Đảm bảo an toàn lưới truyền tải điện tỉnh Khánh Hòa mùa nắng nóng

Thứ năm, 30/6/2022 | 14:54 GMT+7
Để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới truyền tải điện cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các vùng lân cận, Truyền tải điện Khánh Hòa (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) đã chủ động nắm bắt và triển khai các giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo cung cấp điện trong tình huống nắng nóng kéo dài và phụ tải tăng đột biến.

Dùng Ipad kiểm tra thông số thiết bị Trạm 220 kV Vân Phong

Chống cháy trong hành lang

Hiện nay Truyền tải điện Khánh Hòa đang quản lý vận hành lưới điện 220 kV với 2 trạm biến áp (tổng dung lượng 813 MVA) và 232 km đường dây trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một phần huyện M’Drăk (tỉnh Đắk Lắk). Đây là những khu vực có địa hình đồi núi cao hiểm trở gồm các đèo: Phượng Hoàng, Rọ Tượng, Rù Rì, Cổ Mã... Trong đó, hơn 40 km đường dây truyền tải nằm trong khu vực ruộng mía và hơn 80 km đường dây đi qua khu vực vùng rừng núi có đồi trồng keo, bạch đàn. Đây là những khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng, đặc biệt các xã: Cam Phúc Bắc, Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh); Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thân, Ninh Ích, Ninh An (thị xã Ninh Hòa); Đại Lãnh, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh); Vĩnh Phương, Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) được xác định khu vực có nguy cơ gây sự cố cho đường dây rất cao.

Nhận diện trước những thách thức này, ngay trong quý I/2022, Truyền tải điện Khánh Hòa đã sớm chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp kỹ thuật như: Tăng cường kiểm tra định kỳ đường dây và các trạm biến áp; theo dõi những máy biến áp, tuyến đường dây có nguy cơ đầy, quá tải; vệ sinh, bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị điện, đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc (đặc biệt đối với các ngăn lộ tải cao, các ngăn lộ có thiết bị vừa mới thay thế, các ngăn lộ đường dây truyền tải từ các nhà máy điện) để kịp thời xử lý những điểm phát nhiệt.

Ông Nguyễn Nghĩa – Phó Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết: “Song song với các biện pháp trên, đơn vị thường xuyên kiểm tra thiết bị phụ kiện trên các tuyến đường dây, kịp thời phát hiện khiếm khuyết và các nguy cơ vi phạm hành lang gây sự cố. Những phát sinh có khả năng gây mất an toàn phải được xử lý ngay và báo cáo kịp thời về đơn vị. Tại các vị trí có nguy cơ gây sự cố, lực lượng vận hành sẽ theo dõi thường xuyên; tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn lưới điện như: Cây cao, các phương tiện cơ giới va chạm gây sự cố đường dây. Đặc biệt, đơn vị luôn đề cao cảnh giác với các hành vi: Ném vật lạ lên đường dây; thi công vận chuyển, cẩu vật tư thiết bị cây cối trong và gần hành lang lưới điện; đốt rẫy gây cháy rừng trong hành lang tuyến hoặc cháy lan từ ngoài vào trong hành lang tuyến gây sự cố cho các đường dây cao áp”.

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú kiểm tra camera giám sát đường dây qua smartphone của Đội TTĐ Nha Trang

Ứng dụng công nghệ

Đặc biệt, hiện nay Truyền tải điện Khánh Hòa đã từng bước tự động hóa quản lý, vận hành các trạm biến áp thông qua việc đầu tư trang bị các thiết bị điều khiển từ xa. Trang bị thiết bị bay không người lái có trang bị camera, camera nhiệt kiểm tra đường dây, trạm biến áp thay thế cho công nhân vận hành. Đơn vị cũng ứng dụng thử nghiệm camera trí tuệ nhân tạo để phân tích đưa ra cảnh báo vi phạm hành lang an toàn trên đường dây; các thiết bị soi phát nhiệt trên đường dây; ứng dụng camera giám sát hình ảnh nhiệt, theo dõi cảnh báo thông số quá tải máy biến áp. Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ nêu trên giúp Truyền tải điện Khánh Hòa tiết kiện được lao động, phát hiện sớm các khiếm khuyết thiết bị để đưa ra phương án xử lý ngăn ngừa sự cố, nhất là những khiếm khuyết không thể kiểm tra trực quan.

Ông Nguyễn Nghĩa cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, đơn vị còn ký cam kết về việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp với các lâm trường, nông trường, ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn, UBND các địa phương có đường dây đi qua. Ký cam kết bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp với các hộ dân sống dọc theo đường dây, các hộ dân có đất, rẫy, ruộng mía dưới các tuyến đường dây 220 kV thuộc đơn vị quản lý vận hành.

Cùng với đó, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp với các hộ dân sống dọc đường dây không đốt mía hoặc rẫy trong và gần hành lang lưới điện; phối hợp với cán bộ thôn tổ chức các buổi giao lưu tuyên truyền, phát tờ rơi, phổ biến cho người dân địa phương nghiêm túc tuân thủ các điều khoản trong nghị định của Chính phủ về an toàn điện. Đồng thời, Truyền tải điện Khánh Hòa trực tiếp làm việc với các ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm sản để phối hợp ngăn ngừa đốt rừng, thu gom thực bì ra khỏi hành lang, dập tắt các vụ cháy rừng khi phát hiện có cháy xảy ra.

“Với những phương án, giải pháp đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, Truyền tải điện Khánh Hòa tin tưởng đảm bảo lưới truyền tải điện vận hành an toàn đáp ứng nhu cầu cung ứng điện trong mùa khô”, ông Nguyễn Nghĩa khẳng định./.

Đình Lâm