Tính đến ngày 16/4/2013, tại Trung Quốc đã phát hiện 77 người mắc bệnh, trong đó 16 người tử vong. Đặc biệt, có trường hợp mang virut cúm A/H7N9 nhưng không có triệu chứng lâm sàng, điều này sẽ vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng.
Trong khi đó, ngay tại trong nước, cúm A/H5N1 đã xuất hiện làm một cháu bé ở Đồng Tháp tử vong và hàng loạt chim yến chết tại Phan Rang. Trước đây, loại virus này thường được tìm thấy trên các loại gia cầm như gà, vịt, đây là lần đầu tiên virus trên xuất hiện trên chim yến nuôi. Sự việc này đã khiến diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1 thêm phức tạp.
Các chuyên gia dịch tễ lo ngại việc các loại cúm gia cầm đồng thời hoạt động mạnh trở lại sẽ khiến nguy cơ các chủng virus tái tổ hợp là cao. Việc tái tổ hợp này có thể khiến độc lực virus mạnh hơn, khả năng gây tử vong cao hơn.
Bên cạnh đó, dịch cúm A/H1N1 cũng đã gây tử vong cho một bệnh nhân ở Yên Bái. Theo các bác sĩ, không chỉ bệnh nhân này mà rải rác vẫn có một số bệnh nhân nhiễm cúm thường, cúm A/H1N1 tử vong tại bệnh viện hoặc tử vong tại cộng đồng nhưng không được phát hiện. Đa phần các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi nhưng vẫn có một tỷ lệ nhất định gặp diễn biến nặng lên, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh. Hơn nữa, dù cúm thường, cúm A/H1N1 có độc lực không cao, tỷ lệ gây chết người thấp song số người lành mang virus trong cộng đồng lại cao, số người mắc mỗi năm khá lớn.
Do đó, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa chủng cúm mới A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, bùng phát thành dịch, thì người dân không nên chủ quan với các chủng cúm khác, kể cả những chủng cúm thông thường. Hơn nữa, các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau, gồm các triệu chứng ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, có thể kèm theo viêm kết mạc… nên rất khó xác định từng ca nhiễm. Để nhận diện từng chủng cúm khác nhau phải dựa vào đặc điểm dịch tễ cũng như kết quả xét nghiệm PCR, trong đó, đặc điểm dịch tễ được xem trọng. Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm đều nên được cách ly, tư vấn, theo dõi điều trị sớm ở cơ sở y tế trong thời gian 3 ngày đầu.
Để phòng các bệnh cúm nói chung trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo:
1- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát trùng mũi họng bằng nước muối, mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao.
2- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Bảo đảm an toàn thực phẩm.
3- Hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh: gia cầm (kể cả khi chúng còn khỏe) và người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang.
4- Người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khoẻ cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khoẻ.
5- Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Gà nhập lậu tràn lan thị trường là nguy cơ rất lớn lây lan cúm A/H7N9. Ảnh Internet