Trời đã về chiều, đường lên Tây Bắc xa xôi, song chúng tôi vẫn quyết tâm nhằm hướng Mường La thẳng tiến, những mong sớm được gặp anh em trước khi anh em “dàn quân lên trận tuyến”. Đường đi đèo dốc cheo leo, xe chạy trong đêm tối mịt mù, trời lại đổ mưa, nhiều đoạn đường sạt lở nguy hiểm khiến lái xe phải căng mắt, tập trung cao độ và nhích đi rất chậm. Có lúc trên đỉnh đèo, đám mây ở đâu ập xuống khiến chúng tôi như bị bưng kín mắt, lái xe vội bật chế độ đèn vàng, xe đi như trôi trong huyền ảo… Nhưng nghĩ đến anh em đang vượt mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ bảo vệ đường dây cao áp như bảo vệ dòng máu chủ đất nước, chúng tôi quên hết hiểm nguy, chỉ mong chóng đến nơi để được gặp gỡ anh em mình, cùng sẻ chia, động viên cho anh em vơi đi vất vả, nhọc nhằn thường nhật.
Đội đường dây Mường La là một trong những đơn vị khó khăn nhất trong 76 đội và trạm thuộc quản lý của Công ty Truyền tải điện 1. Đóng trú ở xã Ít Ong, gần khu vực nhà máy Thuỷ điện Sơn La, đội chịu trách nhiệm quản lý vận hành 9 đường dây cao áp, trong đó có 4 đường dây 500kV, đặc biệt quan trọng là các đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hoà, Sơn La - Hoà Bình - Nho Quan và đường dây 500kV từ Nhà máy thuỷ điện Sơn La đến TBA 500kV Sơn La. Đặc thù hệ thống truyền tải điện Tây Bắc là một mạng lưới thu gom công suất từ nhiều nguồn khác nhau, nên mạng điện nơi đây dày đặc và chằng chịt như mạng nhện. Các đường dây lại đi qua nhiều địa hình phức tạp, hiểm yếu, bị chia cắt bởi núi đá cheo leo và sông suối có lưu tốc lớn. Hàng năm, trên địa bàn Đội đường dây Mường La quản lý thường xuyên xảy ra mưa to, gió lốc, lũ ống, lũ quét và sạt lở núi, khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Những năm gần đây, thiên tai càng diễn biến bất thường, không theo qui luật. Chính vì vậy, nhiệm vụ quản lý vận hành của anh em đội đường dây càng chồng chất thêm khó khăn, vất vả.
Trao đổi với chúng tôi, Đội trưởng Nguyễn Trung Cương cho biết: Khoảng cách quản lý đường dây của đội rất dài, điểm xa nhất cách nơi đóng trú của đội tới hơn 90km. Đặc biệt có 02 đường dây đấu nối Nhà máy thuỷ điện Huội Quảng và Bản Chát, đi qua vùng núi rất hiểm trở. Anh em đi bảo dưỡng đường dây hoặc xử lý sự cố phải đi mất cả ngày đường, đến gần cột thì phải leo bám trên núi mất cả buổi mới tới. Mà khí hậu ở đây rất khắc nghiệt: mùa hè nắng cháy bởi gió Lào, nhiệt độ cao trên 410 C, nhưng hễ mưa xuống thì đường đi lại lầy lội, trơn trượt, chưa kể nhiều ngày giông sét, thậm chí có mưa đá; còn mùa đông thì khỏi nói: lạnh buốt thấu xương, nhiệt độ có lúc xuống đến 6 - 70 C. Bởi vậy, đội chỉ dám nhận lao động nam có sức khoẻ tốt, còn vị trí cấp dưỡng thì thuê một cô gái người dân tộc thông thạo địa hình và sành thực phẩm bản địa. Chúng tôi cũng đã tranh thủ gặp cô cấp dưỡng này, vừa động viên vừa mong em thật thông cảm với khó khăn của anh em để tận tình chăm sóc, giúp cho anh em có sức khoẻ tốt để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Kiểm tra khoảng cách an toàn đường dây cao áp 500kV
Về công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, Chủ tịch Công đoàn Truyền tải điện Tây Bắc - anh Phan Quốc Hồng cho biết: Khó khăn nhất là tại các xã Pi Toong, xã Mường Chùm, và ngay cả Thị trấn Ít Ong, ở đó, vướng mắc tập trung vào việc giải toả cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, xoài, thông… nên thường gặp phải phản ứng rất mạnh của người dân. Anh nói vui “ở đây cái dễ lấy lòng dân nhất là bầu rượu, chỉ sau một cuộc nhậu hết mình dân mới cởi mở, mà nhiều khi là rượu “xếch” nhé…” Tôi nghe mà càng thấy thương cảm anh em mình nhiều hơn.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra thú vị và ấm áp dưới mái nhà nhỏ, khá tạm bợ, chật chội thuê của dân địa phương vì đội còn chưa có trụ sở cố định. Trong đội có anh Nguyễn Minh Tài là người dân tộc Kinh, nhưng theo gia đình lên sinh sống ở Sơn La từ nhỏ, có khả năng nói tiếng Thái rất tốt. Tài đã phát huy khả năng này cho công tác dân vận, giao tiếp với đồng bào dân tộc, nhất là tại các vùng sâu dân trí còn hạn chế. Anh đã tham gia xử lý nhiều tình huống phức tạp với đồng bào. Tài ăn nói có duyên và dí dỏm, lại “tốt rượu” nên là cốt cán xông pha vào những địa bàn dân vận khó khăn, được đồng bào ai ai cũng thương yêu, quý mến. Cùng với Tài, anh em đội đường dây Mường La nhiều người tạm xa gia đình tập trung về đây, có người đã cả năm chưa một lần về. Anh em chẳng quản vất vả, thiếu thốn, cùng nhau lăn lộn trên tuyến để giữ cho dòng điện thông suốt liên tục trên núi rừng Tây Bắc.
Bữa trưa tranh thủ của chúng tôi cùng anh em đội Mường La là một kỷ niệm khó quên Những gương mặt truyền tải còn rất trẻ bừng sáng trong niềm vui hội ngộ. Anh em nói: thấy các chị lặn lội lên tận đây, chúng em cảm động quá, đường xá xa xôi cách trở, ít có phụ nữ dưới xuôi lên với chúng em lắm, được đón các chị thế này thật là niềm vui lớn của chúng em. Tôi cũng lâng lâng hạnh phúc vì được sẻ chia nỗi niềm cùng cả Đội và cũng vì chút rượu nồng từ tay các em và những cô gái Thái mến khách cùng giao lưu rất tự nhiên, cởi mở.
Thấy chúng tôi lại vội ra về, trên gương mặt anh em hiện lên sự bịn rịn, tiếc nuối. Thực lòng, nếu không vì bận công tác, chúng tôi cũng rất muốn ở lại thêm như lời mời tha thiết của anh em để được tận hưởng đêm núi rừng với điệu múa xoè hoa duyên dáng của các cô gái dân tộc Thái, để được cùng anh em hoà mình vào cuộc sống của đồng bào, là sự sẻ chia, đồng thuận, siết chặt hơn nghĩa tình ngành điện với dân bản xa xôi và càng thấy thấm thía cái tình, cái chí của người thợ truyền tải điện trong sự gian nan, vất vả của công việc song rất lạc quan và mang nặng tình người…
Món quà thăm hỏi, động viên của chúng tôi là thể hiện sự quan tâm sâu sát của Công đoàn Tổng công ty dành cho anh em toàn Đội. Tuy giá trị không cao, nhưng chúng tôi muốn trao gửi tới các đồng chí, đồng đội của mình cả tấm lòng sẻ chia, thông cảm và sự tri ân. Mong các anh em nơi đây chân cứng, đá mềm, luôn vững vàng là người chiến sỹ trên trận tuyến đường dây, ngày đêm giữ cho dòng điện luôn an toàn, liên tục để phục vụ cho hôm nay, cho ngày mai và cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Bài viết hưởng ứng cuộc thi: VINH QUANG NGƯỜI THỢ TRUYỀN TẢI ĐIỆN
Tháng 5/2013