TIẾNG GỌI TỪ NA HANG

Thứ năm, 20/6/2013 | 10:00 GMT+7
​Những ngày đầu tháng 11/2012. Tôi cùng chị Hoàng Thị Kim Dung - Trưởng ban Tuyên giáo & Nữ công - Công đoàn Tổng công ty tham gia “tháp tùng” đoàn nhà báo đi tìm hiểu về đời sống, việc làm của người thợ đường dây tại Na Hang (Tuyên Quang). Đây là nơi được xem là gian khổ, khó khăn nhất thuộc vùng sâu, vùng xa của khu vực phía Bắc. Thời gian làm việc không nhiều nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được những khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống thường ngày của anh em thợ đường dây nơi đây.

​Na Hang: “Khó chồng lên khó”
Đường từ Hà Nội lên Na Hang gần 300 km thật khó khăn với những cung đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều khúc cua tay áo. Chúng tôi cứ hết nghiêng sang trái, dụi sang phải rồi lại chúi về phía trước. Tôi nghe loáng thoáng mấy nhà báo đã từng lên Na Hang “an ủi” nhau: Gian khổ thế này chưa thấm vào đâu. Phải đến tận nơi mới hiểu thế nào là công việc và cuộc sống của thợ truyền tải Na Hang.
Nằm khá xa khu dân cư, “đại bản doanh” của những người thợ đường dây nép giữa trảng rừng được bao quanh bởi những triền, đồi núi nhấp nhô. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái lợp tạm, anh Vi Văn Lâm - Đội trưởng đội Đường dây Na Hang vui vẻ:“Các anh chị thông cảm vì trụ sở còn sơ sài lắm. Có thể tóm tắt lại ở mấy từ: nơi đây khó khăn chồng lên khó khăn, vất vả chồng lên vất vả....”.

Công nhân.jpg
Ăn tối dã chiến tại ngay chân cột để tiện cho sửa chữa đường dây ban đêm

Anh Lâm cho biết, đội đường dây 220KV Na Hang chỉ có 13 người nhưng quản lý vận hành 113 km đường dây 220kV mạch kép trên địa hình toàn rừng sâu, núi cao, đi lại khó khăn, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để giữ cho đường dây thông suốt, hàng ngày, các anh phải băng rừng, lội suối để phát dọn hành lang tuyến, phát hiện, xử lý sự cố bất kể ban ngày hay đêm, mưa hay nắng, mùa đông rét cắt da cắt thịt hay mùa hè nắng nóng như chảo lửa. Sự khó khăn càng tăng gấp bội khi vào mùa mưa bão hay gặp sạt lở móng cột, cả đội phải trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng tất cả về người và thiết bị để chống bão, bố trí nhân lực đi kiểm tra trên các tuyến đường dây và trạm, kịp thời phát hiện và xử lý những cây cao có khả năng đổ gẫy, đắp kè lại những móng cột có nguy cơ bị xói lở, khơi thông nguồn lạch, khe suối để đảm bảo thoát nước. Điển hình là vụ sạt lở móng cột năm 2008. Vì trời mưa to, đường bùn ngập đến tận đầu gối, xe ô tô không thể chở người và phương tiện đến tận chân cột. Trong tình huống cấp bách đó, các anh phải chia nhau mang vác thiết bị, cuốc bộ 2 ngày một đêm mới đi được hơn 12 km đường rừng đến nơi xảy ra sự cố. Làm việc cật lực, ăn uống “dã chiến” tại chỗ với bánh mì và nước lọc. Cảm giác thế nào? Tôi hỏi. Anh Lâm cười: Đã thấm tháp gì. Sự cố vĩnh cửu xảy vào một đêm mưa bão tháng 5/2007 mới là đáng nhớ nhất. Anh kể: 11h đêm nghe tin trận bão gây sự cố, các anh phân công  nhau cứ 2 người 1 cặp lần mò trong rừng, đến từng cột điện để phát hiện vị trí gây sự cố. Lúc vào còn dễ, khi quay ra nhiều người mất phương hướng vì cây bị bão đổ ngổn ngang, Đã thế, điện thoại, bộ đàm đều bị ướt hết không liên lạc được. Anh thì đơn giản hơn vì đã thành “thổ dân” ở đây nên tìm đường không mấy khó khăn nhưng anh em đa phần mới vào nghề lại chưa quen đường rừng, trời lại tối nên bị lạc nhiều. Nhiều anh em đã mò mẫm cả đêm trong rừng, đi bộ hơn 7 km mới ra được đường cái đón xe. Đội trưởng thì cứ loanh quanh ở nơi hẹn tập kết không dám về nhà. Gần 4 giờ sáng, đội trưởng mới thở phào nhẹ nhõm khi điểm quân không thấy thiếu ai.
Đấy là chưa kể đến những khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến để đảm bảo tiến độ thi công, sự vi phạm hành lang an toàn do việc thiếu ý thức của người dân. Giải thích không dễ vì ở đây có tới 16 dân tộc với những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Đại đa số các anh đều từ miền xuôi lên đây lập nghiệp, chỉ có 2/13 là người bản xứ nên các anh đã phải cố gắng rất nhiều, từ học tiếng địa phương để “phát sóng ngắn” (tức là nói chuyện trực tiếp với bà con không cần người dịch), đến việc học hỏi phong tục tập quán từng dân tộc, xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương, với trưởng thôn, già bản để tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của họ trong công việc... Hầu hết lính truyền tải đều rất giỏi công tác dân vận đấy- anh Lâm khoe.

treo minh tren cot _minh hoa.jpg
Treo mình trên cột để kiểm tra, sửa chữa đường dây
Dẫn chúng tôi tới vị trí 217 ĐZ 220kV Hà Giang - Thủy điện Tuyên Quang - một vị trí nằm ngay cạnh hồ thủy điện mà anh Lâm giới thiệu là gần trụ sở, dễ đi nhất, tôi không khỏi “choáng” khi thấy đường đi nhỏ hẹp, không có vật dụng, thiết bị an toàn nào trợ giúp. Bên trái là cỏ lau, cây sậy um tùm, bên phải là lòng hồ dù cạn nước nhưng có độ sâu hun hút hàng chục mét. Do tối hôm trước vừa mới có trận mưa nhỏ nên đường đi khá trơn, lại chưa quen địa hình, tôi thận trọng dò từng bước mà vẫn bị trượt chân suýt rơi xuống hồ, may có một anh trong đội kịp nắm tay tôi kéo lại. Trong khoảnh khắc đó, tim tôi như ngừng đập vì mình vừa thoát nạn trong gang tấc. Cũng lúc đó trong tôi trào dâng bao niềm cảm phục anh em trong đội. Tôi chỉ đi người không mà còn chật vật, vậy mà anh em nơi đây còn phải mang vác lỉnh kỉnh bao thiết bị lên tuyến thì sự hiểm nguy còn thế nào? Không chỉ mang vác nặng khi đi lên tuyến, các anh còn phải thường xuyên treo mình trên cột cao giữa thời tiết khắc nghiệt hay đối mặt với hiểm nguy từ thú dữ hay rắn vắt rình rập bên cạnh đường đi của mình. Có đi tôi mới cảm nhận được hết những gian nan, vất vả, hiểm nguy của những người thợ đường dây mà trước đây tôi mới chỉ biết qua các bài viết, phóng sự hay qua lời kể của đồng nghiệp.
Quyết tâm “bám trụ”
Na Hang thật vất vả và gian khổ! Vì vậy cũng không khó hiểu khi một số anh em trẻ tuổi mới vào nghề đã sớm nản lòng, bỏ “rừng” để về “phố”. Thế nhưng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong khó khăn, gian khổ mới thấy hết được bản lĩnh, sự tâm huyết và nhiệt tình của 13 anh em trong đội, những người đã có “thâm niên” gắn bó với Na Hang ít nhất là dăm, ba năm. Riêng đội trưởng Lâm đã có hơn 20 năm trong nghề truyền tải, 6 năm làm bạn với miền rừng núi này. Người ít, việc nhiều, Tết cũng phải thay nhau trực, hầu như thời gian các anh dành cho gia đình rất ít. Nhiều khi, công việc trên tuyến đang bộn bề, gia đình lại có việc riêng cần đến bờ vai gánh vác của người trụ cột gia đình, các anh đã phải nén những tình cảm riêng, dồn tâm trí hoàn thành công việc của đội. Ban ngày bận việc công việc còn đỡ, đêm về nằm một mình trong căn phòng lạnh lẽo, nghe tiếng chim kêu vượn hót, lòng anh lại cồn cào nỗi thương vợ nhớ con, lại phấp phỏng nghĩ khôn nghĩ dại đủ điều. Nghe anh Lâm kể chúng tôi cứ thấy nao nao, thế nhưng chính anh lại “trấn an” chúng tôi: “Các anh chị cứ yên tâm, chúng tôi xác định đã nhận công việc thì phải làm tốt. Anh em chúng tôi vẫn không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Cấp trên sẽ luôn ghi nhận và có những chế độ quan tâm xứng đáng”. Đội trưởng Lâm không chỉ truyền tình yêu công việc cho anh em trong đội mà còn truyền cả lửa nhiệt huyết cho chúng tôi.
Trong ngôi nhà chung của đội ĐZ 220kV Na Hang cũng không thể không nhắc đến đội phó Nguyễn Đình Việt - một người còn rất trẻ tuổi đời nhưng nhiều tuổi nghề. Anh là người thứ 2 cùng đội trưởng Lâm đặt chân lên Na Hang từ này đầu mới thành lập. Mới ngày nào còn bỡ ngỡ bước vào ngành điện, đến nay anh đã trở thành đội phó đội ĐZ 220kV Na Hang kinh nghiệm đầy mình.
Với tinh thần làm đầy nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo của anh em trong đội, hơn 6 năm qua, cung đoạn đường dây các anh quản lý luôn vận hành an toàn, liên tục, ổn định, không để xảy ra bất cứ sự cố chủ quan nào. Mặc cho khó khăn, gian khổ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề, các anh vẫn ngày đêm bám trụ với Na Hang, đoàn kết một lòng, coi nhau như anh em ruột thịt, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cả công việc và cuộc sống. Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, đội trưởng Lâm chỉ cười và nói: “Chỉ mong Chính phủ cho nâng giá truyền tải lên để có thêm nguồn trang trải...” Mong ước của anh thật đáng trân trọng! Các anh không mưu cầu gì cho riêng cá nhân mình, lợi ích cá nhân đã hòa chung lợi ích của tập thể, của Tổng công ty và ngành Điện.

tặng quà.jpg
Đ/c Hoàng Thị Kim Dung - UVBCH - Trưởng ban TG & Nữ công Công đoàn TCT
thăm hỏi, tặng quà cho anh em

Tạm biệt Na Hang, chúng tôi mang về thành phố bao nỗi vấn vương về những người thợ đường dây. Họ như những chú ong chăm chỉ, cần mẫn, lặng lẽ góp mật ngọt cho đời, giữ cho đường dây truyền tải luôn thông suốt. Na Hang có sức hút với các anh hay chính các anh đã tạo nên sức hút cho Na Hang? Chỉ biết, 13 người lính đường dây đã, đang và sẽ luôn gắn bó với Na Hang như ngôi nhà thứ hai của mình, để rồi những lúc đi xa, bỗng lại quay quắt nỗi nhớ Na Hang./.

Lê Thị Duyên Hải-VPCĐ