Vận dụng nguyên tắc bất hồi tố của văn bản pháp luật khi bảo vệ quyền lợi trong tố tụng

Thứ bảy, 4/11/2023 | 06:39 GMT+7
Theo Điều 94 Luật Đất đai năm 2013, “Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định”.

Trước đó, quy định bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã có quy định tại Điều 16 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Hay nói cách khác, đối với các công trình điện lực xây dựng từ năm 2004, khoản chi bồi thường, hỗ trợ cho phần đất không thu hồi nằm trong trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện là có cơ sở pháp lý tương đối rõ ràng. Vấn đề đặt ra là có được vận dụng quy định trên để giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với công trình đã hình thành trước năm 2004 được cải tạo, nâng cấp (không phải xây dựng mới) từ sau năm 2004 trở lại đây hay không?

Ảnh minh họa

Trên thực tế vẫn còn nhiều luồng quan điểm khác nhau. Nhóm cho rằng có thể giải quyết bồi thường vì pháp luật không cấm vận dụng hồi tố các quy định bồi thường có lợi cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang. Nhóm khác cho rằng không có cơ sở vì các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này không có hiệu lực hồi tố trở về trước. Bài viết này của tác giả không đánh giá đúng/sai các luồng quan điểm vì mỗi lập trường đều có những cơ sở nhất định, chỉ mạn phép trao đổi các luận cứ đã được kiểm chứng để bảo vệ quyền lợi cho Công ty Truyền tải điện 4, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (PTC4/EVNNPT) đối với trường hợp người dân khởi kiện yêu cầu ngành Điện bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường dây 220 kV vận hành từ năm 1980, được cải tạo từ năm 2008 đến năm 2010.

Trong vụ án này, ngoài lý do khởi kiện vì chưa được bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn trước đây, đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường của ông H.C.H (Đồng Tháp) còn cho rằng PTC4/EVNNPT vi phạm Điểm d Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 14/1014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện khi để khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện đến mặt đất (khoảng cách pha – đất) đối với đường dây 220 kV nêu trên nhỏ hơn 18m. Tổng giá trị nguyên đơn yêu cầu bồi thường để di dời ra khỏi hành lang là hơn 5,3 tỷ đồng.

Trong toàn bộ quá trình tố tụng, PTC4/EVNNPT tập trung vào các luận cứ:

- Cung cấp các hồ sơ đo đạc của Sở Công Thương (Sở Công nghiệp trước đây) tỉnh Đồng Tháp và kết quả thẩm định tại chỗ của TAND cấp sơ thẩm, khẳng định Đường dây 220 kV đề cập trong Đơn khởi kiện đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật về điện lực qua các thời kỳ, từ lúc xây dựng vào năm 1978 cho đến khi được nâng cấp (trên hành lang tuyến hiện hữu) theo thiết kế phê duyệt năm 2008 theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Từ đó xác định khoảng cách pha – đất chỉ cần không nhỏ hơn 13m (theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP) là đã đáp ứng. Nghị định số 14/1014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 tuy nâng khoảng cách pha – đất lên 18m nhưng không quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố) nên hoàn toàn không có yếu tố PTC4/EVNNPT vi phạm Nghị định số 14/1014/NĐ-CP.

- Nộp các chứng cứ hình ảnh, kết quả đo đạc, thẩm định tại chỗ…, để khẳng định nhà của ông H.C.H đáp ứng tất cả các quy định về điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cấp điện áp 220 kV qua các thời kỳ, từ kết cấu nhà; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất đối với cấp điện áp 220 kV, cường độ điện trường…

Từ đó khẳng định, PTC4/EVNNPT thực hiện đúng pháp luật về điện lực qua các thời kỳ; bác bỏ lập luận đề nghị áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 601 Bộ luật Dân sự, Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 về việc hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; bác bỏ lập luận cho rằng ngành Điện có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho nguyên đơn do làm hạn chế khả năng sử dụng đất; bác bỏ quan điểm cho rằng do khoảng cách pha – đất đường dây 220 kV ban đầu (13m) làm thiệt hại cho hộ dân nên ngành Điện mới đề nghị nâng lên 18m. Trong quá trình tố tụng, PTC4/EVNNPT tập trung vào luận cứ mấu chốt là ngành Điện không có thẩm quyền (tự) quy định về khoảng cách pha – đất, chỉ có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật. PTC4/EVNNPT đã chấp hành đúng nên cũng là đối tượng cần được pháp luật bảo vệ. Chấp thuận luận cứ bảo vệ này và vì nguyên đơn cũng không trưng ra được chứng cứ chứng minh ảnh hưởng sức khỏe (thiệt hại) như thế nào, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã bác các quan điểm đề nghị áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

- PTC4/EVNNPT đã cung cấp chứng cứ chứng minh đã thực hiện đúng Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Châu Thành phê duyệt vào các năm 2009, 2010 (không có nội dung bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất thuộc hành lang do việc cải tạo nằm trên tuyến hành lang hiện hữu).

Ảnh minh họa

Thực tế quá trình tố tụng cũng có vấn đề khác phát sinh ở điểm này. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho mình, PTC4/EVNNPT tập trung làm rõ pháp luật giai đoạn xây dựng đường dây từ năm 1978 – 1980 không có quy định bồi thường, hỗ trợ hạn chế quyền sử dụng đất trong hành lang lưới điện cao áp và nhấn mạnh nếu tạo ra tiền lệ bồi thường hồi tố cho các công trình dạng này, ngân sách Nhà nước phải gánh một khoản chi phí khổng lồ, hoàn toàn trái với nguyên tắc cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố của văn bản pháp luật khi đứng ở góc độ đảm bảo hài hòa, bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội.

Đây là vụ việc đã kéo dài dai dẳng từ năm 1998 đến nay, qua nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương lẫn địa phương vào cuộc để giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện triền miên của ông H.C.H. PTC4/EVNNPT đã kiên trì chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, bám sát quan điểm xử lý vụ việc trong suốt hơn 25 năm qua. PTC4/EVNNPT nhận thức rõ nếu có một phán quyết bất lợi (PTC4/EVNNPT phải bồi thường) và hình thành nên án lệ, không loại trừ khả năng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền lên các trường hợp tương tự, không chỉ cục bộ ở khu vực phía Nam mà còn ở phạm vi rộng hơn. Hậu quả đó sẽ tác động không nhỏ đến hình ảnh, chi phí của PTC4/EVNNPT nói riêng và của ngành Điện nói chung.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, vụ việc cũng mang đến cho cơ sở một số bài học kinh nghiệm pháp lý quý báu khác, PTC4/EVNNPT sẽ mạn phép được trao đổi trong các bài viết khác để trình bày vấn đề được tập trung hơn. Chi tiết Bản án phúc thẩm của vụ việc đề cập trong bài viết này (số 371/2023/DS-PT ngày 14/8/2023 của TAND tỉnh Đồng Tháp) đã được công bố trên website của TAND tối cao: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1257497t1cvn/chi-tiet-ban-an. Mong nhận được bình chọn phát triển thành án lệ của quý đồng nghiệp để góp phần bảo vệ quyền lợi cho EVN trong các vụ, việc tương tự (nếu có)./.

Nguyễn Xuân Phương - Phó trưởng Phòng Kiểm tra thanh tra pháp chế - PTC4