự giác và đồng đội trong quá trình thực thi Văn hóa doanh nghiệp EVNNPT nói chung và Văn hóa học tập nói riêng.

Tóm lại, qua các nội dung trình bày trên chúng ta thấy rằng “Văn hóa học tập” là một trong những nội dung quan trọng trong Văn hóa doanh nghiệp để đưa con tàu của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thẳng tiến trong suốt cuộc hành trình văn hóa./.

 

Huỳnh Văn Viết Thanh – Phòng TCNS PTC4