Với đặc thù của lĩnh vực truyền tải điện, trong quá trình làm việc trên lưới điện, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) luôn phải chịu áp lực về những rủi ro trong tai nạn lao động và những tác động bởi nhiều yếu tố khách quan có thể dẫn đến điều không mong muốn. Qua thống kê, phần lớn các vụ tai nạn lao động nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố chủ quan của con người. Vì vậy việc phòng, chống tai nạn lao động cần bắt đầu từ việc xây dựng “Văn hóa an toàn lao động”, qua đó, giúp người lao động nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ chính mình, chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình, quy định về an toàn lao động, góp phần phòng tránh tai nạn lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Triển khai phổ biến phương án thi công và biện pháp an toàn trước khi làm việc.
Xác định hiệu quả của việc xây dựng và duy trì văn hoá an toàn lao động, Ban lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV của TTĐ miền Tây 2 chung sức cùng nhau thực hiện đẩy mạnh công tác xây dựng văn hoá an toàn lao động cũng như văn hóa doanh nghiệp trong toàn đơn vị, với các mục tiêu chính đó là: Tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ do lỗi chủ quan; Giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro đối với CBCNV; Giảm thiểu tai nạn điện trong dân, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, ngăn chặn sự cố lưới điện; Thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu ảnh hưởng các yếu tố thiên tai đối với lưới điện.
Đồng thời, tập trung các giải pháp trong công tác quản lý an toàn; tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, đảm bảo CBCNV chấp hành đầy đủ các quy trình, quy định về an toàn lao động khi thực hiện nhiệm vụ; Nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ cho CBCNV, thực hiện điều dưỡng, chăm sóc tốt sức khỏe người lao động; phân công công việc cụ thể và phù hợp; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ, ứng dụng, trang bị các công cụ, dụng cụ sản xuất tiên tiến nhằm giảm sức lao động và giảm nguy cơ mất an toàn; Bồi huấn và sát hạch định kỳ công tác vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao (Hotline) nhằm giảm thiểu thời gian cắt điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện năng,…
Buồi huấn, sát hạch định kỳ cho nhóm công tác vệ sinh hotline
Bên cạnh việc chú trọng các nhóm giải pháp trong công tác quản lý an toàn và huấn luyện kỹ năng, thực hành, TTĐMT2 cũng đặc biệt quan tâm đến các nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục công tác an toàn vệ sinh lao động sâu rộng đến toàn thể CBCNV, đồng thời để người lao động nhận thức được rằng họ là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn lao động của đơn vị.
Anh Phạm Thành Nhị - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Trà Vinh cho biết: “Với cách tư duy mới, chúng tôi có thể từ chối thực hiện những công việc khi thấy không đủ điều kiện về an toàn từ đó hình thành thói quen đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu. Trước khi làm việc trên lưới điện bắt buộc chúng tôi phải hỏi nhau, tự hỏi và tự trả lời được 3 câu hỏi đó là: Những mối nguy nào có thể xảy ra khi thực hiện công việc này? Mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn do các mối nguy đó gây ra như thế nào? Biện pháp phòng tránh để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra tai nạn khi tiến hành công việc này? Và đó cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả công tác an toàn lao động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả, đạt hiệu suất cao”.
CBCNV Truyền tải điện miền Tây 2 luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn điện khi triển khai công tác trên lưới điện.
Có thể nói, giờ đây việc xây dựng và duy trì văn hóa an toàn lao động đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi một CBCNV của TTĐ Miền Tây 2. Đồng thời, làm tốt công tác này sẽ giúp cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn, bệnh nghề nghiệp, tạo thói quen cho người lao động luôn luôn nghĩ về vấn đề an toàn trước khi thực hiện công việc. Từ đó, từng bước xây dựng môi trường lao động bảo đảm văn hóa, lành mạnh, giúp người lao động an tâm sản xuất, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải./.