Thực hiện chiến lược phát triển EVNNPT năm 2021 tại NPMB

Thứ tư, 17/11/2021 | 14:59 GMT+7
Hệ thống lưới điện quốc gia (có cấp điện áp từ 220 kV đến 500 kV) là “động mạch chủ” của toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiệm vụ trọng yếu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là triển khai thực hiện đồng bộ, cân đối giữa phát triển Nguồn Điện - Lưới Điện-Hệ thống phân phối, kinh doanh Điện đạt mục tiêu hiệu quả tiên tiến, bền vững lâu dài của hệ thống điện quốc gia và các tiêu chí về độ an toàn, tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng.

 Như vậy, từ chiến lược phát triển của ngành Điện nói chung đã làm kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB). Nhiệm vụ chiến lược của NPMB là đầu tư xây dựng các dự án trạm biến áp và đường dây truyền tải điện ở khu vực miền Bắc để cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo điện cho nền kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả. Nhằm nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, cần phát triển lưới điện thông minh, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để tích hợp các nguồn điện phân tán. Năm 2021, NPMB được giao xây dựng trạm biến áp truyền tải kiểu số hóa (Digital Substation) -Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên. Đây là trạm biến áp công nghệ số cấp điện áp 220 kV đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trạm được trang bị hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp bằng relay của Siemens. Ngày 19/04/2021, Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên đóng điện thành công và đưa vào vận hành giúp cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và khu vực lân cận, tăng cường liên kết an toàn, ổn định, linh hoạt trong vận hành hệ thống điện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp điện.

Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên

Để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện, EVNNPT luôn chú trọng xây dựng các công trình lưới điện thông qua các giải pháp về kỹ thuật, từ đó giao nhiệm vụ cho NPMB thực hiện dự án thử nghiệm trang bị thiết bị giám sát nhiệt độ đường dây, khả năng mang tải, độ võng…, từ đó tính toán chính xác khả năng mang tải của đường dây theo thời gian thực (Thiết bị DLR). Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, NPMB đã thực hiện tổ chức mua sắm và ký kết hợp đồng với nhà thầu Công ty Cổ phần Năng lượng điện Dầu khí - AMPACIMON S.A để cung cấp thiết bị. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành giao hàng và lắp đặt thiết bị trên ĐZ Vân Trì – Chèm ngày 17/10/2021. Hiện nay, nhà thầu đang thực hiện cài đặt và cấu hình các ứng dụng cho máy chủ và chuyển giao kết nối trung tâm dữ liệu từ máy chủ Ampacimon về máy chủ EVNNPT và kết nối các cảm biến về máy chủ EVNNPT hoàn thành trong tháng 11/2021.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, đảm bảo thông tin liên lạc, điều độ vận hành phục vụ cho phát triển hoàn chỉnh thị trường điện và nhu cầu chất lượng ngày càng cao của các phụ tải, EVNNPT luôn chú trọng xây dựng các công trình lưới điện thông qua các giải pháp về kỹ thuật như nâng chiều cao cột, sử dụng cột đơn thân, sử dụng các biện pháp thi công, vận hành tiên tiến. Trong đó, EVNNPT đã giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm 01 dự án sử dụng cột thép ống và trình báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2021. Cột thép ống sẽ được sử dụng cho dự án có sử dụng cột thép chiều cao từ 75m trở lên và ở những khu vực có vùng gió lớn từ 60 daN/m2. Sau khi xem xét, NPMB đã chọn dự án ĐZ 500kV Nam định 1 – Thanh Hóa và ĐZ 500kV Nam Định 1 – Phố Nối để trình EVNNPT xem xét cho phép thí nghiệm áp dụng giải pháp cột thép ống.

Trạm biến áp 500 kV Phố Nối

Trong cơ chế đổi mới, để phát triển chiến lược của EVNNPT, một nội dung chiến lược đang được giao cho NPMB là trang bị phần mềm phục vụ công tác lập, thẩm tra, thẩm định TMĐT, TDT các công trình lưới truyền tải điện để áp dụng cho toàn EVNNPT và các đơn vị có liên quan. Công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng hiện nay thường bị kéo dài. Do vậy, Lãnh đạo NPMB nhận định đây là một trong những giải pháp giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định TMĐT, TDT, đẩy nhanh thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. NPMB đã lập kế hoạch sẽ triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp phần mềm vào tháng 11/2021 và hoàn thành ký kết hợp đồng trong tháng 12/2022.

Có thể nói, nhân tố quyết định thành công các nhiệm vụ chiến lược phát triển của NPMB đó là con người. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của NPMB để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng quản lý dự án; nắm bắt công nghệ; xây dựng nguồn nhân lực có phẩm chất phù hợp với giá trị cốt lõi của NPMB; thúc đẩy năng lực sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững, quá trình hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. NPMB tập trung nâng cao năng lực quản lý dự án để đảm bảo có tối thiểu 3 cán bộ nghiệp vụ đạt trình độ chuyên gia cấp độ 2; 6 cán bộ nghiệp vụ đạt trình độ chuyên gia cấp độ 1 trong lĩnh vực quản lý dự án; thẩm tra, thẩm định; đấu thầu. Để hoàn thành được nhiệm vụ chiến lược này, NPMB đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao trình độ của các cán bộ công nhân viên có chuyên môn. Bên cạnh đó, NPMB cũng phải hoàn thiện năng lực quản lý công nghệ thông tin theo khung kỹ năng công nghệ thông tin đối với nghiệp vụ: quản lý sự cố, quản lý thay đổi, quản lý tuân thủ ATTT (ISMS); Tổ chức đánh giá nội bộ, rà soát những điểm không phù hợp ISO/IEC/TCVN 27001 nhằm khắc phục các điểm không phù hợp và cải tiến hệ thống quản lý ATTT; Hoàn thành triển khai kế hoạch đảm bảo ATTT năm 2021 đáp ứng mục tiêu đảm bảo ATTT và phù hợp với Quy định đảm bảo ATTT trong EVN (Quyết định số 99/QĐ-EVN ngày 18/01/2021).

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay, công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng đã được EVNNPT quan tâm chú trọng. Năm 2021, EVNNPT đã ban hành Chiến lược Ứng dụng và Phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040 và giao nhiệm vụ chi tiết đến từng đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ này, NPMB đã chủ động triển khai số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình nghiệp vụ và chuyển thành các bài giảng để đào tạo trực tuyến. Trong công tác kế hoạch, toàn bộ vật tư được số hóa, quản lý, theo dõi, cập nhật trên phần mềm, từ năm 2021 – 2022. Về nội dung này, ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc NPMB cho biết, trong năm nay, NPMB đang làm việc với đơn vị tư vấn để nghiên cứu, áp dụng QR code cho toàn bộ vật tư thiết bị của các dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021. Bên cạnh đó, NPMB đang xem xét thí điểm dự án trạm biến áp 220kV Yên Hưng áp dụng ứng dụng KHCN chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, điều hành công việc được từ xa, giảm số lượng hồ sơ trình duyệt… nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và tiến độ dự án. Giám đốc NPMB cho hay. Công tác chuyển đổi số được Giám đốc quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chiến lược.

Là một đơn vị đã đóng góp nhiều thành tích to lớn cho ngành điện Việt Nam, với bề dày hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc sẽ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược được EVNNPT giao; hoàn thành xây dựng các dự án truyền tải điện đáp ứng nguồn cung cấp điện ổn định cho sự phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

NPMB