Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc EVNNPT kiểm tra việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành đường dây truyền tải điện tại PTC2

Chủ nhật, 5/2/2023 | 12:02 GMT+7
Ngày 01/02/2023, Đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Tuấn Tùng dẫn đầu đã đến làm việc với Công ty Truyền tải điện 2 về kiểm tra việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành đường dây truyền tải điện.

Tham gia Đoàn công tác có ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc EVNNPT, ông Võ Hoài Nam – Thành viên HĐTV, ông Lưu Việt Tiến – Phó TGĐ, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn EVNNPT. Về phía PTC2 có ông Trần Thanh Phong – Giám đốc, ông Lê Đình Chiến – Phó Giám đốc, ông Nguyễn Duy Dũng – Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng của PTC2; Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng của Truyền tải điện Đà Nẵng; CBCNV Đội Truyền tải điện Cẩm Lệ.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT chủ trì buổi làm việc tại phòng Công nghệ (Đội TTĐ Cẩm Lệ, Truyền tải điện Đà Nẵng)

Đoàn đã đến làm việc tại phòng Công nghệ (Đội TTĐ Cẩm Lệ), tham quan các sản phẩm, thiết bị công nghệ phục vụ công tác quản lý vận hành (QLVH).

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Phong – Giám đốc PTC2 đã báo cáo việc triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái trong QLVH đường dây truyền tải điện trong PTC2. Theo đó, trước đây đối với phương pháp kiểm tra truyền thống, do đường dây trải dài trên nhiều loại địa hình, bị chia cắt thành nhiều vùng (rừng rậm, núi cao, đồng ruộng, sông hồ, khu dân cư, nhiều cung đoạn, khoảng cột không thể đi dọc tuyến), công nhân chỉ có thể quan sát từ xa để đánh giá. Không thể thực hiện đầy đủ nội dung kiểm tra theo yêu cầu (đặc biệt là hành lang và chuỗi cách điện, dây dẫn, dây chống sét, cáp quang), không phát hiện hết các hư hỏng, khiếm khuyết trên đường dây. Người công nhân đứng quan sát dưới đất (kết hợp ống nhòm) khó đánh giá các chi tiết, cấu kiện ở trên cao và tổng thể đối tượng kiểm tra; khi kiểm tra sự cố: Các vết phóng điện trên dây dẫn, dây chống sét gần như không phát hiện được do không thể tiếp cận gần, vết phóng điện nhỏ. Việc đăng ký cắt điện đường dây kiểm tra khó thực hiện; kiểm tra sau mưa bão, sạt lở thực hiện rất khó khăn do ngập lụt chia cắt, đường vào tuyến sạt lở, mất nhiều thời gian và công sức; người công nhân đối diện với nhiều yếu tố rủi ro, nguy cơ mất an toàn.

Từ những hạn chế đó, PTC2 đã chủ động nghiên cứu và triển khai phương thức quản lý vận hành mới đó là ứng dụng toàn diện UAV trong quản lý vận hành đường dây tại PTC2. Qua đó, công tác kiểm tra, quan sát khu vực đường dây bao quát hơn, nhìn nhận và đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành đường dây toàn diện hơn. Quan sát đánh giá tình trạng thiết bị một cách chi tiết, rõ ràng. Khi có bất thường, tiếp cận và phát hiện nhanh các hư hỏng mà không cần thiết phải cắt điện đường dây. Ghi nhận thực tế hiện trạng bằng hình ảnh, video… chất lượng tốt, góc quan sát rõ, ít bị hạn chế... giúp thông tin ghi nhận được phân tích, đánh giá chính xác hơn. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra các cung đoạn đường dây bị tắc đường, ngập lụt, địa hình phức tạp, khó khăn, nguy hiểm trong công tác di chuyển kiểm tra sau mưa bão, không tiếp cận được trong mùa mưa. Nắm bắt thông tin nhanh, bao quát địa hình, quy mô… khi có cháy rừng, giúp bố trí nhân lực, phương tiện chữa cháy và chống cháy lan hợp lý và hiệu quả. Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, rủi ro cho người công nhân khi thực hiện nhiệm vụ…

Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc PTC2 báo cáo kết quả thực hiện công tác ứng dụng toàn diện UAV trong quản lý vận hành đường dây tại PTC2

Kết quả trong 02 năm 2021 và 2022, việc sử dụng UAV đã phát hiện hơn 400 hư hỏng, khiếm khuyết trên đường dây.

Về tổ chức thực hiện, từ năm 2018, PTC2 đã tổ chức 11 khóa đào tạo huấn luyện tập trung cho tổng cộng 308 lượt học viên. 09 CBCNV được cấp chứng chỉ hoàn thành lớp đào tạo cơ bản của hãng UAV Aerialtronics (Hà Lan); 51 công nhân được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo cơ bản của đơn vị phối hợp với hãng DJI; 52 công nhân được cấp chứng chỉ của PTC2 theo 03 cấp độ khác nhau: Cấp 1: Sử dụng UAV kiểm tra đường dây, Cấp 2: Xây dựng đường bay tự động cho thiết bị bay bay kiểm tra đường dây, Cấp 3: Lập mô hình 3D, xây dựng đường bay tự động kiểm tra đường dây trên mô hình 3D.

Đến nay, PTC2 đã triển khai ứng dụng toàn diện UAV vào QLVH tại 06 Truyền tải điện khu vực (mỗi TTĐ khu vực áp dụng cho 01 Đội TTĐ). Trong đó, điển hình như Đội TTĐ Vĩnh Linh đã tổ chức thực hiện bay quét (bằng thiết bị Lidar) tuyến đường dây: 208,5km/208,5km (100%); lập đường bay tự động trên mô hình 3D: 204 km/208,52 km (97,8%; 4,5km không lập được do không có sóng 4G); tháng 12/2022 thực hiện bay tự động 129,9 km/208,52 km (62,3%); thành lập phòng Công nghệ tại mỗi Đội Truyền tải điện để thực hiện công tác quản lý vận hành đường dây bằng thiết bị bay UAV, nâng cấp thiết bị máy tính để tăng tốc độ cập nhật xử lý dữ liệu thu thập từ UAV. Tiến đến việc ứng dụng toàn diện UAV trong quản lý vận hành đường dây trong toàn PTC2.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Đoàn công tác và cán bộ kỹ sư của PTC2 đã có những ý kiến thảo luận, trao đổi hết sức cụ thể từng vấn đề, đưa ra những góp ý định hướng hết sức quan trọng để thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác trong thời gian tới.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác đi thực tế hiện trường tại các vị trí cột 1666 - 1667 đường dây 500 kV mạch 1, vị trí 039 - 040 mạch 2, vị trí 739 - 740 mạch 3, tại địa bàn thôn Trường Định (xã Hòa Liên, TP. Đà Nẵng). Chứng kiến các kỹ sư thao tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác trong phân tích, kiểm tra hình ảnh; thiết bị bay tự động kiểm tra và phát hiện các bất thường từ các hình ảnh ghi nhận được trong quá trình kiểm tra thiết bị lưới điện; sử dụng UAV để vận chuyển vật tư thiết bị qua các địa hình khó khăn, hiểm trở…

Đoàn công tác kiểm tra ứng dụng KHCN thực tế tại hiện trường

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Tuấn Tùng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của PTC2 trong ứng dụng KHCN và chuyển đổi số vào công tác QLVH trong thời qua, đặc biệt là sử dụng hiệu quả UAV vào công tác quản lý vận hành đường dây, đây là thành công rất lớn, là đơn vị điển hình tiêu biểu của EVNNPT trong công tác này. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới PTC2 cần tiếp tục nhân rộng ứng dụng UAV, camera đỉnh cột sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tất cả các đơn vị; tối ưu hóa mô hình phù hợp nhất để nhân rộng trong toàn EVNNPT, xây dựng lực lượng QLVH đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ ngày càng cao về ứng dụng KHCN; chủ động ứng dụng tự động hóa trong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; hoàn thiện mô hình ứng dụng đồng bộ tập trung để xử lý đánh giá dữ liệu; hoàn thiện và nhân rộng đề tài KHCN “Giám sát an toàn thao tác tại trạm biến áp”; nghiên cứu kênh truyền dữ liệu đầu cuối ổn định, tin cậy cho các thiết bị bay; thống nhất một mô hình phần mềm ứng dụng dùng chung để khai thác dữ liệu; tăng cường công tác đào tạo trong đơn vị và hỗ trợ các đơn vị trong toàn EVNNPT; hoàn thiện mô hình phòng Công nghệ tại các Đội Đường dây trong toàn Công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý vận hành; các Ban EVNNPT xây dựng các phong trào nhân rộng ứng dụng KHCN, hiệu chỉnh quy trình để thống nhất sử dụng trong toàn Tổng Công ty; hỗ trợ xây dựng PTC2 thành đơn vị điển hình hoàn thiện mô hình ứng dụng KHCN trong EVNNPT./.

Một số hình ảnh:

Ông Lưu Việt Tiến - Phó TGĐ EVNNPT phát biểu tại buổi làm việc

Ông Tạ Việt Hùng - Trưởng Ban Kỹ thuật EVNNPT phát biểu tại buổi làm việc

Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc TTĐ Đà Nẵng báo cáo tại buổi làm việc

Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường sản xuất

Đoàn công tác kiểm tra ứng dụng KHCN thực tế tại hiện trường

Phan Phương - PTC2
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện