Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vật tư thiết bị phục vụ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng

Chủ nhật, 27/8/2023 | 07:00 GMT+7
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những hiệu quả cải tiến rõ rệt trong mọi hoạt động của đời sống, giúp tăng hiệu suất, cải thiện quy trình, làm cho hệ thống sản xuất và dịch vụ trở lên linh hoạt hơn, tiếp cận gần hơn với nhu cầu của khách hàng. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) tích cực ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào từng lĩnh vực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Trong đó, công tác quản lý vật tư đã và đang tận dụng tối đa khoa học công nghệ, các phần mềm ứng dụng hiện có nhằm nâng cao năng suất lao động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung.

Phòng Vật tư - NPMB đã và đang sử dụng phần mềm ERP để thực hiện quản lý công tác nhập xuất và hạch toán vật tư thiết bị đưa vào công trình. Cán bộ nghiệp vụ đã nhập vào phần mềm từng loại vật tư thiết bị (VTTB) với thông số kỹ thuật riêng biệt khác nhau, tạo mã vật tư riêng cho mỗi loại theo quy ước nhất quán phù hợp qui định của EVNNPT. Phần mềm cũng cho phép phối hợp với phòng Tài chính kế toán để bổ sung các thuộc tính về giá… của từng mã vật tư thiết bị.

Bên cạnh đó, cán bộ vật tư cũng liên tục cập nhật các loại VTTB trên phân hệ quản lý mã VTTB của phần mềm FMIS. Công tác này được thực hiện đồng bộ với tất cả các đơn vị khác trong EVNNPT. Do đó, cơ sở dữ liệu VTTB của EVNNPT nói riêng và EVN nói chung ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn, đa dạng hơn, đáp ứng tốt việc sử dụng của tất cả các bộ phận nghiệp vụ liên quan.

Phân hệ quản lý mã VTTB của phần mềm FMIS

Cập nhật các dữ liệu về hợp đồng cung cấp VTTB lên hệ thống quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) và gán các thông số kỹ thuật của các mã VTTB trong hợp đồng được liên kết từ phần mềm ERP. Sau khi lập được PO (Purchase order) trên ERP và phê duyệt, cùng với hợp đồng được đăng ký trên IMIS 2.0, phân hệ quản lý giá VTTB sẽ được tham chiếu từ ERP sang cùng các mã VTTB có trong PO và hợp đồng.

Khi đã có VTTB nhập về, các VTTB sẽ được đối chiếu với ERP và sẽ viết được phiếu nhập xuất kho lần lượt theo từng loại VTTB mà NPMB đã được tiếp nhận đưa vào quản lý, sử dụng. Việc ứng dụng ERP giúp việc quản lý VTTB tiện lợi hơn, giảm bớt chi phí quản trị, thực hiện các công việc quản lý nhập xuất vật tư minh bạch an toàn, hiệu quả hơn.

NPMB đang triển khai thử nghiệm QR-Code cho từng VTTB của từng dự án với mong muốn tăng hiệu quả trong công tác quản lý VTTB chung trong toàn hệ thống. Việc tạo QR-Code cho từng VTTB của từng dự án được EVNNPT tham chiếu theo từng PO được tạo trên ERP của các đơn vị và gửi cho từng đơn vị để quản lý. Cụ thể, NPMB đã thử nghiệm sử dụng phần mềm quản lý, quét mã định danh (QR) cho một số vật tư tại kho Thượng Đình và VTTB nhất thứ trong TBA 220 kV Yên Thuỷ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 tại NPMB hiện còn nhiều hạn chế khi cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị còn thiếu,  dữ liệu cập nhật chưa hoàn thiện về mặt an toàn. QR code chưa hoàn tất về mặt chuẩn hoá thông tin, vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Nhân lực vẫn cần phải được đào tạo thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức về việc ứng dụng an toàn các phần mềm dùng chung, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại. Mặt khác, trong cơ sở dữ liệu FMIS, có nhiều loại mã khác nhau được dùng cho cùng một loại VTTB đặc thù; hoặc có những loại mã mà thông số không chưa đầy đủ nên phải dùng chung bao hàm cho cùng một chủng loại VTTB có thông số kỹ thuật không giống nhau hoàn toàn.  

Ứng dụng tốt Cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự là cơ hội mang lại hiệu quả cao trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của EVNNPT nói chung và NPMB nói riêng. Điều này sẽ không còn là thách thức khi mà đáp ứng tốt những yêu cầu tất yếu: Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ mới; cơ sở dữ liệu chung phải được chuẩn hóa nhất quán; nguồn nhân lực được phân bổ và sử dụng hợp lý; việc quản lý được tổ chức một cách khoa học; các bộ phận chức năng, các khâu nghiệp vụ phối hợp một cách đồng bộ.

Phòng Vật tư - NPMB