Huấn luyện sử dụng thiết bị bay UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây truyền tải điện

Thứ hai, 10/4/2023 | 14:45 GMT+7
Vừa qua, tại Đội TTĐ Bù Đăng và hiện trường các tuyến đường dây cung đoạn do Đội TTĐ Bù Đăng quản lý, Truyền tải điện miền Đông 2 (Công ty Truyền tải điện 4) tổ chức huấn luyện nội bộ cho 10 CBCNV của các Đội TTĐ Bù Đăng, Đồng Xoài, Chơn Thành, Thủ Dầu Một, Tây Ninh sử dụng thiết bị bay UAV trong công tác quản lý vận hành (QLVH) đường dây theo Quyết định số 1181/QĐ-TTĐMĐ2 ngày 24/3/2023.

Khóa huấn luyện nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các CBCNV trong toàn Truyền tải điện miền Đông 2 nắm được cách thức sử dụng thành thạo các thiết bị bay UAV/flycam đã được trang bị. Tiến tới triển khai ứng dụng toàn diện UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây.

Tham gia hướng dẫn lớp học là các thành viên Đội TTĐ Bù Đăng, cũng thuộc Tổ Vận hành công nghệ TTĐMĐ2 (Tổ VHCN). Các thành viên này đều đã được tham gia các lớp đào tạo và đã được cấp chứng chỉ vận hành thiết bị UAV/Flycam như DJI Matric M300 RTK, DJI Mavic 2 pro, DJI Phantom 4 RTK do Tổng công ty, Công ty tổ chức. Trong thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, sau quá trình bay thử nghiệm, Tổ cũng đã thiết lập hoàn tất các đường bay tự động cho 03 tuyến đường dây do Đội TTĐ Bù Đăng QLVH với tổng số 305 vị trí cột.

Hướng dẫn cách lắp đặt UAV Phantom 4 RTK

Tại buổi huấn luyện, các thành viên tham gia lớp được hướng dẫn cách thức vận hành thiết bị bay DJI Phantom 4 RTK; Cách thiết lập tạo đường bay tự động bằng cách thủ công; Cách thiết lập tạo đường bay tự động có kết nối RTK thông qua Trạm Cors/Base. Với cách tạo đường bay thủ công, do không kết nối với RTK, nên việc hướng dẫn này chủ yếu là để các học viên tham gia lớp học tập làm quen với cách tạo các điểm tham chiếu (waypoints).

Đối với cách tạo đường bay tự động có kết nối RTK (Real Time Kinematic) là phương pháp đo động thời gian thực để xác định tọa độ, độ cao. Đầu thu GNSS đa tần kết hợp sổ tay điện tử kết nối internet (wifi, 3G, 4G) với hệ thống trạm định vị vệ tinh thời gian thực CORS/BASE để tính toán ra số liệu XYH ngay tại thời điểm đo. Hoặc thực hiện công việc tìm điểm đã biết XY chính xác cỡ cm. Hiện có 02 dạng kết nối, đó là

Kết nối với Trạm Cors  – Viết tắt của Continuously Operating Reference Station – là một mạng lưới các trạm tham chiếu hoạt động liên tục tại các điểm cố định, liên tục thu nhận và xử lý tín hiệu vệ tin GNSS, rồi phát tín hiệu cải chính này cho các thiết bị cần thiết qua mạng Internet. Các thiết bị khi được kết nối và sử dụng tín hiệu cải chính này sẽ đạt độ chính xác định vị tới hàng centimet.

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh CORS quốc gia được xây dựng đồng bộ, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia; được tính toán xác định tọa độ thường xuyên, liên tục theo ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF; được xác định giá trị trọng lực và sự biến thiên của giá trị trọng lực với chu kỳ đo lặp 10 năm/lần.

Hướng dẫn kết nối UAV với Trạm RTK.

Hiện Tổ VHCN đã đăng ký cung cấp dịch vụ dữ liệu của Mạng lưới trạm định vị vệ tinh Quốc gia (VNGEONET) đến Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Hiện trạm Cors có thể kết nối với 05 thiết bị bay trong khu vực vùng tỉnh Bình Phước. Trong thời gian sắp tới, sẽ mở rộng ra đăng ký các tỉnh có lưới Truyền tải điện do TTĐMĐ2 quản lý gồm tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.

Tuy nhiên, do sử dụng Trạm Cors phải kết nối với sóng di động 4G, nên tại một số khu vực không có sóng sẽ không sử dụng được trạm này mà thay bằng Trạm BASE, đây là cách kết nối thứ hai với RTK. Thông qua thiết bị đã được Công ty phân bổ, các thành viên Tổ cũng đã hướng dẫn cho tất cả lớp học cách thức kết nối Trạm Base với UAV.

Sau 05 ngày tham gia khóa huấn luyện với một tinh thần học hỏi nghiêm túc, vì nhiệm vụ chính trị chung, các cán bộ truyền đạt cũng nhiệt tình hướng dẫn, công tác tổ chức lớp theo nhóm cũng giúp cho cán bộ truyền đạt dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhóm thành viên một cách dễ hiểu nhất. Mặt khác, việc trao đổi giữa các thành viên tham gia lớp học cũng được thuận tiện hơn.

Đánh giá về khóa huấn luyện cho thấy thông qua lớp học lần này, các thành viên đã có thêm tự tin trong việc vận dụng kỹ năng điều khiển thiết bị bay UAV một cách hiệu quả, cũng như có đủ kinh nghiệm để truyền đạt lại cho các thành viên khác của đội mình, qua đó, có thể tiến tới áp dụng toàn diện thiết bị bay trong công tác QLVH đường dây. Giúp tăng năng suất lao động, và mang lại nhiều giá trị hiệu quả hơn trong công tác QLVH so với cách làm truyền thống, tăng độ tin cậy, ổn định cho lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, góp phần thực hiện một cách linh hoạt chủ đề năm của EVN năm 2023 đó là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. /.

Một số hình ảnh:

Tổ hướng dẫn bay, các cảnh báo an toàn bay UAV.

Ông Đinh Tiến Hùng, Đội trưởng Đội TTĐ Bù Đăng (người thứ ba từ trái sang) tham gia chỉ đạo tại lớp học.

Nhân viên Đội TTĐ Chơn Thành thực hành bay thử tại lớp học.

Trần Duy Khánh - TTĐMĐ2 - PTC4