Công ty Truyền tải điện 2: Rà soát và củng cố công tác An toàn vệ sinh lao động, hướng tới Hội thi ATVSV giỏi Tổng công ty năm 2012.

Thứ hai, 10/9/2012 | 10:00 GMT+7
Những năm qua việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và hệ thống điện là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục của Công ty Truyền tải điện 2.  ​  
Đối với lưới điện siêu cao áp, ngoài nguy hiểm về điện trực tiếp, còn phải đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn từ điện áp cảm ứng (điện áp cảm ứng này có thể truyền từ xa tới) gây khó khăn, nguy hiểm cho việc tổ chức, thi công sửa chữa trên các Đường dây 220, 500 kV. Ngày 10 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2281/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015. Công tác An toàn vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm bảo vệ người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì vậy luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi trọng. Sắp tới, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh lao động vào ngày 12 & 13/9/2012, hoạt động này không chỉ để tìm ra các đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác An toàn vệ sinh viên, mà hơn thế nữa, đây là là đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nhằm tạo ý thức luôn đề phòng, ngăn ngừa các tai nạn lao động cho người lao động, đồng thời nâng cao trách nhiệm của từng CBCNV đối với công tác an toàn vệ sinh lao động.
 
 
anh in ATVSV (10).jpg

Các ATVSV luôn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình sửa chữa đường dây.
 
 
Công tác ATVSLĐ đã được các cấp trong Công ty Truyền tải điện 2 thường xuyên quan tâm, từ chất lượng nguồn nhân lực (đầu vào & tổ chức học tập, bồi huấn & kiểm tra sát hạch); rồi rà soát ban hành và trang bị đầy đủ các quy trình, quy phạm và quy định; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của toàn thể CBCNV về công tác ATVSLĐ. Bước lập phương án và thi công, thao tác tại hiện trường cũng luôn được quan tâm, lưu ý. Các chế độ, chính sách và bồi dưỡng ca kíp, độc hại cũng được Công ty đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt Công đoàn đã tích cực vận động CNVCLĐ tham gia làm công tác BHLĐ thông qua việc trực tiếp tổ chức chỉ đạo hoạt động màng lưới ATVSV, tổ chức phong trào thi đua " Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" qua đó đã nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về công tác BHLĐ.
 
Tuy nhiên, trong thời gian qua mặc dù khối lượng quản lý vận hành hệ thống điện vẫn liên tục tăng nhanh, nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn chung của nền kinh tế, cộng với một số quy định đã lâu (lỗi thời và cần bổ sung sửa đổi) dẫn tới một số tồn tại, khó khăn trong công tác BHLĐ, như:
 
1. Trang bị xe ôtô phục vụ di chuyển công nhân vận hành, sửa chữa ĐZ: Phần lớn xe phục vụ công nhân vận hành, sửa chữa ĐZ của Công ty Truyền tải điện 2, được trang bị từ thời chuẩn bị sản xuất ĐZ 500 kV mạch 1 (năm 1994, 1993 và trước đó), tới nay nhiều xe đã xuống cấp, hư hỏng nặng và một số xe đã hoặc sắp hết hạn lưu hành (Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng xe ôtô chở người trên 9 chỗ ngồi là 20 năm và xe có chuyển đổi công năng là 17 năm – được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe – trường hợp đặc biệt được tính từ năm đăng ký lần đầu). Số xe cũ này chưa được bổ sung, thay thế bằng xe mới. Như vậy số lượng đầu xe có thể nhiều, nhưng xe đạt chất lượng & được phép lưu hành lại ít, và nếu Đơn vị có khối lượng quản lý không thay đổi thì số lượng và chất lượng xe ngày càng giảm. Thực tế hiện tại ở các Đội là tình trạng thiếu xe chở công nhân kiểm tra và sửa chữa ĐZ, dẫn đến đã có những trường hợp công nhân đi kiểm tra tuyến hoặc sửa chữa ĐZ bằng xe máy cá nhân. Như vậy ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa ĐZ (do phải lo bảo quản xe máy; hạn chế chở dụng cụ) cũng như sức khỏe & an toàn trong quá trình di chuyển mùa mưa bão.
2. Trang thiết bị phục vụ vận hành và sửa chữa ĐZ: Hệ thống điện siêu cao áp 500 kV đưa vào vận hành từ năm 1994 đã gánh vác đúng chức năng vai trò đường trục xương sống của hệ thống điện cả nước. Qua hơn 18 năm vận hành công tác sửa chữa, bảo dưỡng, đặc biệt là căng lại độ võng dây dẫn... yêu cầu ngày càng nhiều hơn.
 
Hiện nay, trang dụng cụ để phục vụ thi công sửa chữa lớn tại Công ty Truyền tải điện 2 cũng hạn chế. Đối với thi công sửa chữa ĐZ 500 kV thường cần các dụng cụ có chịu lực lớn hơn. Trước đây nhu cầu sửa chữa ĐZ 500 kV chưa nhiều và thường tận dụng các dụng cụ hiện có (phần lớn phù hợp với thi công dây dẫn ĐZ 220 kV). Nhiều năm gần đây các trang dụng cụ thi công, sửa chữa cũng gần như chưa trang bị mới thêm, dẫn đến khi cần sửa chữa trên ĐZ 500 kV vẫn thường đấu song song nhiều trang dụng cụ chịu lực, như vậy phương án thi công sẽ khó khăn hơn, và mức độ an toàn cũng ảnh hưởng.
 
Để công tác ATVSLĐ tiếp tục ngày càng tốt hơn, ngoài bộ phận trực tiếp, vẫn cần cả bộ máy vào cuộc, tiếp tục rà soát để cũng cố và tháo gỡ dần những vướng mắc, ảnh hưởng gián tiếp tới công tác này.

 


 

Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty Tryền tải điện 2