Người "Anh già" đáng kính

Thứ hai, 6/11/2023 | 09:34 GMT+7
Anh bước chân vào truyền tải từ cái thời mà truyền tải còn màu áo xanh, trạm điện tích hợp hầu như chưa có, từ thời bò trườn trên những trang bản vẽ mạch nhị thứ to bằng mặt bàn để đọc mạch, ngồi mài mòn ghế để vẽ sơ đồ nhất thứ và từ thời mà máy vi tính chỉ dùng để nhập excel thôi. Người mà tôi nói đến là anh Đỗ Văn Hoàng - điều hành viên Trạm biến áp 500KV Tân Uyên (Công ty Truyền tải điện 4), anh là gương điển hình thực thi văn hóa EVNNPT "Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc".

Anh Đỗ Văn Hoàng- Điều hành viên Trạm 500kV Tân Uyên ghi ngày kiểm tra bình CO2

“Thời đó, mỗi đêm, tụi anh đều “vác” tấm mi-ca to vừa bằng khổ giấy A2 đi đến tận mặt tủ panel để ghi logsheet, căn chính xác giữa đêm để đi một vòng sân chốt công tơ cho kịp không thôi là sai chỉ số; những lúc 2 giờ sáng phải đi rửa mặt cho tỉnh để đọc thông số vận hành cho “Phối Trí” báo cáo 2-10-16-19 giờ…Hồi đó chưa có xài hotline như bây giờ đâu, tụi anh xài cái may-co mẹ bồng con hen, mỗi lần “Phối Trí” gọi là chắc cả Miền Nam này nghe luôn chớ hông phải giỡn đâu nghe tụi bay”. Và còn nhiều lắm những câu chuyện hấp dẫn khác luôn khiến chúng tôi ngồi “vểnh tai” nghe hết sức hào hứng mỗi khi anh kể. Vài sợi tóc bạc lẫn những sợi đen lòa xòa trên gương mặt đã sậm màu vì năm tháng vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về “chuyện ngày xưa” với ánh mắt long lanh, sáng bừng như ngọn đuốc trong đêm. Dấu vết thời gian có thể làm gương mặt chai sạm, những lần bảo dưỡng, lau chùi thiết bị nhất thứ, lật nắp mương cáp để kiểm tra cáp nhị thứ có thể làm bàn tay các anh sần sùi thô ráp; duy chỉ có tinh thần làm việc với thiết bị trạm, sự tận tụy trong mọi công việc và tình thương đối với thế hệ em út sau này là không hề thay đổi. Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục những người anh của chúng tôi.

Anh Hoàng và tôi về làm chung trạm 500kV Tân Uyên khi tôi mới dăm tuổi nghề, còn anh thì đã gần 20 năm “chinh chiến”. Anh là một điều hành viên tận tụy, được phân công phụ trách quản lý công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của trạm 500kV Tân Uyên thuộc Truyền tải điện Miền Đông 2. Sự cẩn trọng và tỉ mỉ của anh chính là điều làm cho những tập hồ sơ, những thiết bị của hệ thống PCCC như nhà bơm, hệ thống đường ống, các tủ vòi lăng luôn ngăn nắp, sạch sẽ và luôn trong trạng thái vận hành tốt nhất.

Điều này không phải tự chúng tôi nói mà chính là những đánh giá đáng tự hào sau các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng hoặc của lãnh đạo Công ty, Đơn vị. Anh vẫn thế, luôn miệt mài chăm sóc từng thiết bị, tủ bảng điện máy móc và nhà cửa đến từng chi tiết luôn khiến “những kẻ lười biếng” chúng tôi phải ngại ngùng mỗi lần theo anh để học hỏi. Những ngày đó cũng là cơ hội quý giá để nghe anh giảng giải thêm về nghề vận hành trạm điện truyền tải. Anh nói: “Mình chăm sóc tốt thiết bị, tủ bảng điện để lúc nào cũng vận hành trơn tru thì sẽ hạn chế những hư hỏng, bất thường thậm chí là sự cố. Mình đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy sẵn sàng hoạt động là tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm an toàn cho đơn vị mình và đặc biệt là tiết kiệm tiền của Tổng công ty, tiết kiệm công sức của anh em trong đơn vị vì phải đi sửa chữa bảo dưỡng”.

Mỗi khi đi tuần tra sân ngắt, anh vẫn thường tỉ mẩn lượm từng con bu-lông, khi thì cái long-đền do đơn vị xây lắp rơi vãi và để vào một chiếc hộp sạch sẽ trong kho phòng khi dùng đến. Và thường khi Trạm hay đơn vị thi công cần bu-long đai ốc, long-đền… sẽ tìm anh Hoàng. Anh thường cao giọng: “Tụi bay biết đó, mỗi lần mua một cái vật tư gì là cả một loạt thủ tục phiền hà lắm chứ không phải chuyện chơi. Vậy thì tiết kiệm không ở đâu xa, tiết kiệm là ở chính những việc làm cụ thể của anh em mình để mà bảo vệ thiết bị Trạm giống như nhà mình vậy, đó là đóng góp cho Truyền tải, cho Công ty và Tổng công ty chớ chi nữa!”

Cái “điệp khúc tiết kiệm cho Truyền tải” dần thấm sâu vào tư tưởng anh em tôi lúc nào chẳng biết. Từ việc bật tắt cái đèn, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh, vệ sinh định kỳ nhà cửa…cũng theo đó mà nề nếp ra, rồi thành thói quen từ lúc nào chẳng biết.

Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh hệ thống bơm phòng cháy chữa cháy trong trạm.

Nói vậy chứ anh cực kỳ thương các em út, anh thường “tranh” làm những việc nặng nhọc về mình. Kéo một cái bơm hầm dầu sự cố lên cũng “để anh không tụi bay không biết lôi là gãy ống đó”, lật mương cáp cũng “để anh chớ không biết ý là dập tay”… Riết rồi anh như một ông anh cả chứ không chỉ là người đồng nghiệp nữa. Anh thường dành cho thế hệ chúng tôi những lời khuyên quý báu mỗi khi có ai giảm sút tinh thần làm việc hoặc gặp trở ngại trong cuộc sống. “Anh đã trải qua những giai đoạn đầy khó khăn khi mới chia tách Truyền tải với Điện lực, những khi đi trực không mua được cơm mà ăn vì chẳng có ai mua bán gì... Nên khó khăn hiện nay không có gì đáng kể. Anh em hãy tin tưởng vào ngành điện và cố gắng làm việc hết mình thì khó khăn sẽ tự qua đi. Tụi em sau này có trình độ, giỏi máy tính, lập trình… nên cố gắng hỗ trợ để Trạm được vững mạnh. Sau này sẽ nhờ hết vào tụi em đó”, anh dặn dò.

Anh Hoàng năm nay ngót nghét 50 tuổi rồi, tinh thần vẫn rất vui vẻ trẻ trung, làm việc hăng say như mới ngày nào vào nghề. Anh vẫn truyền cho anh em chúng tôi niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt vào tương lai của ngành Truyền tải, vẫn cần mẫn dạy cho lớp đàn em về tinh thần cần kiệm và tình yêu thương giữa đồng nghiệp với nhau. Chợt nghĩ đến lời Bác dạy “tự mình phải cần kiệm”, đây chính là cơ sở của tiết kiệm chống lãng phí và tạo nên một tập thể vững mạnh, tiến bộ. Chúc anh luôn giữ một tinh thần trong sáng, giữ một ngọn lửa yêu nghề để chúng tôi – thế hệ sau này – luôn tự hào vì có một “người anh già đáng kính” như thế./.

Dương Xuân Phú - TTĐMĐ2 - PTC4
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện