Tập trung mọi nguồn lực củng cố, phát triển lưới điện truyền tải

Thứ sáu, 6/7/2012 | 17:00 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quản lý vận hành, đầu tư xây dựng và công tác thu xếp vốn. Những nỗ lực đó được thể hiện bằng việc hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia cơ bản đáp ứng phương thức vận hành, cấp điện an toàn, ổn định và liên tục; lưới điện được củng cố, mở rộng, đồng thời có những bước tiến nhất định trong việc giải quyết khó khăn về vốn đầu tư.​

Nhiều nỗ lực quản lý vận hành
Trong 6 tháng đầu năm 2012, EVNNPT ước đạt sản lượng điện truyền tải 49,273 tỷ kWh, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011. Tổn thất điện năng ước đạt 2,2%, thấp hơn 0,3% so với cùng kỳ năm 2011. Hệ thống điện truyền tải cơ bản đáp ứng phương thức vận hành, xuất sự cố trên lưới được kiểm soát hiệu quả. Tình hình vận hành lưới trong 6 tháng qua giảm căng thẳng hơn so với cùng kì năm 2011. Những kết quả này cho thấy nhiều nỗ lực, quyết tâm rất đáng ghi nhận của toàn Tổng Công ty trong việc khắc phục khó khăn, đảm bảo vận hành hệ thống lưới truyền tải điện an toàn, liên tục. Trong đó, cần nhấn mạnh tới nỗ lực cao trong công tác sửa chữa lớn, khắc phục khiếm khuyết, nâng cao độ tin cậy của lưới với giá trị thực hiện đạt trên 59 tỷ đồng.
Cùng với đó là việc triển khai các giải pháp khắc phục đầy, quá tải tại nhiều điểm nóng trên lưới. Tiêu biểu như việc tăng cường công suất các trạm 500 kV Nho Quan (tháng 11/2011), Tân Định (tháng 3/2012), Đăk Nông (tháng 5/2012) và nâng dung lượng tụ bù dọc các đường dây 500 kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh, Đăk Nông – Phú Lâm (tháng 5/2012). Nhờ đó, tình hình vận hành lưới điện 500 kV giảm căng thẳng rõ rệt. Các trạm 500 kV Tân Định, Đăk Nông, đường dây 500 kV Đăk Nông – Phú Lâm không còn bị quá tải. Ở phía Bắc, cuối tháng 4, các Trạm 220 kV Hải Dương, Phủ Lý thường xuyên đầy, quá tải (có thời điểm quá tải đến 30%), đã được nâng công suất, tình trạng quá tải cải thiện rõ. Ở phía Nam, từ khi đường dây 500 kV Ô Môn – Nhà Bè đi vào vận hành, liên kết lưới khu vực đã vững chắc, tin cậy hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, công tác vận hành các đường dây mua điện Trung Quốc thời gian qua không xuất hiện tình trạng quá tải do có thuận lợi là công suất huy động thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, cần lưu ý rằng, hiện các Trạm 220 kV Thái Bình, Thanh Hóa, MBA 220 kV Phố Nối, các đường dây 220 kV Hòa Bình – Hà Đông, Phố Nối - Phả Lại, Nho Quan - Ninh Bình vẫn thường xuyên vận hành đầy tải, một số thời điểm quá tải nhẹ. Đặc biệt, lưới điện cung cấp cho Hà Nội tiếp tục vận hành khó khăn, các máy biến áp Trạm 220 kV Hà Đông, Chèm, Mai Động, Sóc Sơn luôn vận hành đầy hoặc quá tải do phụ tải tiếp tục tăng cao, các công trình chống quá tải chậm tiến độ vì các nguyên nhân bất khả kháng. Ở phía Nam, do khu vực tập trung nguồn lớn nên trong trường hợp huy động cao cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch, các đường dây 220 kV Thủ Đức – Cát Lái, Phú Mỹ - Cát Lái, Phú Mỹ - Long Thành bị quá tải, có thể tác động quá tải các đường dây khác. Chính vì vậy, thời gian tới cần có các biện pháp khắc phục tình trạng đầy, quá tải tại các khu vực nêu trên, góp phần làm giảm căng thẳng cho công tác quản lý vận hành.

Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm 
Do việc thu xếp vốn cho đầu tư các dự án rất khó khăn, Lãnh đạo Tổng Công quán triệt nguyên tắc chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, đôn đốc tiến độ các dự án đã được bố trí nguồn vốn vay ODA để sớm đưa vào vận hành. Đồng thời, xem xét tăng cường công suất các trạm hiện có để nâng khả năng cung cấp điện cho các khu vực, qua đó có kế hoạch giãn, hoãn đối với các dự án chưa thu xếp được vốn. Trong 6 tháng đầu năm, EVNNPT đã hoàn thành thành đóng điện 12 công trình lưới điện từ 220-500 kV với tổng chiều dài đường dây 632 km và tổng công suất các trạm biến áp 2.425 MVA. Nhiều công trình quan trọng ở cả 3 miền đi vào vận hành đã giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại các khu vực, tăng cường năng lực truyền tải như các dự án lưới điện truyền tải đấu nối Nhiệt điện Mạo Khê, Thủy điện ĐakMy 4, Sekaman3, đấu nối Thủy điện Sơn La; dự án thay máy Trạm 220 kV Lào Cai, Hải Dương, Phủ Lý, cải tạo đường dây 220 kV Hoà Bình-Xuân Mai; dự án thay máy Trạm 500 kV ĐakNông, nâng công suất Trạm 500 kV Tân Định, hoàn thành giai đoạn 1 đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn (đoạn Long An - Phú Lâm), Trạm 220 kV Thuận An. Theo tính toán, khối lượng đầu tư xây dựng thuần toàn Tổng Công ty thực hiện 6 tháng đầu năm 2012 là 4.211,49 tỷ đồng, giá trị thanh toán từ đầu năm đến 20/6/2012 là 2.704,12 tỷ đồng.


Cùng với các dự án đã hoàn thành, trong 6 tháng đầu năm 2012, Tổng Công ty đã quyết liệt chỉ đạo các Ban quản lý dự án tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư và thi công các hạng mục phục vụ khởi công các dự án, đến nay đã khởi công 14 dự án, trong đó lưới 500 kV 6 dự án, lưới 220 kV 8 dự án. Đối với các dự án đang thi công trên cả nước, để đảm bảo tiến độ các dự án, Tổng Công ty đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc về vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý…

Tích cực thu xếp vốn
Trong 6 tháng đầu năm, ngoài sự hỗ trợ của EVN, Tổng Công ty đã nỗ lực tìm kiếm, đa đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho các dự án lưới điện truyền tải. Cụ thể: Về khoản vay ưu đãi 820 tỷ đồng cho đền bù giải phóng mặt bằng ĐZ 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và dự án ĐZ 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long, VDB đã đồng ý cho phép EVNNPT được thực hiện giải ngân song song với việc hoàn thiện các thủ tục còn thiếu theo quy định. Về vốn vay ODA, Tổng Công ty đang hoàn thiện các thủ tục bảo lãnh để sớm ký kết hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính khoản vay phân kỳ 1 do ADB tài trợ; đề xuất WB khoản vay nâng cao hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP) với giá trị 500 triệu USD để làm cơ sở đề nghị Chính phủ đưa vào tài khóa 2014. Với các nguồn vốn vay thương mại trong nước, thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, EVNNPT đã đạt thỏa thuận khoản vay 3.300 tỷ đồng tại Vietinbank cho dự án ĐZ 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, khoản vay 920 tỷ đồng của BIDV cho đường dây 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long. Mặt khác, trong điều kiện năng lực tài chính của Tổng Công ty có hạn, EVNNPT  đã đề nghị EVN đệ trình Ngân hàng Nhà nước các giải pháp thu xết vốn cho NPT để thực hiện đầu tư các dự án cấp bách trong thời gian tới.
 

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
 Từ nay tới cuối năm, EVNNPT đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Tổng Công ty, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Giữ vững lưới điện truyền tải trong mọi tình huống, cấp điện an toàn, liên tục, đảm bảo sản lượng truyền tải đạt trên 51 tỷ kWh, cả năm đạt 100 tỷ kWh, phấn đấu tổn thất điện năng cả năm đạt 2,6%; đảm bảo an toàn lao động, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng như: các dự án lưới điện đồng bộ với các nguồn điện như đường dây 220 kV đấu nối Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, đường dây 220 kV Vũng Áng – Hà Tĩnh đấu nối Nhà máy điện Vũng Áng, đóng điện đường dây 220 kV ĐakNông - Phước Long - Bình Long, các dự án đường dây 220 kV đấu nối sau Trạm 500 kV Hiệp Hòa, đường dây 220 kV Sóc Sơn - Vân Trì, thay máy Trạm 220 kV Sóc Sơn... EVNNPT cũng cần nỗ lực lớn để tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, tích cực tìm kiếm các nguồn huy động mới, hoàn thiện các thủ tục để nhanh chóng huy động các nguồn tài trợ và làm tốt công tác giải ngân vốn cho các dự án. Một nhiệm vụ quan trọng khác là EVNNPT cần chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để thực hiện phương án tái cơ cấu sau khi có chỉ đạo của EVN.

 Bên cạnh các nhiệm vụ trên, do hiện giá truyền tải chưa phản ánh hết các chi phí nên EVNNPT đề nghị Cục Điều tiết Điện lực sớm phê duyệt phương án điều chỉnh giá, tạo điều kiện cho Tổng Công ty cải thiện tình hình tài chính, đảm bảo có lãi để đầu tư phát triển. EVNNPT cũng đề nghị các tổng công ty phân phối có kế hoạch phát triển lưới điện 110 kV sau các Trạm 220 kV như Sóc Sơn, Phủ Lý, Xuân Mai, Tân Định, Cát Lái, Trảng Bàng để nâng cao hiệu quả khai thác các trạm 220 kV sau khi được nâng công suất và giảm tải cho các trạm 220 kV lân cận.

Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ NPT
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện