Tập trung đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Thứ ba, 12/1/2021 | 20:55 GMT+7
Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hội nghị diễn ra sáng ngày 12/1, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN.

Cùng dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân – Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc EVN; cùng các Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc Tổng công ty.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cán bộ, nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới, EVN bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao, với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. EVN phải phát triển hạ tầng ngành Điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN.

Phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Phải chủ động để sản xuất được một số thiết bị chính trong ngành; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN trước hết, cần tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. Đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện năng.

Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành Điện. Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động ngành Điện, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của Nhà nước.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết: Năm 2020, EVN và các đơn vị đã khởi công 175 công trình và hoàn thành 164 công trình lưới điện 110-500kV. Các đơn vị nỗ lực, tập trung thực hiện công trình quan trọng như: Các công trình nâng cao năng lực truyền tải: ĐD 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, ĐD 500kV Mỹ Tho - Đức Hoà...

Đối với các công trình đồng bộ với các nguồn điện lớn: Đã đưa vào vận hành lưới điện đồng bộ NMTĐ Thượng Kon Tum, NĐ Sông Hậu 1, Hải Dương và các công trình cấp điện thử nghiệm NĐ BOT Nghi Sơn 2. - Đang khẩn trương đầu tư các công trình lưới điện đồng bộ các NMNĐ BOT Vân Phong 1, Nam Định, trong đó phải thực hiện các giải pháp thay thế nhằm đáp ứng tiến độ cấp điện thử nghiệm các dự án. Đối với các công trình phục vụ giải tỏa NLTT, Tập đoàn đã chủ động nghiên cứu đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện, đồng thời các đơn vị đã rất nỗ lực triển khai thực hiện. Trong đó EVNNPT đã hoàn thành vượt tiến độ các công trình: Nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; xây dựng mới các TBA 220kV Ninh Phước, Phan Rí... 

Vì vậy, từ tháng 8/2020 EVN đã đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất các nguồn NLTT đã vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới vào vận hành. Hiện tại, các đơn vị đang tập trung đầu tư các công trình giải tỏa nguồn điện NLTT, đặc biệt tại các địa bàn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình giải toả nguồn thủy điện khu vực các tỉnh miền Bắc, các công trình tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Tuy nhiên các công trình giải tỏa các NMTĐ nhìn chung đều bị chậm tiến độ do vướng mắc nhiều trong công tác GPMB và đặc biệt việc chuyển đổi đất rừng.

Đối với các công trình trọng điểm đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn (như TP. Hà Nội, TP. HCM, các khu vực có tăng trưởng phụ tải lớn, ...), Tập đoàn đã hoàn thành các dự án quan trọng như: TBA 500kV Chơn Thành, Nâng công suất các TBA 500kV Nho Quan, Dốc Sỏi, Tân Uyên, Mỹ Tho...  Đã giải quyết xong các vướng mắc kéo dài để đưa vào vận hành các TBA 500kV Việt Trì, TBA 220kV Lưu xá, TBA 110kV Phú Xuyên và thủ tục bàn giao đất để đầu tư TBA 220kV Tân Cảng...

Trong năm 2021, Tập đoàn đặt ra mục tiêu vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển KT-XH và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, EVNNPT vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc-Nam. Hoàn thành đúng tiến độ các công trình lưới điện; Chuẩn bị đủ VTTB dự phòng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VTTB; Chủ động phát hiện, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện. Trong đó hoàn thành 256 công trình, khởi công 227 công trình lưới điện 110-500kV. Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm: ĐD 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; Các công trình đồng bộ các nguồn điện lớn; Các công trình giải tỏa công suất các nguồn NLTT, các nhà máy thủy điện khu vực phía Bắc; Các công trình nhập khẩu điện từ Lào; các công trình cấp điện TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực phụ tải lớn...

 Từ phải qua trái: Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cùng chủ trì Hội nghị.

 

Xuân Tiến - PV TCĐL