EVNNPT: Hành trình chuyển đổi số

Thứ bảy, 30/10/2021 | 16:00 GMT+7
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đặc biệt nhấn mạnh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tiền đề của quá trình chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong suốt những năm qua.

Nội dung chương trình xin mời Nghe Tại đây!

Nội dung chương trình xin mời Xem tại đây:

Theo dõi trên trang VOV2.VOV.VN Tại đây!

Nội dung bài viết:

“Thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”, là kỳ vọng mà Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia mong muốn đạt được khi chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong EVNNPT” để triển khai trong năm nay.

Với mục tiêu xây dựng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trở thành tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới, từ giữa năm 2019, EVNNPT đã có hẳn Nghị quyết về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực truyền tải điện.

Trong cuộc trao đổi phóng viên VOV2, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia cũng đặc biệt nhấn mạnh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tiền đề của quá trình chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong suốt những năm qua.

“Chuyển đổi số là cơ hội vô giá để ngành truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này chúng ta sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới”, ông Lưu Việt Tiến khẳng định.

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT và PV tại phòng thu VOV2

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT và PV tại phòng thu VOV2

Những lợi ích đã được khẳng định và chuyển đổi số cũng là một xu thế tất yếu trong tương lai, thế nhưng để bắt đầu hành trình này, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phải đối diện với không ít những thử thách, trong đó khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen và thay đổi nhận thức của mọi người từ lãnh đạo đến người lao động trong toàn đơn vị.

Ông Lưu Việt Tiến cho rằng, người lao động của EVNNPT đã quen với môi trường thực trong nhiều năm, khi chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức bởi vậy đây là một nhiệm vụ vô cùng khó và sẽ cần phải có thời gian.

Xác định được thử thách, nên ngay từ thời điểm đầu, EVNNPT đã xác định lấy con người làm trung tâm. EVNNPT đẩy mạnh công tác xây dựng nhân lực chuyển đổi số thông qua đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động song hành với kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ công nghệ thông tin. Ngoài ra EVNNPT còn tổ chức các khóa đào tạo về nhận thức, chiến lược, quản trị chuyển đổi số cho cán bộ quản lý EVNNPT và các đơn vị trực thuộc; quan điểm định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của EVN, EVNNPT về chuyển đổi số; các thói quen văn hóa thúc đẩy chuyển đổi số. Thực hiện đào tạo qua e-Learning kết hợp cuộc thi online để phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin đến toàn bộ cán bộ công nhân viên.

Chương trình đào tạo nhận thức về chuyển đổi số của EVNNPT

Chương trình đào tạo nhận thức về chuyển đổi số của EVNNPT

Đến nay, sau một thời gian triển khai tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như thực hiện chuyển đổi số trong 2 năm qua, 2020 - 2021, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã và đang đang vận hành 141 trạm biến áp điều khiển tích hợp bằng máy tính trong đó có 01 trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên, Hải Phòng là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam, đạt tỷ lệ 83%.

Ngoài ra 97 Trạm biến áp 220kV cũng đã được chuyển sang thao tác xa từ các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đạt tỉ lệ 73%, nhờ đó tiết giảm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ.

Bên cạnh đó, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS. Hồ sơ dự án, tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện, tình hình chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, thanh quyết toán của các công trình xây dựng được quản lý trên hệ thống đầu tư xây dựng IMIS.

Một kết quả không thể không nhắc tới trong những nỗ lực chuyển đổi số của ngành truyền tải đó là đã ứng dụng 80 thiết bị bay không người lái UAV để kiểm tra đường dây và bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh thu thập được từ UAV. Ứng dụng thử nghiệm camera xử lý hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo AI lắp đặt trên đỉnh cột  đường dây tại một số vị trí đặc biệt có hành lang phức tạp, thay đổi nhanh như giao cắt với các công trình đang xây dựng, khu công nghiệp, bến cảng, kho, khu vực thường xuyên xẩy ra cháy rừng…Lắp đặt thiết bị giám sát trực tuyến khả năng tải của đường dây theo điều kiện thời tiết như nhiệt độ môi trường, bức xạ mặt trời, tốc độ và hướng gió. Trang bị hệ thống quan trắc, cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của cú sét.

Dùng thiết bị không người lái kiểm tra TBA 500kV

Dùng thiết bị không người lái kiểm tra TBA 500kV

Ngoài ra Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng trang bị thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 500 – 220kV quan trọng, giúp nhân viên vận hành xác định nhanh được điểm sự cố với sai số trong khoảng 200m.

Đặc biệt, vừa qua, trong giai đoạn dịch bệnh covid- 19 diễn biến phức tạp, nhờ sớm thực hiện chuyển đổi số nên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã nhanh chóng thích ứng, vừa triển khai công tác sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, vừa chống dịch hiệu quả thông qua các phần mềm dùng chung, các công cụ họp trực tuyến, công nghệ điều khiển xa…

Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành năm 2022. Để hoàn thành kế hoạch này, EVNNPT sẽ tiếp tục thực hiện ba mũi nhọn về khoa học công nghệ. Đó là phần mềm quản lý đường dây ứng dụng và phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là ứng dụng phần mềm quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh. Thứ ba là thay đổi phương thức quản lý công tác thí nghiệm bằng việc ứng dụng phần mềm quản lý thí nghiệm.

Dẫu sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách trên tiến trình chuyển đổi số, nhưng đó sẽ là cơ hội bứt phá và có vai trò quyết định đến sự phát triển của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT trong thời gian tới.

“Không ngừng học hỏi, không ngừng nâng cao nhận thức, mỗi ngày mỗi người tự học cho mình những điều mới”, cũng là lời nhắn nhủ và là thông điệp mà ông Lưu Việt Tiến muốn gửi gắm tới tất cả người lao động của EVNNPT./.

Thanh Hương

Theo VOV2