Công ty Truyền tải điện 2: Những người thợ chung tay giữ vững dòng điện

Thứ hai, 6/8/2012 | 16:00 GMT+7
Lưới truyền tải điện 500, 220 kV là trục xương sống trong đó khu vực Miền Trung là vùng giữa, liên kết cả hệ thống điện Quốc gia. Trong những năm qua khu vực này như đòn gánh luôn oằn mình chịu sự quá tải và sự tàn phá khốc liệt của thời tiết,  nhất là trong mùa mưa bão, lũ. Khó khăn là thế, nhưng những người thợ Công ty Truyền tải điện 2 vẫn luôn chung tay vượt qua mọi thử thách khắc nhiệt của thời tiết giữ vững dòng điện an toàn, liên tục. ​

Mỗi năm, miền Trung phải gánh chịu nhiều cơn bão và các đợt mưa lũ lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại rất lớn về người cũng như tài sản của và những công trình lưới điện trung, cao thế. Đặc biệt trận cuồng phong, siêu bão Xangsane (ngày 1/10/2006), Ketsana (ngày 28/9/2009) đã làm tan nát cả Miền Trung. Nhiều công trình bị tê liệt, nhiều tuyến đường công vụ vào tuyến đường dây, các ngầm tràn, cống thoát nước qua đường dây đã bị mưa lũ gây sạt lở hư hỏng nặng. Tuyến đường dây nằm khu vực đồng bằng bị ngập lụt gây khó khăn rất lớn trong công tác kiểm tra tuyến. Đặc biệt tại các vùng xung yếu đường vào tuyến bị sạt lở nặng, các phương tiện vận chuyển không thể di chuyển, công tác kiểm tra và xử lý đều phải đi bộ. 

 

Anh Dung TTD2 tai hien truong.jpg

    Xử lý vị trí móng cột đường dây bị sạt lở trong mùa mưa bão năm 2011 (cột vẫn đang vận hành mang điện)
 

PTC2 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành 8 trạm biến áp 220 - 500  kV có tổng dung lượng 3.028 MVA, gần 2000 km đường dây 220 - 500  kV. Trong mùa mưa bão, chỉ một sơ xuất rất nhỏ dù phần nghìn, phần vạn trong số lượng móng cột trên bị sạt lở, hư hỏng nghiêng đổ cột thì hậu quả sẽ thật khôn lường. Bên cạnh đó, các tình huống khác dẫn đến các sự cố bất thường cũng làm gián đoạn cung cấp điện trong mùa mưa bão. Thực tế cho thấy hiện tượng sạt lở đất là nguyên nhân chính dẫn đến việc nghiêng đổ móng cột, đây chính là sự cố dễ xảy ra nhất trong mùa mưa bão. Khó khăn lớn là việc xử lý khắc phục mất nhiều thời gian và chi phí rất lớn. Vì vậy, việc quan trọng nhất là làm sao các đường dây truyền tải điện đứng vững trong mùa bão lũ. Do vậy, với đặc thù địa lý đường dây và các móng trụ cột phần lớn nằm trên các triền đồi núi có độ dốc lớn, xác xuất sạt lở, hư hỏng cao, lãnh đạo PTC2 đã tập trung triển khai công tác phòng chống bão lụt với những phương án cụ thể, trong đó ưu tiên quan tâm đến các vị trí móng cột trên núi, đồi và các khu vực có dòng nước chảy qua. Hàng năm đơn vị đã tập trung khảo sát, đánh giá tình trạng móng cột, khả năng ổn định của nền đất khu vực để có những biện pháp phòng chống như xây kè móng, làm mương thoát nước, nắn dòng chảy không để các dòng nước chảy trực tiếp vào khu vực móng cột. Bên cạnh đó, 4 phương châm tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đã được PTC2 các đơn vị thiết lập cụ thể, tránh tình trạng chung chung. Đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp với các đơn vị trong, ngoài  ngành điện nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của Ban PCLB các địa phương để xử lý các sự cố khi bão lụt xảy ra.
 
 
Tru bi xoi lo.jpg

 Chỉ sau một đêm. móng néo giữ cột bị tự nhổ lên (do cả nền đất tiếp tục bị sạt xuống)
 

Trong năm 2012, để chủ động phòng chống lụt bão, Công ty Truyền tải điện 2 đã thành lập Ban chỉ đạo PCBL cấp Công ty do Phó Giám đốc Công ty làm trưởng ban. Ban PCLB đã củng cố hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến cũng như hữu tuyến, lập các phương án sử dụng cột xử lý nhanh KEMA để sẵn sàng tham gia xử lý sự cố. Thường xuyên tập trung chỉ đạo cho các đơn vị lập các phương án PCLB theo sát tình hình đặc điểm của đơn vị mình. Tổng kiểm tra toàn bộ lưới điện và xử lý tồn tại trước 15/4/2012 (các tồn tại lớn xử lý trước 30/8/2012), trong đó tháng 5/2012 kiểm tra chuyên đề riêng về độ ổn định các móng cột. Ngoài ra Công ty đã tổ chức kiểm tra chéo đường dây giữa các đơn vị vào tháng 6/2012. Hơn 10 đợt diễn tập PCLB được thực hiện trên 7 tỉnh thành miền Trung, với sự tham gia đầy đủ các lực lượng chức năng địa phương từ người dân, chính quyền cơ sở cho đến công an, quân đội. Đây chính là điểm thành công và tự tin nhất của đơn vị vào mùa mưa bão năm nay. Đặc biệt Công ty đã chú trong diễn tập các tình huống như chống lốc xoáy kèm theo mưa lớn, sạt lở cũng như các tình huống chống lũ lụt thường diễn ra tại các tỉnh đồng bằng trong mùa mưa bão.
 
 
Công tác chuẩn bị phòng chống bão lụt, các biện pháp xử lý tình huống vừa đảm bảo cung cấp điện liên tục, ngăn ngừa hư hỏng sạt lở móng gây ngã đổ trụ điện, đồng thời đảm bảo an toàn người lao động trong kiểm tra phát hiện tồn tại và thi công sửa chữa hư hỏng là yêu cầu cấp bách. Để làm được điều này, trước mùa mưa bão, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị lập các chốt tiền phương tại các điểm hư hỏng đường sá hoặc ngập lụt không qua được, tăng cường các điểm rải quân dọc tuyến đường dây. Công tác xử lý sự cố trong bão, lũ đòi hỏi lãnh đạo Công ty và người chỉ huy trực tiếp có những quyết đoán nhanh, chuẩn xác các biện pháp và phương án xử lý, như vậy vừa ngăn được các hư hỏng phát triển thành sự cố và đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng của người lao động. Bên cạnh sự chuẩn bị về kỹ thuật và phối hợp nhân lực,  PTC2 còn xây dựng các giải pháp xử lý sự cố đầy linh hoạt và chủ động cho cơ sở. Đơn vị đã tập kết đầy đủ các loại vật tư, phương tiện dự phòng ở mỗi đơn vị truyền tải điện trực thuộc, Công ty còn đề ra kế hoạch điều động hỗ trợ giữa các đơn vị liền kề mang tính liên hoàn, và các loại phương tiện lưu động hỗ trợ nếu có tình huống xấu xảy ra trên diện rộng.
 
 
Tính đến thời điểm tháng 8/2012, kế hoạch chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2012 của PTC2 đã đi vào chặng cuối. Đơn vị đang tổ chức các nhóm kiểm tra đi xuống cơ sở, các thành viên trực thuộc để rà soát lại tình hình lần cuối. Toàn đơn vị đã ở trong tinh thần cảnh giác cao nhất, sẵn sàng đối mặt với mùa mưa bão năm 2012. Việc đảm bảo cung cấp liên tục dòng điện trong mưa bão là những công việc đầy gian truân thầm lặng cần sự chung tay góp sức của những người thợ Truyền tải điện để giữ dòng diện truyền tải liên tục, an toàn.

 

 

 

Nguyễn Tiến Dũng - PGĐ PTC2