Truyền tải điện miền Đông 2 tổ chức lớp tập huấn sơ cấp cứu năm 2022

Chủ nhật, 28/8/2022 | 22:08 GMT+7
Nhằm trang bị cho bộ phận lao động trực tiếp, đặc biệt là đội ngũ an toàn vệ sinh viên kỹ năng sơ cấp cứu, các kiến thức, phương pháp, yêu cầu về sơ cấp cứu từ đó áp dụng vào thực tế nhằm sơ cứu kịp thời các trường hợp xảy ra đột ngột và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Sáng ngày 22/8/2022 tại Bình Dương Truyền tải điện miền Đông 2 (TTĐMĐ2) tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho toàn thể CBCNV trong đơn vị với hơn 70 người, hướng dẫn lớp học là BS Nguyễn Thanh Sang và BS Hoàng Văn Khoa- phòng khám đa khoa Tân Thành Bình Chuẩn

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang phòng khám đa khoa Tân Thành Bình Chuẩn hướng dẫn lớp học.

Sơ cấp cứu là những trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho nạn nhân bị bất cứ chấn thương, sự cố hay bị một căn bệnh đột ngột nào đó trước khi có xe cấp cứu, bác sĩ, hoặc người có chuyên môn đến chữa trị. Mục đích của sơ cấp cứu ban đầu là duy trì sự sống, ngăn ngừa tổn thương diễn tiến và hạn chế sốc chấn thương, Giúp nạn nhân bớt lo sợ, bớt đau, tạo điều kiện tốt cho trị liệu chuyên môn tiếp theo. Việc cấp cứu ban đầu rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của cộng tác viên và cộng đồng khi xảy ra tai nạn, nhất là khi tai nạn xảy ra xa các cơ sở y tế, khi chưa có nhân viên y tế tiếp cận cứu chữa nạn nhân.

BS Hoàng Văn Khoa - phòng khám đa khoa Tân Thành Bình Chuẩn-thực hành vỗ lưng cấp cứu nạn nhân bị nghẹt đường thở.

Trong các trường hợp tai nạn thương tích, “nếu có tử vong” thì có tới 50% các nạn nhân chết tại chỗ do tổn thương quá nặng, khoảng 30% chết vài giờ sau do các biến chứng không được xử trí đúng cách và kịp thời, còn lại 20% chết sau vài ngày vì các nhiễm khuẩn, biến chứng… Có các trường hợp tổn thương quá nặng, ngay cả nhân viên y tế có các phương tiện cấp cứu cũng không thể cứu được. Tuy nhiên nếu chúng ta biết các nguyên tắc cấp cứu ban đầu và làm đúng cách, kịp thời sẽ làm ổn định nạn nhân trong khi chờ đợi nhân viên y tế tới cứu giúp, góp phần cứu sống nạn nhân, hạn chế biến chứng. Vì vậy việc sơ cấp cứu đó là vô cùng cần thiết bởi vì thời gian chờ đợi bác sĩ hay những người cấp cứu đến có thể làm nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm hay không thể cứu được nữa cho dù được đưa đến bệnh viện.

Hướng dẫn băng vết thương gãy tay.

Hướng dẫn băng vết thương gãy xương đùi.

Tại lớp học CBCNV trong đơn vị được BS Nguyễn Thanh Sang và BS Hoàng Văn Khoa- phòng khám đa khoa Tân Thành Bình Chuẩn truyền đạt lý thuyết 13 bài bao gồm Nguyên tác sơ cấp cứu ban đầu, hồi sức nhân tạo, sơ cứu nạn nhân bị nghẹt, sơ cứu nạn nhân bị điện giật, sơ cứu nạn nhân bị xỉu, sơ cứu nạn nhân bị hạ đường huyết, sơ cứu nạn nhận bị say nóng-say nắng, sơ cứu nạn nhân bị hạ canxi máu, sơ cứu nạn nhân chảy máu, băng vết thương, sơ cứu nạn nhân bỏng, sơ cứu nạn nhân gãy xương, cáng cứu thương.

Nội dung hướng dẫn lớp học phong phú, phù hợp với điều kiện làm việc của CBCNV tại các đội, trạm, tổ TTLĐ. Thông qua lớp học, trang bị cho người lao động những kiến thức cơ bản về hoạt động sơ cứu, hướng dẫn những thao tác sơ cấp cứu ban đầu để trợ giúp nạn nhân trước khi nhân viên y tế đến nơi. Việc sơ cấp cứu này nhằm ngăn không cho tình trạng nạn nhân ngày càng xấu đi, tạo cơ hội phục hồi và cứu sống nạn nhân. CBCNV tham gia khóa học được cấp chứng nhận.

Thực hành cố định xương đùi bằng nẹp.

 

Đào Viết Trường - ảnh Đỗ Xuân Kiên - TTĐMĐ2 - PTC4