TTĐ miền Đông 1: Huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho người lao động

Thứ bảy, 9/6/2018 | 07:20 GMT+7
Ngày 5/6/2018  tại Hội trường đơn vị, Truyền tải điện miền Đông 1 (Công ty Truyền tải điện 4) đã phối hợp với Bệnh xá Trường Cao đẳng nghề số 8 tổ chức lớp Huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu đợt 1 năm 2018 cho các thành viên lực lượng sơ cứu tại Truyền tải điện miền Đông 1.

Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn các nguyên lý cơ bản về sơ cấp cứu, cấp cứu tại chỗ, băng  bó vết thương; kỹ thuật cầm máu tạm thời, kỹ thuật cố định tạm thời gãy xương; kỹ thuật hồi sinh tim phổi, xử lý bỏng, các hình thức cấp cứu do điện giật, đuối nước, tai nạn do hóa chất, và cách thức vận chuyển nạn nhân.

Các thao tác sơ cấp cứu gồm có khai thông đường thở (kéo lưỡi ra, hút đờm dãi, lấy dị vật nếu có, nới lỏng quần án,…), hà hơi thổi ngạt, ép tim để kích thích tim đập trở lại, cầm máu, băng bó vết thương, cố định xương gẫy, tư thế vận chuyển nạn nhân thích hợp,…

Ngoài việc thực hiện đúng các thao tác sơ cấp cứu ban đầu, người thực hiện sơ cứu ban đầu cần theo nạn nhân đến cơ sở y tế để cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ sở y tế, trách nhiệm của người cấp cứu tại chỗ chỉ kết thúc khi người bị nạn được chuyển cho cơ sở y tế hoặc người chăm sóc thích hợp.

Giáo viên hướng dẫn là Thầy Bùi Đình Tiến và Cô Bùi Thị Hiền, công tác tại Bệnh xá Trường Cao đẳng nghề số 8 là giảng viên giảng dạy lý thuyết và thực hành về sơ cấp cứu ban đầu.

MD1_090618_4.jpg
Thầy Bùi Đình Tiến - giảng viên giảng dạy về sơ cấp cứu ban đầu

Thầy Tiến cho biết: “Mạng sống của người lao động bị tai nạn phụ thuộc rất lớn vào việc cấp cứu tại chỗ ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần thực hiện ngay các thao tác sơ cứu đối với người bị nạn trong 5 phút đầu tiên sau khi tai nạn xảy ra thì khả năng cứu sống nạn nhân mới cao. Ngoài việc cứu sống nạn nhân, công tác sơ cấp cứu tại chỗ còn giúp phòng tránh làm vết thương nặng thêm. Tuy nhiên, nếu người sơ cấp cứu ban đầu thiếu hiểu biết thì thậm chí có thể còn làm nguy hiểm thêm cho người bị nạn. Do đó, những người làm công tác sơ cấp cứu ban đầu cần được trang bị các kiến thức cơ bản về cứu thương, cứu hộ, cứu nạn,… Ngoài ra, người làm công tác sơ cấp cứu cần phải biết gạt qua những nỗi sợ hãi không cần thiết và phải giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp thì mới làm tốt được công tác sơ cấp cứu ban đầu, góp phần cứu sống người bị nạn”.

MD1_090618_2.jpg
CBCNV thực hành cố định gãy xương đùi phải

Sau khi học lý thuyết, các học viên được thực hành tại chỗ các thao tác hà hơi thổi ngạt, ép tim, cầm máu, cách băng bó các loại vết thương đầu, gãy tay, gãy chân,... cố định xương gãy.

Một trong những hoạt động được Ban lãnh đạo Truyền tải điện miền Đông 1 rất quan tâm đó là công tác huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho người lao động nhằm tạo lực lượng sơ cứu ban đầu với kiến thức vững chắc góp phần hỗ trợ cho công tác an toàn trong sản xuất, với tầm quan trọng công tác sơ cấp cứu ban đầu như thế, nên phương châm của Truyền tải điện miền Đông 1 là: “Mỗi CBCNV lao động trực tiếp không những biết các kỹ thuật sơ cấp cứu mà còn phải thành thạo các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu”.

MD1_090618_6.jpg
Thực hành hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực với một người sơ cứu

Kết thúc lớp huấn luyện, các CBCNV đều được thực hiện bài kiểm tra để đánh giá kết quả huấn luyện và cấp giấy chứng nhận./.​

Hồng Yến – TTĐ miền Đông 1