Lưới điện 500kV Bắc - Nam tiếp tục phải truyền tải cao

Thứ ba, 17/1/2023 | 09:56 GMT+7
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, năm nay Tổng công ty đặt mục tiêu sản lượng điện truyền tải khoảng 217,8 tỷ kWh, tăng 2,97% so với thực hiện năm 2022.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất đối với các dự án truyền tải điện

Theo đánh giá của EVNNPT, lưới điện 500kV Bắc - Nam tiếp tục phải truyền tải cao trong các năm tiếp theo.

Trong khi đó, lưới truyền tải điện nhiều nơi còn chưa đáp ứng tiêu chí N-1; tình trạng vi phạm hành lang lưới điện truyền tải vẫn diễn ra rất phức tạp và khó lường. Việc ứng dụng công nghệ tự động hoá và công nghệ thông tin trong vận hành vẫn còn hạn chế.

Nguồn nhân lực đặc biệt là các công nhân lành nghề làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có xu hướng già hóa; hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư và phát triển của EVNNPT tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn; thủ tục đầu tư xây dựng quá phức tạp, nhiều khâu kéo dài; rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như biến động tỷ giá ngoại tệ, chính sách tín dụng, tiền tệ...

Để đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục và ổn định, EVNNT cho biết sẽ tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp (TBA), đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải cao nhằm đảm bảo cung cấp điện trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Cùng với chủ động phát hiện, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng, Tổng công ty còn tiếp tục triển khai các biện pháp toàn diện và quyết liệt nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố, cháy nổ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến đường dây cao áp, đảm bảo an toàn môi trường trong quản lý vận hành và đầu tư xây dựng; Tăng cường quản lý kỹ thuật; tập trung xử lý các khiếm khuyết về chất lượng đối với các công trình lưới điện truyền tải. Đặc biệt, đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố.

Tổng công ty còn tiếp tục triển khai các biện pháp toàn diện nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố

Song song với đó, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh, vệ sinh hotline, định vị sự cố, giám sát trực tuyến thiết bị chính, flycam và phân tích hình ảnh bằng AI, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết kế phòng cháy chữa cháy các TBA 220-500kV, ... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động.

Năm nay, Tổng công ty sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành quy định thông số kỹ thuật của các thiết bị chính đang vận hành trên hệ thống truyền tải điện. Đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá chất lượng các thiết bị đang vận hành, làm cơ sở để xem xét có hình thức xử lý các nhà sản xuất thiết bị kém chất lượng. 

EVNNPT cũng xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị theo tình trạng vận hành (CBM) nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện.

Mặt khác, tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng thiết kế và chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp và đường dây. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị đưa lên lưới điện truyền tải. 

EVNNPT cho biết, trong năm 2022, Tổng công ty đã vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 211,47 tỷ kWh, tăng 5,28% so với năm 2021. 

Tổn thất điện năng năm 2022 đạt 2,54%, tăng 0,25% so với năm 2021, cao hơn 0,39% so với chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.

Nguyên nhân chính làm tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải là do khai thác cao các nguồn điện giá rẻ (nguồn thủy điện Tây Bắc, miền Trung và nguồn năng lượng tái tạo) trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (than, dầu, khí), dẫn đến truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, miền Nam làm tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện.

Trong năm, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật và vận hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện.

Mặt khác, công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, thí nghiệm định kỳ đã được Tổng công ty triển khai thực hiện ngay từ những tháng cuối năm 2021 để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, ổn định trong năm 2022.  

Cũng trong năm 2022, EVNNPT đã tập trung xây dựng và triển khai các phương án vận hành linh hoạt, chủ động các tình huống khi có tình hình lây lan dịch bệnh cũng như khi có sự cố, thiên tai bão lũ.

Trong đó, đã xây dựng, triển khai 5 nhóm giải pháp chính để giảm sự cố trong tất cả các lĩnh vực, từ quản lý đến thiết bị đường dây, TBA, từ khâu đầu tư đến khâu vận hành, đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tính tuân thủ, kỷ luật trong vận hành, công tác, thao tác. 

Tổng công ty cũng xây dựng, triển khai 5 nhóm giải pháp chính để giảm tổn thất điện năng từ quản lý đến vận hành và đầu tư lưới điện truyền tải, ứng dụng công nghệ mới. 

Về ổn định điện áp, trong bối cảnh nhu cầu phụ tải phục hồi sau đại dịch, thiếu nguồn tại miền Bắc cần huy động cao nguồn tại miền Trung, EVNNPT đã rà soát, điều động các dàn tụ tại miền Nam và huy động tối đa các dàn tụ dự phòng để lắp đặt, đưa vào vận hành 426 MVAr tụ bù ngang trước ngày 30/4/2022, vượt kế hoạch Tập đoàn giao, đảm bảo vận hành ổn định lưới điện và độ tin cậy cấp điện trong năm 2022./.

(Theo Bnews.vn)

Mai Phương/BNEWS/TTXVN