Giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, nguyên Phó Ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc Nam cho biết, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp với bao khó khăn, thách thức, bao mồ hôi, máu và nước mắt, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Công trình được thực hiện trong 2 năm là một kỳ tích chưa từng có, trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8-10 năm. ĐZ 500kV chính thức nối lưới đường điện Bắc Nam ngày 27/5/1994 đã mở ra một trang sử mới cho hệ thống truyền tải nói riêng và ngành điện lực Việt Nam nói chung. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, là đường dây liên kết hệ thống truyền tải điện năng theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác được tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.
Cũng theo ông Ngãi, đường dây 500 kV mạch 1 là tác phẩm đỉnh cao của thời đại với sự huy động tổng lực của rất nhiều lực lượng, đóng góp sức lực và trí tuệ của một tập thể lớn con người, từ nhân dân, quân đội, công an….cùng với những quyết sách động viên hợp lý của Chính phủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ truyền tải điện, chế độ vận hành ổn định của hệ thống. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta sử dụng các công nghệ như cáp quang, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị bảo vệ song song… hầu như những tính toán trong bài toán cấp điện cho miền Nam đều theo đúng thực tế. Đó là những thành tựu kỹ thuật mà công nhân kỹ sư Việt Nam đã học được và đảm đương vận hành cho đến ngày hôm nay, trong đó là việc hoàn thành được chuỗi công nghệ truyền tải với 22 trạm biến áp 500kV đang vận hành. Đây cũng đươc coi là viên gạch đầu tiên góp phần vào cơ chế sản xuất hàng hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi tình trạng cắt điện luân phiên ở TP HCM chấm dứt.
Lớp cha trước, lớp con sau…
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1600-1800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành. Chất lượng ĐZ vẫn đảm bảo, góp phần tăng cường sự hỗ trợ qua lại của hệ thống điện trên cả nước, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.
Cảm phục và ngưỡng mộ thế hệ cha anh, tại các buổi giao lưu với các đơn vị truyền tải, các thế hệ kế nhiệm đều hứa tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, chủ động khắc phục mọi khó khăn quyết tâm hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác được giao. Chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan thử thách, song những dấu ấn đáng trân trọng, tự hào của ĐZ 500 kV mạch 1 là hành trang, là điểm tựa, là động lực lớn lao cho thế hệ sau tiếp tục vượt qua sóng gió, vững vàng thực hiện thành công sứ mệnh vinh quang của mình. Mặc dù hiện tại, lưới điện phát triển chưa đồng bộ với sự phát triển của nguồn điện, một số ĐZ và trạm luôn vận hành đầy và quá tải, lưới điện chưa đảm bảo tiêu chí dự phòng n-1 nhưng ĐZ 500kV đã thể hiện vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải cung cấp điện trên phạm vi toàn quốc, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.
10 năm sau khi hòa lưới ĐZ 500kV mạch 1, năm 2004, EVN đã đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 2 từ Pleiku qua Di Linh, Tân Định về Phú Lâm. 10 năm tiếp theo nữa, ngày 29/4/2014, ĐZ 500 kV mạch 3 từ Pleiku về Mỹ Phước đến Cầu Bông (TP HCM) cũng chính thức hòa lưới, tạo ra sự liên kết mạch vòng 500kV khép kín, đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện từ Bắc vào Nam.