Công ty Truyền tải điện 4: Truyền tải an toàn hiệu quả hơn 50% sản lượng điện Quốc gia.

Thứ tư, 28/12/2011 | 17:00 GMT+7
Công ty Truyền tải Điện 4 (PTC4) trực thuộc Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia – thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm trách quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện truyền tải từ 220 kV đến 500 kV, nhận điện từ các nhà máy truyền tải đến các Công ty Điện lực trên địa bàn 22 tỉnh, thành phố thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vùng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm giá trị tổng sản lượng sản xuất công nghiệp, khối lượng nông sản và hải sản, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước lớn nhất, hàng năm tiêu thụ trên 50% sản lượng điện thương phẩm của cả nước. ​

Truyền tải an toàn trên 51,3 tỷ kWh điện với chi phí và tỷ lệ điện tổn thất thấp nhất.

Ông Nguyễn Thành Lân, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 cho biết: Năm 2011, PTC4 quản lý, vận hành 869, 399km đường dây truyền tải điện siêu cao thế 500 kV và 3.672,202 km đường dây truyền tải điện cao thế 220 kV; cùng với 6 trạm biến áp 500 kV gồm 34 máy biến áp có tổng dung lượng 5.876MVA và 29 máy biến áp 220 kV gồm 79 máy biến áp có tổng dung lượng 11.843MVA. Hệ thống lưới điện này trải dài trên một số khu vực qua núi cao, rừng rậm; vùng đầm lầy, sông rộng, nước sâu, hàng năm phải “sống chung với lũ lụt” từ 2 đến 3 tháng liền, việc đi lại hết sức khó khăn. Lưới điện Công ty truyền tải ở phía Nam chủ yếu nhận điện từ 3 cụm điện lớn là:  Trung tâm Điện lực Phú Mỹ có tổng công suất lắp đặt 4.600MW, cụm nhiệt điện khí Cà Mau, Ô Môn có tổng công suất lắp đạt 1.800MW, Trung tâm nhiệt điện khí Nhơn Trạch có tổng công suất lắp đặt 1.350MW và một số nhà máy khác trong khu vực. Những tháng đầu năm, hạn hán kéo dài, Công ty phải truyền tải điện miền Nam ra miền Bắc và về mùa mưa truyền tải điện từ phía Bắc vào miền Nam. Do đó lưới điện do công ty quản lý luôn vận hành trong điều kiện đầy và quá tải, đặc biệt là đối với hệ thống điện 500 kV dễ xảy ra sự cố.
 
Nhằm đảm bảo vận hành lưới điện an toàn liên tục và hiệu quả, Công ty đã tập trung năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong tâm. Hoàn thành tốt công tác kiểm tra thí nghiệm định kỳ, qua đó phát hiện nhiều thiết bị xuống cấp, kịp thời xử lý ngăn ngừa sự cố; tăng cường công tác đảm bảo vận hành an toàn do phương thức thay đổi bất thường, phòng chống lụt bão; phối hợp với chính quyền địa phương và cử công nhân trực 24/24, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bị nước lũ dâng cao từ tháng 9 đến tháng 11 – 2011; thực hiện có hiệu quả thay đổi phương thức vận hành lưới điện an toàn, tin cậy cho kinh tế - xã hội trong đợt cắt khí Nam Côn Sơn từ 15 đến 30/9/2011 và cắt khí PM3 từ 8 đến 21/10/2011 cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí. Đặc biệt, Công ty đã có giải pháp khắc phục nhanh sự cố máy biến áp 500 kV AT1 Trạm điện Ô Môn.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng Công ty đã thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, góp phần tăng cường sự ổn định của lưới điện, đẩy lùi nguy cơ xảy ra sự cố; đảm bảo an toàn lưới điện, con người, thiết bị và môi trường; không còn trường hợp nào vi phạm hành lang an toàn lưới điện; không để xảy ra bất kỳ trường hợp cháy nổ hoặc tai nạn lao động nào. Trong năm 2011, Công ty đã tiếp nhận, đóng điện và đưa vào vận hành 5 tuyến đường dây mới, 2 nhánh rẽ đường dây vào trạm điện 220 kV, cải tạo nâng cấp một đường dây; đóng điện và đưa vào vận hành 2 trạm biến áp mới, đồng thời trực tiếp thi công tăng cường công suất 3 trạm, thay máy biến áp có dung lượng 450MVA bằng máy biến áp có dung lượng 600MVA cho Trạm biến áp 500 kV Ô Môn. Để đảm bảo cấp điện ổn định và nâng cao chất lượng điện năng, Công ty đang thực hiện dự án lắp kháng điện phía Nam để giảm dòng ngắn mạch, nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Pleiku – Phú Lâm, cải tạo đường dây 220kV Trị An – Long Bình, cải tạo nâng cấp đường dây 220 kV Cai Lậy – Trà Nóc, lắp đặt hệ thống mạch sa thải đặc biệt các tổ máy nhiệt điện khí khu vực phía Nam…
 
 
DSC00486.JPG

                    Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 thi công bảo trì đường dây.

Đi đầu đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Thành Lân, trong lĩnh vực truyền tải điện năng, PTC4 là đơn vị thường dẫn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền tải điện với sản lượng lớn nhất; năng suất, chất lượng hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân. Năm 2000, Công ty truyền tải 11,3 tỷ kWh điện năng với mức tỷ lệ điện tổn thất 3,8%. Năm 2011, Công ty truyền tải trên 51,3 tỷ kWh điện năng, vượt kế hoạch 1,64 tỷ kWh với tỷ lệ tổn thất 1,55%, giảm 0,15% so với mức quy định, đã tiết kiệm cho ngành điện 74,49 triệu kWh, chi phí vận hành truyền tải điện thấp hơn mức quy định, làm lợi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng. Công ty đã phối hợp tốt với chính quyền các địa phương bảo vệ an toàn lưới điện, đặc biệt là hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV. Cho đến nay, PTC4 là đơn vị không còn bất kỳ trường hợp nào vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
 
Các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật giỏi nghề, giàu kinh nghiệm của PTC4 đã nghiên cứu đề xuất, phát huy và áp dụng thành công nhiều đề tài tiến bộ kỹ thuật và sáng kiến, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng, do không phải thuê chuyên gia và nhập khẩu vật tư, thiết bị. Công ty là đơn vị đầu tiên ở nước ta ứng dụng thành công công nghệ kéo dây cáp quang skywap trên đường dây 220 kV Cai Lậy – Trà Nóc, đoạn vượt qua sông Hậu bằng rô bốt. Đây cũng là đường dây tín hiệu viễn thông bằng cáp quang vượt sông Hậu đầu tiên trong ngành điện và bưu chính viễn thông. Công ty đã tổ chức cải tạo nâng cấp và mở rộng trạm điện 220 kV Thủ Đức có dung lượng lớn, đồng bộ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Đây là công trình đầu tiên của ngành điện áp dụng công nghệ điều khiển tích hợp hoàn toàn, làm cơ sở cho EVN ban hành tiêu chuẩn ngành về trạm điện điều khiển tích hợp, là bước ngoặt quan trọng nhất của ngành điện trong việc chuyển đổi sang tự động hoá cao, làm cơ sở cho việc triển khai mô hình trạm điện không người trực. Công ty là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào vận hành lưới điện truyền tải như: Ứng dụng hệ thống điều khiển tích hợp vào điều khiển các trạm; ứng dụng công nghệ cáp ngầm 220 kV, thiết bị giám sát chuẩn đoán sự cố online; trạm dùng công nghệ cách điện bằng khí (GIS); xây dựng trung tâm điều khiển xa tiến đến trạm không người trực; quản lý công văn trên máy tính; họp qua truyền hình…

Công ty Truyền tải Điện 4 còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị bạn. Nhiều công việc sửa chữa, lắp ráp thiết bị trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài, nay cán bộ công nhân viên của Công ty đảm bảo thực hiện tốt. Công ty đã vừa thiết kế vừa thi công trạm điện 220 kV Cai Lậy trong 46 ngày đêm; lập phương án và tổ chức thi công kéo dây mạch 2 đường dây 220 kV Long Bình – Bà Rịa dài 64km trong điều kiện mạch I đang vận hành ở cấp điện áp 220 kV trên cùng trụ điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra là không gián đoạn cấp điện cho sản xuất và đời sống. Đây là công trình đầu tiên trong ngành điện Việt Nam thực hiện kéo đường dây và vận hành điện theo phương án này.

 

 

 

Hồng Phối