Đoàn đánh giá độc lập (IEG) Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đánh giá hiệu quả dự án TEP

Thứ hai, 6/3/2023 | 16:00 GMT+7
Từ ngày 20 – 28/2/2023, Đoàn Đánh giá Độc lập của Ngân hàng Thế giới (Đoàn IEG) đã làm việc với các bộ, ngành, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị nhằm đánh giá dự án Hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Đoàn IEG gồm ông Ramachandra Jammi, Chuyên gia đánh giá cao cấp của IEG - Trưởng đoàn và ông Dejan Ostojic, Chuyên gia trưởng về Năng lượng, Tư vấn của IEG - Thành viên.

Đoàn làm việc tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

Đoàn IEG đã làm việc với Bộ Công Thương – Cơ quan chủ quản dự án TEP, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC), làm việc với EVNNPT, các đơn vị triển khai thực hiện dự án, các địa phương nơi có dự án TEP đi qua và người dân trực tiếp hưởng lợi/bị ảnh hưởng từ dự án TEP.

Nhiệm vụ của Đoàn IEG là triển khai đánh giá kết quả thực hiện và vận hành dự án TEP so với mục tiêu và thiết kế ban đầu nhằm xem xét: (i) những đóng góp, hỗ trợ của WB trong quá trình phát triển của Việt Nam, chứng minh hiệu quả của phần vốn đã giải ngân và đánh giá những nỗ lực liên tục của WB nhằm cải tiến chất lượng cho vay và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; (ii) những thiếu sót cần khắc phục, các bài học kinh nghiệm rút ra để áp dụng cho các dự án trong tương lai.

Sau các buổi làm việc với Bộ Công Thương và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty và đại diện các Ban chức năng của EVNNPT, cũng như các đơn vị được giao thực hiện dự án TEP. Các nội dung Đoàn nêu ra để thảo luận, đánh giá với EVNNPT gồm: Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải pháp để vượt qua; các lý do chính để EVNNPT thực hiện dự án TEP thành công và hiệu quả; những bài học thu được trong quá trình triển khai thực hiện dự án; mục tiêu, kế hoạch và nhu cầu của EVNNPT đối với những tài trợ tiếp theo của WB trong thời gian tới.

Trong chương trình đánh giá lần này, đoàn IEG đã làm việc với các đơn vị thực hiện dự án TEP và đi thực địa một số trạm biến áp và đường dây truyền tải được xây dựng và hoàn thành trong dự án TEP, gồm: Trạm biếp áp 500 kV Tây Hà Nội, Đường dây 220 kV Hòa Bình – Tây Hà Nội, Trạm 500 kV Tân Uyên, Trạm 500 kV Phú Lâm, Trạm 220 kV Phước An, Đường dây 220 kV Quảng Ngãi – Quy Nhơn.

Nhìn chung, dự án TEP được WB và EVNNPT đánh giá là một trong số những dự án thành công nhất về giá trị khoản vay (500 triệu USD từ WB) với số tiểu dự án lớn (24 tiểu dự án) và thời gian chuẩn bị ngắn (14 tháng). Dự án kết thúc với kết quả tổng thể đạt mức Hoàn thành cao, hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra và tiết kiệm chi phí thực hiện (khoảng 160 triệu USD) do hiệu quả trong công tác lập kế hoạch, đấu thầu và quản lý hợp đồng của các Ban QLDA được giao thực hiện Dự án.

Đoàn phỏng vấn nhân viên trạm biến áp

Qua làm việc với đơn vị và đi thực địa, nhận xét ban đầu của đoàn IEG là dự án TEP được thực hiện hiệu quả, thành công, đạt được toàn bộ các mục tiêu ban đầu đề ra, các tiểu dự án đều hiện đang vận hành tốt, góp phần truyền tải công suất điện năng trên hệ thống truyền tải điện của Việt Nam.

Kết thúc chuyến công tác, đoàn IEG sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá chi tiết, gồm các điểm mạnh, điểm yếu, các khuyến nghị cải tiến để gửi các bên liên quan nhằm xem xét, áp dụng cho các dự án vay vốn ODA trong thời gian tới./.

Dự án TEP có tổng vốn vay WB là 500 triệu USD, Hiệp định vay dự án ký ngày 12/11/2014, kết thúc ngày 31/12/2021 sau khi được gia hạn 02 năm. Mục tiêu dự án nhằm tăng cường hiệu quả kỹ thuật và vận hành của EVNNPT trong việc cung cấp các dịch vụ truyền tải điện tin cậy, hiệu quả và tiết kiệm chi phí ở Việt Nam.

Dự án gồm 03 cấu phần:

- Cấu phần 1: Xây dựng hệ thống đầu tư lưới điện truyền tải;

- Cấu phần 2: Phát triển Lưới điện thông minh;

- Cấu phần 3: Nâng cao năng lực và tăng cường thể chế.

Các kết quả chính của dự án gồm: Xây dựng mới cơ sở hạ tầng truyền tải điện, bao gồm các đường dây và trạm biến áp ở cấp điện áp 220 kV và 500 kV ở các khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; các hệ thống bảo vệ và điều khiển của 05 trạm 500 kV và 10 trạm 220 kV hiện hữu được hiện đại hóa, tích hợp hệ thống máy tính và sử dụng hệ thống cáp quang, thay thế các rơle trung gian trong các trạm biến áp cũ hiện có bằng các rơle kỹ thuật số thế hệ mới và lắp đặt hệ thống điều khiển máy tính thay cho công nghệ truyền thống cũ; năng lực quản lý, tài chính, kỹ thuật của EVNNPT được nâng cao.

 

Một số hình ảnh:

Đoàn thăm TBA 220 kV Phước An

Đoàn thăm TBA500 kV Tây Hà Nội

Đoàn thăm TBA 500 kV Tân Uyên

Nguyễn Thị Anh - Ban QHQT