Trung thu với những người Lính Truyền tải điện

Thứ năm, 5/10/2017 | 16:35 GMT+7
​1 giờ chiều ngày 14 tháng Tám âm lịch, dưới chân một quả đồi cao thuộc Trạm Thản (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) mà trên đỉnh đồi đó sừng sững một cột điện đúng như nhà thơ Xuân Tư miêu tả: “Đèo cao, đường điện cao hơn/ Cột vươn với gió, dây vờn trong mây”, chúng tôi gặp gỡ những người thợ đường dây thuộc Truyền tải điện Tây Bắc khi các anh vừa hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng đường dây truyền tải điện trên độ cao kinh khủng đó và “tiếp đất” an toàn.

TT-LTTD_051017.jpg
Tác giả với nhóm công nhân Truyền tải điện Tây Bắc​
 

4 người thợ, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, bộ đồng phục Truyền tải điện lấm lem, túi đồ nghề chưa kịp tháo ra và cuộn dây bảo hiểm nặng 6 kg vẫn còn đeo bên thắt lưng. Họ trèo lên đỉnh cột đó với những thứ đồ nghề này, làm sạch những chuỗi sứ cách điện và vệ sinh, xử lý các điểm tiếp xúc khi nghi ngờ ở những giao điểm này “phát nhiệt”. Ghê hơn, họ kéo lên đỉnh cột một cái ghế chuyên dụng có tên là “ghế ra dây”, lắp bánh xe vào đường dây và ngồi trên đó để ra giữa đường dây như “cánh võng ngang trời” gia cố một vết trầy xước mới được phát hiện trên đường dây đó. Cái “khuông nhạc kẻ giữa trời xanh” kia thực sự mơ mộng trong mắt người lãng mạn nhưng thực sự là thử thách ghê gớm đối với người thợ làm việc trên một độ cao chông chênh và nguy hiểm như vậy. Hãy thử tưởng tượng, ngay cả cái cột điện vững chãi với những xà đỡ không lồ mà khi treo lên khoảng 20 mét đã thấy rung lắc và ở trên đỉnh cột thì rõ ràng là “cánh võng đu đưa” mà lại “chèo” ra khoảng không bát ngát trên đường dây đu đưa ấy thì bạn thử nghĩ xem, còn hơn cả một môn thể thao nguy hiểm!

Làm thế nào để phát hiện ra một vết trầy xước trên dây điện giữa trời kia và ở một độ cao kinh khủng như vậy? Những người thợ cho biết họ hàng tháng đi theo đường dây để kiểm tra, bên dưới đường dây thì phát cây, cưa cành, bên trên chỉ nhìn bằng mắt thường, nếu có đấu hiệu nghi ngờ thì quan sát thêm bằng ống nhòm và khi đã xác thực có vết trầy xước thì phải sử dụng cái “ghế ra dây” như đã nói ở trên để di chuyển đến điềm dây bị trầy xước để xử lý. Còn khi các đầu mối nối dây “phát nhiệt” thì chủ yếu phát hiện bằng cảm quan, kinh nghiệm, và sử dụng máy soi phát nhiệt (trị giá hàng tỷ đồng), song chỉ dùng máy soi phát nhiệt trong các trường hợp thật cần thiết mà thôi. “Phát nhiệt” là hiện tượng khi đường dây có sự gỉ sét hoặc hở có thể gây chập cháy nên cần sớm phát hiện và sửa chữa ngay.

Hơn một giờ chiều, công việc đã xong (vì họ phải gấp rút làm trước khi trời đổ mưa xuống, rất may là buổi sáng có mưa nhưng khi họ bắt đầu trèo cột thì trời hửng nắng) nhưng họ chưa nghĩ đến chuyện ăn bữa trưa vì còn chờ một nhóm khác đang làm việc cách đó chừng 30 cây số đưa xe xuống đón và chở những dụng cụ nặng nề này về.

Trước đó, lúc gần 12 giờ trưa, chúng tôi gặp gỡ với hai người thợ truyền tải điện cũng vừa xong công việc của mình trên địa bàn huyện Phù Ninh. Họ đi bằng xe máy của mình, tác chiến độc lập, hẳn đang rất mệt và đói nhưng gặp chúng tôi họ vui vẻ chuyện trò về nghề nghiệp của mình. Người Đội trưởng phụ trách 18 anh em công nhân đường dây trên quản lý đường dây trên hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc dẫn chúng đi, trực tiếp kiểm tra kết quả công việc của hai nhóm thợ, anh cho biết, xong mỗi lần như thế này đều có cán bộ kỹ thuật hoặc lãnh đạo đội đi kiểm tra và “nghiệm thu”.

TT-LTTD_051017_1.jpg

Thợ đường dây truyền tải điện có đặc trưng là toàn nam giới (phụ nữ không thể kham được công việc gian khó này) cho nên gọi các anh là “lính” rất chính xác với tính chất nghề nghiệp, gian khó thường trực và liên tục phải “thường trực” ứng phó với sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bão giông, nắng lửa hay đêm đông giá rét. Họ là những người được đào tạo cơ bản từ các trường nghề về điện, nhiều người ở các tỉnh xa đến nhưng khi về làm việc ở đây thì bén duyên cùng các cô gái đất Tổ, xây dựng gia đình trên quê hương mới, mái ấm giúp họ gắn bó với công việc hơn. Không ai kêu khổ cả và ai cũng thấy hài lòng với công việc của mình. Qua những câu chuyện họ kể thì thấy rằng họ rất gắn bó với những người dân địa phương có đường dây đi qua vì họ coi đây mới là những người bảo vệ đường dây tích cực nhất, giúp họ phát hiện kịp thời sự cố và ngăn ngừa sự cố. Người thợ coi người dân như người nhà, vẫn thường bỏ tiền túi mình mua quà cáp cho những gia đình mỗi khi họ qua lại. Đúng là tình quân dân cá nước!

Chúng tôi có dịp ghé thăm Trạm biến áp 220 kV Việt Trì cũng ngự trên một quả đồi với 19 anh em làm việc. Nơi đây nhận nguồn điện từ các Nhà máy Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà,... và phân phối ở khu vực Việt Trì. Máy móc, thiết bị hiện đại, con người nắm vững kỹ thuật, tính kỷ luật cao và đoàn kết tốt đã mang lại kết quả rất tốt là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, đầy đủ, kịp thời khắc phục sự cố. Một tập thể gắn bó, rất quen thuộc với phong cách “Gia đình Truyền tải điện” – cảm nhận của tôi là vậy.

Trở về với trụ sở Truyền tải điện Tây Bắc, “tổng hành dinh” vận hành truyền tại điện của 5 tỉnh trên địa bàn, làm việc và nắm bắt các thông tin về đội ngũ cũng như công việc ở đây. Thật bất ngờ, ấn tượng nhất đối với tôi là trong một phòng đầy ắp tiếng nói cười phụ nữ, chị em đang tập trung gói quà chuẩn bị cho Trung thu tổ chức vào đúng đêm Rằm. Những đứa con của gia đình thợ điện sẽ tập trung ở sân Công ty này, sẽ đón một đêm Rằm vui tươi và ý nghĩa, sẽ là nguồn động viên không nhỏ với cha mẹ chúng và một sự ấm áp nghĩa tình trong “Gia đình Truyền tải điện”. Ngày mai và những ngày sau, công việc của các anh lính đường dây vẫn tiếp tục không ngơi nghỉ và nếu như tình cờ trên con đường tôi đi nhìn thấy một chấm nhỏ trên đường dây cao tít thì tôi không còn cho đấy là nốt nhạc trời xanh nữa mà đó là một người thợ - người lính đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên chiếc “ghế ra dây”, làm việc và “chiến đấu” để dòng điện truyền đi không ngưng nghỉ!

Bình Sơn