Truyền tải điện Ninh Bình ứng dụng QR code số hóa công tác kiểm tra thiết bị trong vận hành

Thứ năm, 7/10/2021 | 09:29 GMT+7
Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Truyền tải điện (TTĐ) Ninh Bình nói riêng và Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) nói chung đã không ngừng lỗ lực tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều đề án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải điện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

Năm 2021, thực hiện triển khai nhiệm vụ với chủ đề “Chuyển đổi số trong Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia”, Truyền tải điện Ninh Bình đã nghiên cứu, áp dụng nhiều các giải pháp công nghệ vào quản lý vận hành, trong đó tiêu biểu là việc triển khai ứng dụng Google Form, sử dụng QR code trong việc quản lý thiết bị tại các TBA.

Ông Vũ Văn Lộc, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình cho biết: Với việc ứng dụng Google Form, sử dụng QR code trong công tác quản lý vận hành không chỉ giúp công nhân QLVH tại các TBA thuận tiện trong việc nắm bắt diễn biến vận hành, thông tin thiết bị, truy xuất thông tin, tình trạng vận hành thiết bị từ xa mà còn giúp Lãnh đạo đơn vị quản lý, kiểm tra được sự tuân thủ của nhân viên vận hành trong công tác kiểm tra thiết bị.

Với khối lượng quản lý vận hành 794 km đường dây (121,7 km đường dây 500kV, 672,3 km đường dây 220kV) ; 01 trạm biến áp (TBA) 500kV và 07 TBA 220kV với tổng dung lượng MBA là 5.475 MVA ( trong đó có 5/7 TBA 220kV đang vận hành chế độ không người trực), trong những năm qua, Truyền tải điện Ninh Bình luôn được Công ty đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, quản trị cũng như vận hành hệ thống lưới truyền tải điện nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị cũng như nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.

Trước đây, công tác quản lý kỹ thuật (QLKT), quản lý vận hành (QLVH) tại các TBA phải thực hiện bằng thủ công như: Ghi sổ lý lịch thiết bị, sổ thông số vận hành thiết bị, khi đi kiểm tra thiết bị phải ghi chép vào các sổ sách, biểu mẫu theo quy định. Việc ghi chép, so sánh, đối chiếu kết quả kiểm tra với các giá trị tiêu chuẩn của thiết bị tốn rất nhiều giấy, mực, thời gian, công sức và không thể tránh khỏi các sai sót, nhầm lẫn.

Khi ứng dụng QR code trong kiểm tra thiết bị, lực lượng vận hành TBA, chỉ cần sử dụng thiết bị cầm tay như điện thoại, máy tính bảng có kết nối 3G/4G, Wifi để thực hiện quét mã QR đã được dán trên thiết bị cần kiểm tra, thực hiện Check list theo đúng thiết bị được xây dựng, mã hóa thông qua ứng dụng Google Form và upload hình ảnh chụp thiết bị tại hiện trường. Toàn bộ các thông tin về kiểm tra mỗi thiết bị được tự động lưu trữ trên hệ thống (File lưu trữ riêng), rất thuận tiện trong việc phân loại, quản lý và rà soát và báo cáo thông tin khi cần thiết.

Với các thông tin dạng số như áp lực khí SF6, mức dầu, chỉ số thao tác, số lần tác động CSV… đã được lưu trữ thành dạng số nên việc thực hiện vẽ các biểu đồ thể hiện sự tăng giảm của các chỉ số được thể hiện một cách trực quan. Qua biểu đồ có thể đánh giá tình trạng làm việc của thiết bị có ổn định hay không, và đưa ra mức cảnh báo để theo dõi đưa lộ trình vào sửa chữa, góp phần đảm bảo thiết bị vận hành an toàn.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác quản lý vận hành lưới điện là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng 4.0, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và đảm bản vận hành an toàn hệ thống lưới truyền tải điện, còn góp phần cùng EVNNPT, PTC1 hoàn thành các đề án, chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ EVNNPT đã phê duyệt: (i) Đề án lưới điện thông minh của EVNNPT; (ii) Chiến lược Ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; (iii) Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của EVNNPT; (iv) Kế hoạch chuyển đổi số trong EVNNPT giai đoạn 2021- 2025./.
 

PTC1

Bình luận của bạn

Captcha image

Tin đã đưa