"Thực tiễn sản xuất là trường học lớn giúp tôi có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật"

Thứ hai, 13/11/2023 | 08:00 GMT+7
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Nhựt Hòa -Trưởng kíp Tổ thao tác lưu động Tuy Hòa – Truyền tải điện Phú Yên (Công ty Truyền tải điện 3). Anh có gần 15 năm gắn bó với công tác quản lý vận hành trạm biến áp (TBA), đã cùng các đồng nghiệp đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đã và đang được áp dụng rất hiệu quả trong công tác quản lý vận hành trạm biến áp.

Thành quả đó được bắt nguồn từ tinh thần tự học tập, tự đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cùng với đam mê nghiên cứu, tìm tòi. Với Nguyễn Nhựt Hòa – thực tiễn sản xuất chính là  trường học lớn.

Anh Nguyễn Nhựt Hòa - Trưởng kip Tổ thao tác lưu động Tuy Hòa, Truyền tải điện Phú Yên, Công ty Truyền tải điện 3

Trạm biến áp 220kV Tuy Hòa được đưa vào vận hành năm 2009. Theo đề án chuyển đổi số của EVNNPT, trạm 220kV Tuy Hòa được chuyển sang mô hình trạm biến áp không người trực, thao tác xa. Theo thiết kế của TBA có người trực, các mạch nhị thứ lựa chọn điện áp, dòng điện, mạch cắt… được thiết kế chọn qua các rơ le chốt tại tủ điều khiển, bảo vệ của mỗi ngăn lộ. Việc theo dõi tình trạng làm việc khi có chuyển mạch do nhân viên vận hành kiểm tra tại chỗ khi có thao tác. Điều này tiềm ẩn nguy cơ sự cố do rơ le chốt làm việc sai cùng với quá trình kiểm tra chưa chính xác. Thực tế trên lưới điện truyền tải đã có một vài sự cố xảy ra do tình trạng này.

Để khắc phục tình trạng trên trong bối cảnh TBA 220kV Tuy Hòa chuyển đổi thành trạm không người trực, thao tác xa tại A3, anh Hòa cùng các đồng nghiệp đã tìm tòi, nghiên cứu, và đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Đưa mạch tín hiệu giám sát các rơ le chốt chuyển mạch lên màn hình HMI tại phòng điều khiển và cài đặt vào mạch điều khiển máy cắt.

Sáng kiến này đưa vào vận hành rất phù hợp với thao tác đối với TBA không người trực. Nó tăng độ tin cậy trong quá trình kiểm tra, giám sát các thao tác, rút ngắn thời gian kiểm tra, thời gian thao tác, tránh nguy cơ sự cố do tác động nhầm do mạch nhị thứ không đáp ứng các bước thao tác thiết bị nhất thứ.

Cùng các đồng nghiệp học tập, nghiên cứu, tìm tòi để có các giải pháp hợp lý hóa áp dụng vào thực tiễn công tác

Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại TBA 220kV Tuy Hòa theo thiết kế ban đầu được trang bị một máy phát dự phòng có công suất 100kVA. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế vận hành, nguồn điện từ máy phát trên không đủ để khởi động các máy bơm cứu hỏa. Đã có một số giải pháp được áp dụng như khởi động mềm…nhưng tồn tại này vẫn không được khắc phục. Nếu sử dụng phương án thay máy phát mới sẽ tốn rất nhiều chi phí sản xuất.

Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu một số giải pháp tăng khả năng mang tải của máy phát từ các tư liệu trên internet. Nguyễn Nhựt Hòa cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Sử dụng phần mềm DSE Configuration Suite kết nối với board mạch điều khiển máy phát. Phần mềm được cài đặt sử dụng đã tăng giá trị công suất phát định mức của máy phát từ 80kW lên 88kW, đáp ứng được ngưỡng dòng điện khi khởi động bơm chữa cháy.

Giải pháp được áp dụng đã đáp ứng độ tin cậy trong vận hành của hệ thống PCCC tại TBA 220kV đồng thời tiết kiệm rất nhiều chi phí so với việc thay máy phát mới để đáp ứng nhu cầu trong PCCC và quản lý vận hành

Những giải pháp trên chỉ là điển hình trong nhiều sáng kiến và giải pháp hợp lý hóa sản xuất mà Nguyễn Nhựt Hòa cùng các đồng nghiệp tại TTĐ Phú Yên nghiên cứu. Đó là quả ngọt được thu hoạch từ những đêm trắng mày mò tìm đọc tài liệu, những buổi bàn bạc, tranh luận, lựa chọn giải pháp, trang bị, phương án thi công khả thi của Hòa và các đồng nghiệp.

Đam mê, ham học hỏi, tận tụy và tâm huyết với nghề, Nguyễn Nhựt Hòa đã được trao nhiều khen thưởng cao quý nhằm ghi nhận những nỗ lực của anh

Được hỏi về kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, Hòa trả lời rất bình dị: Thật ra cũng không có gì, tất cả đều bắt nguồn từ thực tiễn công việc. Trong quá trình quản lý vận hành, mình thấy được những điều gì chưa hợp lý, chưa hiệu quả thì tìm giải pháp tối ưu hóa. Cơ bản là mình phải biết vận dụng các kiến thức cơ bản được đào tạo vào thực tế công nghệ, thực tế thiết bị tại trạm.  Nói thì đơn giản vậy, nhưng để làm được nó là cả một sự say mê, niềm yêu nghề.

Được đơn vị cử đi học các lớp đào tạo do công ty, tổng công ty tổ chức, Hòa đều tận dụng quỹ thời gian để học hỏi, trao đổi với các giảng viên, với các bạn đồng nghiệp về những điều chưa nắm kỹ. Đi thực tế tại TBA ở các đơn vị khác, anh đều quan tâm, tìm hiểu kỹ những giải pháp công nghệ mà các đồng nghiệp đang áp dụng. Bỡi lẽ, dù có sự khác nhau về công nghệ, thiết bị, nhưng nhìn chung đều tương tự nhau nguyên lý làm việc. Trong túi Hòa luôn có 1 cuốn sổ nhỏ mà anh quý như bảo bối. Khi có các đơn vị công tác hay các chuyên gia đến trạm làm việc, gặp điều gì hay, giải pháp mới, anh đều ghi chép lại tỉ mỉ, có thời gian là nhờ các  bạn giải thích cặn kẽ. Đó cũng là cách học tập chủ động mà Hoà đã thực hiện để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình.

Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên môn, Hòa cũng rất quan tâm học tập ngoại ngữ. Bỡi kho tàng kiến thức trên internet là vô tận. Tuy nhiên muốn nghiên cứu, tìm tòi phải có một vốn ngoại ngữ cơ bản. Hàng tuần anh đều đặt cho mình một mục tiêu cụ thể về khối lượng, vốn từ, ngữ pháp tiếng Anh cần phải thuộc, phải hiểu và tìm mọi cách, sắp xếp thời gian hoàn thành mục tiêu đề ra. Sự kiên trì, nhẫn nại ấy đã giúp Hòa có một vốn ngoại ngữ đủ đáp ứng nhu cầu công việc.

Ghi nhận những nỗ lực của anh Hòa, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 3 đã trao cho anh danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở bốn năm liên tục 2018, 2019, 2020, 2021 và nhiều bằng khen cho thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn.

Đam mê, ham học hỏi, tận tụy và tâm huyết với nghề, chắc chắn trong thời gian tới, Nguyễn Nhựt Hòa – Trưởng kíp tổ thao tác lưu động Tuy Hòa - sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tận tâm, trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự thành công chung của Truyền tải điện Phú Yên, quản lý vận hành lưới Truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên an toàn, liên tục.

Nguyễn Duy Minh Khang - PTC3