Xuân ở lại với... những đường dây

Chủ nhật, 22/1/2012 | 11:00 GMT+7
Sau những cơn mưa đầu xuân đang xua cơn lạnh của mùa cuối đông, ánh nắng mới xuất hiện với bao khát vọng của những người thợ truyền tải điện trên mọi miền của Tổ quốc. Đối với họ ngày cũng như đêm, luôn có mặt trên tuyến kịp thời kiểm tra, sửa chữa, vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải để bà con nhân dân đón Tết Nhâm Thìn trọn vẹn.​

Trên các cung đọan đường dây 500 kV có rất nhiều khu vực hiểm trở, tuyến đường dây do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý thì cung đọan do Đội Truyền tải điện Phú Lộc (Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế) được coi là nơi gian khó nhất. Đội này cũng được đặt biệt danh “đội 4 trong 1” bởi quản lý hơn 100 km đường dây gồm các đường dây 220 kV, 500 kV mạch 1 và 500 kV mạch 2 mà phần lớn các vị trí cột đều nằm ở trên 4 con đèo nguy hiểm Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, Mũi Né. Những ngày giáp tết là những ngày công việc nặng nề nhất đối với người công nhân truyền tải. Nhưng khổ cực nhất và gian nan nhất phải nói đến chuyện những người phải ở lại túc trực sẵn sàng xử lý mọi tình huống trên từng cung đoạn đường dây. Riêng các đoạn đi qua bắc đèo Hải Vân được đơn vị giao cho 3 công nhân Hoàng Xuân Sỹ, Đặng Quốc Tuấn và Phạm Thanh Nam “chăm sóc”, Sỹ kể “Mỗi ngày phải đi mất 4 tiếng đồng hồ, tòan lội suối, băng rừng mới đến nơi để phát dọn hành lang tuyến, ngăn chặn các hiện tượng đốt nương rẫy, vét mương, đắp đất móng, kiểm tra hệ thống tiếp địa, sơn... Bình thường thì không nói làm gì, chứ có sự cố nhỏ xảy ra, công nhân bọn em phải túc trực trên đèo để đón giao thừa”. Câu chuyện những người thợ truyền tải đón tết trên tuyến được Phạm Thanh Nam, quê Đồng Hới, Quảng Bình nói: "Do địa hình bị chia cắt nhiều nên việc đi lại rất khó khăn, nhưng bọn em phải đảm bảo tuyến mà mình được đơn phân công nên dù có niềm vui hay nỗi buồn gì thì có lẽ chỉ có cây rừng biết mà thôi!".
Anh Trần Ngọc Tâm, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Phú Lộc bộc bạch: Anh em chúng tôi mỗi người mỗi quê được Công ty điều động về đây, mang tiếng là một đơn vị quản lý đường dây ở đồng bằng nhưng hầu hết tuyến đường dây đều nằm trên đèo cao. Như mọi năm, năm nay đơn vị bố trí 50 % quân số công nhân ở lại trực tết, ưu tiện cho anh em ở xa về quê ăn tết. Hằng năm tết đến, đơn vị mua mấy chậu hoa mai, bánh trái, hạt dưa… để cho những anh em ở lại với đường dây đón tết tại đơn vị. Dù khó khăn là thế, song những người công nhân chúng tôi ở đây đều xác định phấn đấu bảo đảm giữ thông mạch điện Bắc - Nam, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

sua chua duong day.jpg

Anh em công nhân TTĐ Tây Bắc kiểm tra sửa chữa đường dây đảm bảo cung cấp điện trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

 

 

Trở ngược lên Tây Bắc nơi tuyến đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan, một đường dây huyết mạch đưa điện từ Nhà máy thủy điện Sơn La về đồng bằng hòa vào lưới điện quốc gia. Đường dây này do 3 Truyền tải điện Tây Bắc, Hòa Bình, Ninh Bình quản lý vận hành. Trong quá trình đi thực tế tôi được anh Chu Công Sơn – Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc cho biết: Đối với đường dây này, chúng tôi có 3 Đội quản lý đường dây Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu vận hành hơn160 km đường dây 500 kV mạch kép. Do đặc thù địa hình này luôn sương mù dày đặc, khó quan sát khi kiểm tra hành lang, phụ kiện đường dây, giao thông đi lại khó khăn chủ yếu đồi núi cao, suối sâu nguy hiểm, nhiều vị trí đi bộ từ ngoài đường vào khoảng 3 – 4 giờ mới tới được vị trí cột. Để đảm bảo vân hành trong dịp tết Nguyên đán, bên cạnh đó, do yêu cầu tiến độ đóng điện đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa đã cận kề mà đơn vị được giao nhiệm vụ tư vấn giám sát, nghiệm thu công trình nên năm nay đơn vị chỉ ưu tiện cho số anh em công nhân ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thay nhau về nghỉ tết, 70% công nhân phải ở lại thường trực 24/24 giờ để đón tết ở đơn vị. Mặt khác chúng tôi đã chủ động chuẩn bị vật tư, dụng cụ sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra. Đối với anh em ở lại trực tết, đơn vị đều mua sắm mâm ngũ quả, cành đào, bánh chưng, dưa hành, rượu và các loại bánh do chính tay đồng bào làm cho anh em vui tết.

ca truc tet.jpg

                   Ca trực tết tại TBA 110 kV Quận 3 Đà Nẵng

Trong ngày ngày đầu xuân, những vường đào nở rộ đẹp cả những cánh rừng, sườn đồi và các bản làng, phong tục Tết của đồng bào dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng, thăm chúc, giúp đỡ, cầu may cho nhau nên ngay từ giữa tháng 12 âm lịch lãnh đạo Truyền tải điện Tây Bắc đã cùng các Đội đường dây đến thăm, tặng quà, lịch tết cho các già làng, trưởng bản và nhân dân xung quanh nơi đường dây đi qua. Nhân đây kết hợp tổ chức công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Những ngày ở Trạm biến áp 500 kV Sơn La, tôi cùng anh em đến thăm gia đình bà Lò Thị Giót – dân tộc Thái ở Bản Phiềng (xã PiToong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Khách đên nhà, người dân bản nơi đây rất thật thà, mến khách dù là lạ hay quen. Anh Võ Thành Vinh, công nhân Trạm biến áp 500 kV Sơn La tâm sự: Theo phong tục tập quán của đồng bào Tây Bắc đã đến cổng nhà thì phải lên nhà sàn chơi và uống rượu, bà con dân tộc Thái đã mời rượu thì phải uống từ 2 chén trở lên. Họ kiêng uống 1 chén, khi uống rượu xong là bắt tay không phân biệt nam, nữ; già trẻ, vợ chồng và chúc câu bằng tiếng Thái “Hảo hớn nơ” (chúc sức khỏe và may mắn). Họ mời khách bằng những món ăn rất dân dã do chính tay họ làm. Khi khách về chủ nhà tiễn khách ra tận cầu thang, không quên dặn khách lại đến chơi. Ngày tết đến, bà con ăn mặc rất đẹp đầu đội khăn piêu đi chúc tết, nhảy múa, mọi nhà chung nhau mổ trâu, bò để ăn tết rất lớn như dân tộc Kinh, họ chỉ khác với đồng bằng một số điểm trong đó dân tộc Thái không kiêng nguời xông nhà như dân tộc Kinh, cứ có khách là họ rất vui bất kể lạ hay quen.
Ở Tây Bắc, không riêng gì người Thái, các dân tộc khác như người Dao, Mông…đều rất quý khách, không cứ gì ngày tết kể cả ngày thường khi có khách đến thăm là học tiếp rất niềm nở, đây chính điểm rất thuận lợi để những người thợ truyền tải điện tạo mối quan hệ thân thiện. Bên cạnh đó, những người dân tộc họ rất quý và nghe già làng, trưởng bản nên mỗi khi cần các đội Truyền tải điện hay trạm biến áp cần tổ chức tuyên truyền vận động, giải thích cho bàn con hiểu, tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện đều đến gặp và thông qua già làng, trưởng bản giúp vận động. Mặt khác, do tính đặc thù của vùng Tây Bắc nên hàng năm, trong các dịp lễ hội, cúng tế các đơn vị thuộc Truyền tải điện Tây Bắc đều tham gia, hỗ trợ nên học cũng gặp nhiều thuận lợi trong công việc của mình.

nau banh chung (13).jpg

TTĐ Tây Bắc nấu bánh chưng cho anh em Anh em công nhân ở lại đơn vị đón tết trên tuyến đường dây.

 

Có dịp đi và đón cái tết ở nhiều nơi, cái tết mỗi nơi mỗi vẻ tuy nhiên cũng chẳng khác nhau mấy, khác chăng người miền nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) họ hay dùng hoa mai, ngoài bánh chưng họ còn có bánh tét, bánh tổ. Còn ngoài bắc lại hay dùng cành Đào, thịt đông; về đồ uống thông dung của miền nam là bia các loại, miền bắc thì các loại rươu tây, ta, còn đồng bào chủ yếu là rượu tự nấu từ gạo, ngô, sắn, nếp…. nhìn chung cái tết của cả nước hiện nay đều đã có sự giao thoa, người dân đều có cái nhìn khát vọng hơn vào tương lai tươi sáng.
Để có mùa tết vui cũng như những chiến sỹ đang ngày đêm góp ở hải đảo, biên giới gìn giữ biên cương của tổ quốc thì người người thợ điện ở các nhà máy, truyền tải điện, điện lực vẫn bám sát nhà máy, lưới điện đem lại và gìn giữ nguồn sáng liên tục cho bà con đón một Xuân mới bình yên. Chia tay những người thợ Truyền tải điện Tây Bắc, khi bóng sương mờ dần bóng dáng của những người thợ Truyền tải điện vẫn hoà cùng màu xanh của núi rừng như những chú ong cần mẫn với công việc của mình. Trên mình những giọt mồ hôi đang hoà vào lòng đất mẹ để hát lên một bản tình ca cho hôm nay và mai sau.

Quang Thắng - NPT