EVNNPT kiểm tra, rà soát việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành tại đội TTĐ Phù Yên

Thứ sáu, 31/3/2023 | 11:06 GMT+7
Vừa qua, tại đội Truyền tải điện (TTĐ) Phù Yên, thuộc TTĐ Tây Bắc 2 - Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), ông Ninh Xuân Hiệp - Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm trưởng đoàn đã làm việc về công tác triển khai ứng dụng phần mềm số hóa, công tác kiểm tra Quản lý vận hành (QLVH) đường dây, Trạm biến áp (TBA), quản lý thí nghiệm, GIS và Đội TTĐ ứng dụng toàn diện UAV.

Toàn cảnh buổi làm việc tại đội TTĐ Mộc Châu

Từ cuối năm 2022, để triển khai triển khai ứng dụng toàn diện UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây, PTC1 đã có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai ứng dụng toàn diện UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây. Theo đó TTĐ Tây Bắc 2 đã triển khai việc ứng dụng KHCN trong công tác QLVH đường dây tại đội TTĐ Phù Yên. Đội TTĐ Phù Yên quản lý vận hành hơn 85km đường dây 500kV mạch kép, và gần 90 km đường dây 220kV. Đội có 5 người được đào tạo vận hành UAV, chia thành 04 tổ bay.

Đặc thù đường dây do TTĐ Tây Bắc 2 quản lý cơ bản đi qua khu vực đồi núi cao, rừng cây sản xuất, rừng phòng hộ, rừng tái sinh và nương rẫy trồng cây nông nghiệp. Thời tiết khí hậu nắng nóng gay gắt vào mùa hè, mưa nhiều vào mùa mưa, sương mù, nồm ẩm, nhiệt độ thấp vào mùa đông. Địa hình đồi núi cao, sườn dốc, nguy cơ xảy ra sạt lở nhiều vào mùa mưa.

Ông Lê Tùng Lâm – Phó Giám đốc TTĐ Tây Bắc phát biểu trong buổi làm việc tại đội TTĐ Phù Yên

Đến nay đội đã thực hiện bay thủ công kiểm tra bằng UAV: Đường dây 500kV Sơn La - Việt Trì - Hiệp Hòa; đường dây 220kV Suối Sập 2A - Sơn La; đường dây 220kV Việt Trì - Suối Sập 2A: Cung đoạn áp dụng 124-282. Còn phương pháp lập trình bay tự động đang thực hiện.

Sau khi triển khai việc lập trình bay tự động đối với UAV Matrice 300 RTK: Các tính năng nâng cao như Zoom, camera nhiệt không thực hiện được khi lập trình bay tự động chỉ sử dụng camera thường nên ảnh chụp độ phân giải phấp... Không kết nối được với bộ RTK để phục vụ lập trình bay tự động; Phantom 4 RTK: Tối ưu trong việc lập trình bay tự động nhưng ảnh chụp chất lượng kém. (vì thiết bị này nhà thiết kế phần mềm áp dụng máy bay này cho việc lập trình bay tự động).

Việc khai thác dữ liệu thu được từ UAV được thực hiện hàng ngày sau khi bay kiểm tra; với những tính năng được tích hợp trên phần mềm thì công tác kiểm tra, kiểm soát tồn tại trên đường dây sau khi thực hiện các công việc kiểm tra sửa chữa và đo thông số được nhanh chóng dễ dàng, giảm được khá nhiều công đoạn qui trình kiểm tra định kỳ...

Ông Hoàng Đình Cơ - Đội trưởng đội TTĐ Phù Yên phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của đội TTĐ Phù Yên đưa ra kết luận: Mỗi phương pháp kiểm tra đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho việc kiểm tra định kỳ ngày đối với đường dây truyền tải điện, cần phải kết hợp sử dụng 2 phương pháp kiểm tra một cách khoa học. Cần tiếp tục cải thiện, nâng cấp phần mềm để có thể sử dụng được hết tính năng của các UAV đặc biệt là tính năng bay kiểm tra tự động (hiện tại chỉ tối ưu cho Phantom 4 RTK tuy nhiên chất lượng hình ảnh chụp từ Phantom 4 RTK có chất lượng không cao và không có tính năng zoom nên không đánh giá được chính xác các hư hỏng của thiết bị.

Còn một số tồn tại nhỏ trong Công tác áp dụng phần mềm GIS; PMIS cũng như công tác ứng dụng camera AI do đặc thù thời tiết tại khu vực được lắp đặt mưa nhiều, thường xuyên có sương mù làm ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống nguồn điện cấp cho camera hoạt động; ngoài ra đường truyền thông qua mạng nội bộ cũng không ổn định do đó thường xuyên mất tín hiệu và phải cấu hình lại đường truyền...Qua quá trình triển khai việc ứng dụng UAV đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác QLVH, tuy nhiên để triển khai ứng dụng toàn diện UAV trong công tác QLVH cần phải có thêm một số điều chỉnh cho phù hợp.

Đoàn công tác thực nghiệm tại Đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, thuộc QLVH đội TTĐ Phù Yên

Với tiêu chí tháo gỡ những bất cập, tồn tại đánh giá năng lực và khả năng phát triển ứng dụng KHCN tại các Đội truyền tải điện trực thuộc PTC1 cũng như nắm bắt những đề xuất kiến nghị để bổ sung điều chỉnh phù hợp với thực tế trong quản lý vận hành từ cấp đội truyền tải điện, các thành viên Đoàn công tác đã có những ý kiến đánh giá, góp ý và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị trực tiếp của các đơn vị trực thuộc PTC1.

Ông Ninh Xuân Hiệp - Phó trưởng ban Kỹ thuật EVNNPT phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc tại đội TTĐ Phù Yên

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ninh Xuân Hiệp - Phó trưởng Ban Kỹ thuật EVNNPT đã đánh giá cao đội TTĐ Phù Yên nói riêng, PTC1 nói chung đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc triển khai ứng dụng KHCN trong công tác QLVH đường dây, yêu cầu PTC1 tiếp tục phát huy hơn nữa trong năm 2023, triển khai thêm các đội ứng dụng UAV trong công tác quản lý vận hành thay vì hiện tại chỉ có 01 đội; thêm các đội triển khai ứng dụng sử dụng phần mềm quản lý đường dây, bổ sung thêm pin... một số phụ kiện phục vụ công tác bay kiểm tra.

Tiếp thu và quán triệt những ý kiến chỉ đạo của đại diện các ban EVNNPT, cùng các thành viên trong đoàn công tác, PTC1 quyết tâm xây dựng và triển khai thêm một số Đội truyền tải điện ứng dụng KHCN toàn diện trong năm 2023, lộ trình tiến tới triển khai ứng dụng KHCN toàn diện tại tất cả các Đội truyền tải điện trong thời gian tiếp theo, theo tinh thần chỉ đạo của EVNNPT, áp dụng triển khai ứng dụng KHCN trong tất cả các mặt của công tác quản lý kỹ thuật, quản lý đường dây, quản lý trạm biến áp trong PTC1./.

Mạnh Hùng