Trạm biến áp 500kV Phú Lâm (Trạm Phú Lâm) là trạm biến áp có công suất khả dụng là 2676 MVA. Ngoài ra, Trạm Phú Lâm còn là Trạm biến áp có mức độ phức tạp cao nhất với rất nhiều cấp điện áp từ 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV; gồm có 07 máy biến áp (2 MBA 500kV, 3 MBA 220kV, 2 MBA 110kV), 06 ngăn lộ 500kV, 13 ngăn lộ 220kV, 19 ngăn lộ 110kV, 12 ngăn lộ 22kV và 01 kháng 500kV, 01 kháng 220kV, 02 dàn tụ 110kV.
Trạm biến áp 500kV Phú Lâm là trạm biến áp cung cấp phụ tải chính cho khu vực TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là Trạm biến áp đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền tải điện giữa khu vực Miền Đông Nam Bộ và Miền Tây Nam Bộ do đó trong trạm biến áp có nhiều thiết bị đang vận hành với 05 cấp điện áp khác nhau bao gồm 500kV/220kV/110kV/35kV/22kV. Để quản lý tốt các thiết bị trong trạm biến áp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành ngày càng cao đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác vận hành. Một trong các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành đó là : ứng dụng Flycam trong công tác kiểm tra thiết bị tại trạm biến áp nhằm giúp nhanh chóng phát hiện các bất thường thiết bị, kịp thời ngăn ngừa để giảm thiểu sự cố và đảm bảo cung cấp điện an toàn, hiệu quả và tin cậy.
Thực hiện Văn bản số 661/TTĐHCM-KT ngày 23/02/2022 Lệnh giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý vận hành thiết bị (Flycam) và quyết định số 1521/QĐ-TTĐHCM ngày 01/04/2022 về việc công nhận hoàn thành khóa đào tạo bay Flaycam hiệu MAVIC 2 ZOOM cho nhân viên vận hành trạm biến áp, Tổ thao tác lưu động. Sáng ngày 01/06/2022 Trạm 500kV Phú Lâm đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ Flycam vào công tác kiểm tra thiết bị, cụ thể như kiểm tra mức dầu sứ xuyên máy biến áp (MBA), mức dầu máy biến dòng điện (TI), mức dầu máy biến điện áp (TU), dây chống sét, hệ thống kim thu sét, tình trạng cách điện, phụ kiện và tổng quan hành lang xung quanh tại trạm.

CBCNV Trạm 500kV Phú Lâm sử dụng Flycam kiểm tra mức dầu máy biến dòng điện (TI) tại trạm 500kV Phú Lâm
Thiết bị bay Flycam hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý vận hành kiểm tra thiết bị, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ chính xác, tin cậy cao. Có thể tiếp cận thiết bị từ xa, có thể quan sát được thiết bị trong lúc đang vận hành. Đặc biệt hơn trong công tác kiểm tra hệ thống dây thoát sét, kim thu sét định kỳ hằng năm không cần nhân lực phải lên thực tế tại các cột cổng của trạm, sử dụng Flycam để bay kiểm tra. Qua đó, rút ngắn thời gian thực hiện công việc, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, sử dụng Flycam còn kịp thời phát hiện các lỗi bất thường trên thiết bị, giúp đơn vị quản lý vận hành có hình ảnh thực tế khiếm khuyết nhằm xây dựng phương án xử lý hiệu quả, đảm bảo công tác vận hành trạm được an toàn, đẩy lùi nguy cơ sự cố trên lưới điện.

Một phần sân ngắt 200kV quan sát từ trên cao
Từ những kết quả đã đạt được cho thấy tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ Flycam vào trong công tác quản lý vận hành trạm, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch chung của Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đây cũng là công nghệ quan trọng góp phần thành công trong việc thực hiện chủ đề năm 2022 của EVNNPT “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

Điều hành viên sử dụng Flycam kiểm tra xung quanh máy biến áp (MBA) tại trạm 500kV Phú Lâm.
Lưu Bá Phích - TTĐHCM