PTC4 thực hiện tốt các giải pháp giảm tổn thất điện năng truyền tải

Thứ năm, 28/4/2022 | 15:24 GMT+7
Lưới điện truyền tải cấp điện áp 220kV, 500kV của Công ty Truyền tải Điện 4 được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia giao nhiệm vụ quản lý vận hành trãi rộng khắp 19 tỉnh và thành phố phía Nam từ tỉnh Bình Phước, Đồng Nai đến tỉnh Cà Mau miền đất cuối cùng của đất nước Việt Nam, trong đó bao gồm các khu vực kinh tế trọng điểm quan trọng phía Nam - khu vực tiêu thụ sản lượng điện lớn nhất của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An.

Thực tế khối lượng quản lý vận hành của Công ty đến tháng 09/2021 bao gồm: 62 trạm biến áp, trong đó 14 trạm biến áp 500kV và 48 trạm 220kV; Tổng công suất lắp đặt MBA - 29.600 MVA trong đó cấp 500kV là 15.600MVA, cấp 220kV là 24.000MVA; Tổng chiều dài đường dây 7603,76 km với 2256,98 km đường dây 500kV và 5346,69 km đường dây 220kV.

Thực hiện truyền tải sản lượng điện cung cấp cho phụ tải trong các năm từ 2015 đến 2020 khoảng 416 tỷ kWh trong tổng số 884 tỷ kWh của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, chiếm tỷ lệ khoảng 47% sản lượng điện truyền tải Quốc gia. Tổn thất điện năng trên hệ thống điện của Công ty Truyền tải điện 4 thực hiện thấp nhất trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vào khoảng 1,1% sản lượng truyền tải, tiến dần đến giá trị tổn thất điện năng kỹ thuật thuần của hệ thống điện và tiệm cận đến mức tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Là đơn vị quản lý khối lượng lớn tài sản lưới điện quốc gia, chuyển tải phần lớn sản lượng điện cung cấp cho phụ tải, đặc biệt cung cấp cho các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 4 luôn đảm bảo vận hành tin cậy, liên tục, luôn chú trọng giảm thiểu tổn thất điện năng truyền tải và đảm bảo chất lượng điện năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng. Để thực hiện được trọng trách đó, Tập thể Ban Giám đốc, Lãnh đạo các Phòng ban, Đơn vị và toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty đã không ngừng nỗ lực xây dựng các giải pháp đảm bảo vận hành lưới điện và đặc biệt là giảm tổn thất điện năng truyền tải trên lưới điện 500kV và 220kV sâu và rộng khắp trên tất cả các hoạt động sản xuất của Công ty bằng các giải pháp khoa học kỹ thuật hiệu quả, kịp thời, ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất để thực hiện giảm tối đa tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về tổn thất điện năng của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia giao cho.

Theo thống kê thực hiện trong ba năm 2019, 2020 và 2021, Công ty Truyền tải điện 4 đã thực hiện truyền tải được một sản lượng lớn điện thương phẩm và tổn thất điện năng truyền tải thấp nhất trong Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia cụ thể như sau:

Năm

2019

sản lượng truyền tải (kWh)

                      98,958,000,000   

Tỉ lệ tổn thất (%)

220 kV

0.86

500 kV

0.46

Lưới Chung

1.09

Năm

2020

sản lượng truyền tải (kWh)

                      97,759,704,771   

Tỉ lệ tổn thất (%)

220 kV

0.73

500 kV

0.55

Lưới Chung

1.04

Năm

2021

sản lượng truyền tải (kWh)

                      91,200,674,918   

Tỉ lệ tổn thất (%)

220 kV

0.74

500 kV

0.46

Lưới Chung

1.01

 

Qua đó cho thấy tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải thực hiện của Công ty Truyền tải điện 4 thực hiện rất thấp và giảm xuống dần qua các năm, đến cuối năm 2021 tỷ lệ tổn thất điện năng đã tiệm cận xấp xỉ đến 1%.

Tiếp theo năm 2022, dự kiến kế hoạch được Tổng Công ty giao nhiệm vụ tổn thất điện năng thấp {dự kiến lưới 220kV (0.71%), lưới 500kV (0.41%), lưới chung (0.96%)}. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia theo Văn bản số 340/EVNNPT-KT ngày 27/01/2022 của NPT về việc thực hiện giải pháp ngăn ngừa sự cố và giảm tổn thất điện năng năm 2022; Để đạt được các chỉ tiêu NPT giao cho PTC4 về tổn thất điện năng trong 2022 và những năm tiếp theo, Công ty đã triển khai đến các Phòng và Đơn vị thực hiện các giải pháp giảm tổn thất trên toàn diện các hoạt động sản xuất và quản lý vận hành lưới điện truyền tải (Văn bản số 1093/PTC4-KT ngày 06/03/2022 V/v triển khai thực hiện giải pháp giảm tổn thất điện năng năm 2022). Trong đó tập trung thực hiện giải pháp sâu rộng trên các mặt sản xuất như sau:

Về giải pháp quản lý: Tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng (TTĐN) cấp Công ty và cấp Đơn vị Truyền tải điện. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, giảm sự cố, giảm thời gian cắt điện, … Thực hiện nghiêm kế hoạch TTĐN được Công ty giao cho các Đơn vị, có đánh giá kết quả thực hiện theo từng tháng, quý, năm. Các Đơn vị bố trí nhân lực chuyên trách cho công tác quản lý TTĐN và tính toán, đánh giá lưới điện;

Về nhóm giải pháp trong vận hành (ngăn ngừa, hạn chế vận hành đầy, quá tải thiết bị, sự cố và điện áp thấp): Giảm sự cố lưới điện và không để xảy ra sự cố chủ quan, cụ thể:

  • Nghiêm túc triển khai lập và thực hiện phương án ngăn ngừa sự cố cho từng đường dây (ĐD) và trạm biến áp (TBA) 220kV, 500kV đã được EVNNPT, Công ty chỉ đạo.
  • Nâng cao năng lực các đơn vị có yêu cầu chuyên môn cao như thí nghiệm  và  sửa chữa thiết bị TBA để kịp thời phát hiện các bất thường nhằm ngăn ngừa sự cố thiết bị.
  • Theo dõi sát mức độ mang tải, trào lưu công suất của các ĐD, máy biến áp (MBA); phối hợp và đề xuất với các Trung tâm Điều độ các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải, non tải MBA, ĐD và thiết bị lưới điện; hàng tháng rà soát, đánh giá, đề xuất thay thế, nâng khả năng tải các ĐD, MBA thường xuyên đầy tải, có TTĐN cao, rà soát và đề xuất bổ sung các công trình mới để giảm đầy và quá tải lưới điện.
  • Thường xuyên theo dõi các Nhà máy điện phát quá công suất đăng ký gây đầy và quá tải MBA và ĐD đấu nối để có gửi văn bản kiến nghị cho các bên liên quan (nếu có).
  • Các TBA phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ điều khiển đóng cắt các giàn tụ bù ngang, kháng bù ngang ở các thời điểm phù hợp và theo dõi trào lưu công suất phản kháng, hệ số công suất cosφ qua MBA, các xuất tuyến ĐD để điều  chỉnh  và  giữ điện  áp  trong giới  hạn  tối ưu, hạn  chế truyền  tải  vô công giữa truyền tải và phân phối. Hàng tháng có rà soát, đánh giá về giao nhận công  suất  vô công,  hệ số cosφ, làm việc với các Công ty Điện  lực để có giải pháp đối với các xuất tuyến thường xuyên có hệ số thấp dưới quy định. Đánh giá và tổ chức điều  chuyển  các  giàn  tụ bù ngang đến các vị trí phù hợp, tiếp tục đánh giá để thay thế các giàn tụ cũ có tổn hao công suất cao vượt thiết kế của các bình tụ.
  • Đảm bảo chất lượng công tác lập, duyệt phương án thi công (kể cả thi công các công trình mới và sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm thiết bị), phối hợp các đơn vị trong việc cắt điện thi công công trình mới kết hợp với sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện kể cả đối với lưới điện của các Công ty Điện lực, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Ưu tiên bố trí cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm phụ tải thấp
  • Phối hợp với các cấp Điều độ đưa tối đa tự động điều chỉnh điện áp các MBA vào vận hành.

Trong công tác đầu tư xây dựng: Đầu tư phát triển lưới điện mới; cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ đảm bảo vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ. Đây là giải pháp quan trọng đối với việc giảm TTĐN  năm  2022. Yêu cầu đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt cũng như các văn bản chỉ đạo của EVNNPT, Công ty đối với kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo điện áp, giảm truyền tải vô công trên lưới điện truyền tải. Đẩy nhanh hoàn thành các dự áp điện mặt trời áp mái cấp cho điện tự dùng trạm biếp áp để giảm tổn thất điện năng.

Đối với công tác quản lý vận hành hệ thống đo đếm giao nhận điện năng: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm định sai số định kỳ theo quy định các thiết bị công tơ, biến dòng điện, biến điện áp, mạch điện áp, mạch dòng điện của hệ thống đo đếm kể cả đo đếm nội bộ, để phát hiện và thay thế các thiết bị không đạt yêu cầu về đo đếm điện năng, đảm bảo độ tin cậy của mạch áp, mạch dòng của hệ thống đo đếm, lưu ý định kỳ đo kiểm tra sụt áp mạch áp đo đếm. Có giải pháp giám sát, theo dõi thông số điện áp của công tơ ranh giới để giám sát và phát hiện lệch áp và các bất thường để kịp thời xử lý. (Lưu ý: Thay thế các TU, TI, công tơ ranh giới không đạt cấp chính xác hoặc thiết bị hư hỏng không đảm bảo vận hành, kết nối đo xa không ổn định).

  • Triển khai kiểm định công tơ ranh giới đến hạn kiểm định lại trong năm 2022, thay thế các công tơ có sai số vượt cấp chính xác không đảm bảo vận hành.
  • Rà soát kiểm định TU, TI ranh giới chính chưa được kiểm định lần đầu hoặc đến hạn kiểm định lại sau 05 năm.
  • Thay thế các TU, TI, công tơ ranh giới không đạt cấp chính xác hoặc thiết bị hư hỏng không đảm bảo vận hành, kết nối đo xa không ổn định trong vận hành

Thực hiện triệt để công tác quản lý hệ thống thu thập số liệu công tơ từ xa và hệ thống đo đếm điện năng theo quy định và các văn bản quy định, hướng dẫn của Công ty, EVNNPT, EVN.

Triển khai áp dụng phần mềm để khai thác hiệu quả hệ thống thu thập số liệu công tơ từ xa phục vụ công tác quản lý sản lượng và TTĐN.

Hiện tại theo phương thức giao nhận điện năng giữa Công ty Truyền tải 4 với Tổng công ty Điện lực thì điểm đo đếm chính đặt tại ngăn lộ tổng 110kV máy biến áp 220/110kV thuộc các trạm biến áp EVNNPT quản  lý. Như vậy, trên lưới điện truyền tải quản lý có một lượng đáng kể sản lượng điện năng được truyền tải từ các Nhà máy điện, từ các xuất tuyến 110kV đi  qua thanh cái 110kV của trạm biến áp 220kV-500kV để chuyển cấp cho các trạm 110kV của các Tổng công ty Điện lực nhưng chưa được cộng vào sản lượng điện truyền tải. Qua đó, PTC4 đã kiến nghị với các cấp về góp ý sửa đổi bổ sung về nguyên tắc xác định sản lượng điện năng truyền tải 500/220kV và sản lượng điện truyền tải hộ trên lưới cấp điện áp 110kV để giảm tổn thất điện năng cho lưới Công ty nói riêng và Tổng Công ty nói chung.

Thực hiện rà soát và kiến nghị thực hiện hiệu chỉnh việc giao nhận điện năng với các Nhà máy điện, Công ty Điện lực qui về điểm ranh giới đấu nối lưới điện (nếu có). 

Về áp dụng khoa học công nghệ: Trong công tác đầu tư luôn chú trọng tăng cường sử dụng dây dẫn, thiết bị có tổn thất thấp nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án và giảm TTĐN lưới điện. Nâng cao trách nhiệm quản lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả tổng thể của dự án đầu tư. Ứng dụng sửa chữa thiết bị bằng phương pháp CBM để tối ưu hóa chu kỳ bảo dưỡng, sửa chữa, giảm số lần cắt điện, giảm đầy và quá tải lưới điện, năm 2022 triển khai CBM cho MC 110kV, biến dòng điện, biến điện áp, dao cách ly, chống sét van.

Đối với công tác báo cáo định kỳ, giám sát thực hiện: Tiếp tục thực hiện công tác báo cáo phân tích nguyên nhân TTĐN hằng tháng đối với từng Đơn vị và có giải pháp khắc phục phù hợp kịp thời. Tính toán đầy đủ TTĐN do nguyên nhân khách, chủ quan (sự cố, cắt điện, quá tải, chậm tiến độ công trình ĐTXD, phương thức vận hành, …) báo cáo giải trình nguyên nhân TTĐN năm 2022 của Đơn vị với Công ty và của Công ty với Tổng Công ty, gắn liền với công tác chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ quý, năm cho từng Đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát tình hình thực hiện tổn thất điện năng của từng Đơn vị để có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời đối với các Đơn vị chưa thực hiện tốt tổn thất điện năng cũng như có khen thưởng đối với các Đơn vị, cá nhân thực hiện tốt trong công tác giảm tổn thất điện năng trên lưới./.

 

Nguyễn Tấn Đạt - P.KT - PTC4