PTC1: Chủ động phòng chống mưa bão năm 2021 trong điều kiện dịch COVID-19 diến biến phức tạp

Thứ bảy, 11/9/2021 | 20:00 GMT+7
Đã vào mùa mưa bão năm 2021, trước mắt theo dự báo cơn bão CONSON sẽ đổ bộ vào miền trung nước ta, trong đó sẽ có ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành lưới điện do công ty quản lý. Cùng với đó tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Chính vì vậy, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã xây dựng các phương án như thế nào để chủ động ứng phó. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Xuân Khôi - Phó giám đốc PTC1, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa ông, cơn bão CONSON năm nay dự báo có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến lưới điện truyền tải ạ?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Sự tương tác của cơn bão Chanthu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines, khiến hướng đi của bão CONSON trở nên khó lường. Đến chiều tối hôm qua (ngày 10/9) đã có 32 mô hình, 100 phương án dự báo. So với dự báo trước đó, hướng đổ bộ của bão CONSON thay đổi đáng kể. Thay vì quét qua đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ, hình thái này đi thấp xuống phía dưới và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó có phạm vi lưới truyền tải điện do PTC1 quản lý.

Về sức mạnh của cơn bão: Bão số 5 (bão CONSON) mạnh cấp 10 (90 – 100 km/giờ), giật cấp 13, đang hướng về phía đất liền các tỉnh khu vực miền Trung. Đối với khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia hoàn lưu bão gây mưa to từ ngày 12 đến 14/9, với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250 mm/đợt.

Sức gió cùng với hoàn lưu bão gây ra tình trạng mưa lớn trên diện rộng khu vực miền Trung và vịnh Bắc bộ với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm có thể gây ra nguy cơ sạt lở các vị trí móng cột của các đường dây 220 - 500 kV trên khu vực lưới truyền tải điện do PTC1 quản lý, đe dọa sự đảm bảo an toàn vận hành của lưới TTĐ, đặc biệt là các tuyến đường dây 500 kV kết nối Bắc - Nam mạch 1,2, các tuyến đường dây 500 kV kết nối các nguồn điện lớn gây gián đoạn cung cấp điện như nhiệt điện Vũng Áng, nhiệt điện Nghi Sơn...

Sự xuất hiện của cơn bão này trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành và một số địa phương nơi có lưới truyền tải điện đi qua đang bị dãn cách hoặc dãn cách một phần sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác ứng phó làm giảm nhẹ thiệt hại, ảnh hưởng của thiên tai cũng như công tác xử lý khắc phục sự cố.

TBA 500 kV Hà Tĩnh chủ động phòng chống bão CONSON

Phóng viên: PTC1 đã có kịch bản như thế nào để ứng phó, bảo vệ lưới điện an toàn tại các tỉnh dự kiến ảnh hưởng trước mắt của CONSON cũng như các cơn bão tiếp theo của mùa mưa bão năm 2021, thưa Ông?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Việc thiên tai xảy ra đúng thời điểm vào giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhất. Chúng tôi xác định khó khăn sẽ tăng lên gấp 2 lần khi vừa đảm bảo an toàn cho CBCNV, vừa đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.

- Thứ nhất: Để chuẩn bị ứng phó, PTC1 đã xác định rõ các rủi ro cụ thể có thể gây ra cho lưới truyền tải điện là vấn đề cột bị lún, sạt lở (Như năm 2018 khu vực lưới điện khu vực Tây Bắc do PTC1 quản lý đã có 28 vị trí cột đã bị sạt trượt, gần đây năm 2020 bị 14 vị trí sạt trượt do ảnh hưởng của thiên tai; đến nay các vị trí này đã được khắc phục hoàn hoàn toàn). Theo đó kiểm tra đánh giá lại các vị trí đã bị sạt trượt trên các vị trí tuyến đường dây hiện nay đã được chằng néo theo phương án ứng phó tạm (TTĐ Tây Bắc 2), các vị trí có nguy cơ sạt trượt để triển khai gia cố, chằng néo, chằng néo bổ sung…

- Thứ hai: Thực hiện khơi thông hệ thống thoát nước, đào rãnh thoát nước mới (nếu cần) để lái dòng chảy không để dòng chảy hướng vào móng cột và các vị trí đã bị sạt lở (đặc biệt các vị trí nằm trên sườn núi cao và nằm trên taluy dốc đứng). Kiểm tra toàn bộ hành lang tuyến đường dây nơi có các công trình mái tôn, vật bay, cây cao nguy hiểm có nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện cao áp gây sự cố. Đặc biệt đối nhà, công trình vi phạm hành lang đường dây 500 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, cây cao nguy hiểm khu vực TTĐ Đông Bắc 1, Đông Bắc 3, Hòa Bình… dưới sự chỉ đạo của Công ty, đến hết tháng 6/2021, hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là các đường dây 500 kV, đã được chặt tỉa phát dọn đảm bảo an toàn vận hành, tránh các nguy cơ khi có gió bão xảy ra.

- Thứ ba: Tại các trạm biến áp (TBA) có nguy cơ bị ngập úng đã cải tạo hệ thống thoát nước, tăng cường hệ thống máy bơm chống úng như tại các TBA 220 kV Đình Vũ, Đồng Hòa, Phố Nối, Hà Đông; công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị đã được hoàn thành trước ngày 31/5/2021 và hiện đang triển khai kế hoạch thí nghiệm định kỳ năm 2022. Kiểm tra độ kín, khít của các tủ điều khiển, đấu nối, tủ trung gian… tại các rơ le nội bộ máy biến áp (rơ le hơi, áp lực, dòng dầu, đồng hồ đo nhiệt độ…) có khả năng bị mưa hắt, ẩm xâm nhập… để thực hiện ngay các biện pháp gia cố che chắn, khắc phục. Gia cố chằng nẹp nhà điều khiển, kho tàng, cửa kính, mái tôn... tại các TBA. Kiểm tra xử lý các nhà, công trình mái tôn, vật bay… xung quanh trạm có nguy cơ bay vào trạm gây sự cố khi có gió, bão. Chặt tỉa cây xanh, cây cao (trên taluy dương) và thu dọn các vật bay trong khuôn viên trạm. Dự phòng đầy đủ nhiên liệu, vật tư… có biện pháp cất giữ tài sản, giấy tờ khi có mưa, lũ, lụt nước dâng.

- Thứ tư: Các đơn vị thường xuyên kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc như: Hệ thống bộ đàm cầm tay, các loại điện thoại đã được trang bị, hệ thống truyền dẫn thông tin tại trạm… đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống thiên tai xảy ra. Đặc biệt đối với điện thoại vệ tinh đã được trang bị và lắp đặt tại một số khu vực trọng yếu (Trạm 500 kV Vũng Áng, Trạm 220 kV Bảo Lâm, các Đội TTĐ Tuần Giáo, Mục Sơn, Nghệ An) cần kiểm tra thường xuyên và đặt tại nơi có sóng để sẵn sàng liên lạc, điều động khi cần thiết.

- Thứ năm: Công tác chuẩn bị cho phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) được PTC1 chuẩn bị từ tháng 3 năm 2021, cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp Công ty, cấp đơn vị đồng thời tập chung chỉ đạo và thực hiện xây dựng phương án PCTT&TKCN từ cấp đơn vị tới Công ty, xây dựng phương án kịch bản ứng phó theo các cấp rủi ro thiên tai. Giao các đơn vị trực thuộc mỗi đơn vị tổ chức xây dựng 2 kịch bản: Phương án ứng phó đặc thù với các tình huống khi cột bị nghiêng lún và phương án khi địa hình bị chia cắt không thể tiếp cận do dãn cách xã hội, do sạt lở đường giao thông, trạm không người trực, bán người trực, trạm ngập úng… Trong các kịch bản phương án yêu cầu thể hiện rõ việc điều động nhân lực, thiết bị, vật tư, thuốc men, đồ bảo hộ,… Cùng với đó chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đánh giá các vị trí xung yếu khó tiếp cận khi mưa, lũ xảy ra, các vị trí nằm trên địa hình, khu vực địa chất yếu…trên cơ sở theo dõi hằng năm để tiến hành xử lý gia cố, xử lý chằng néo, đào rãnh thoát nước lái dòng chảy…

Kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại TBA 500 kV Hà Tĩnh

Phóng viên: Trong bối cảnh thách thức kép đến từ thiên tai và cả dịch COVID-19 hiện nay, Công ty đưa ra những giải pháp nào vừa đảm bảo vận hành an toàn hệ thống TTĐ vừa thực hiện tốt công tác chống dịch?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Do tình hình dịch bệnh phức tạp, dưới dự chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNPT), PTC1 đã triển khai các TBA nằm trong vùng dịch trực tại chỗ 100% quân số, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý người lao động nhưng dưới sự động viên chia sẻ của Ban giám đốc Công ty, tổ chức Công đoàn động viên anh em giữ vững tâm lý tổ chức tốt công tác vận hành tại các TBA, các đội TTĐ.

PTC1 đã chủ động chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 cho 90% cán bộ nhân viên Công ty, đặc biệt là gần 100% các cồng chí công nhân trực tiếp quản lý đường dây, các đồng chí nhân viên vận hành TBA (trừ một số đồng chí có bệnh nền đang theo dõi khi đủ điều kiện sẽ tiến hành tiêm).

Các đơn vị cũng đã lập danh sách, phương án các nguồn lực, phương tiện, vật tư và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế, xịt khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế... cần thiết để kiểm tra, xử lý sự cố trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với các Đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp của bão yêu cầu tổ chức trực tập trung 100% quân số cùng đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện. Bổ sung kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19 và có trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Tất cả các công trình thi công xây dựng, đơn vị thi công đều xây dựng phương án phòng chống COVID-19 và thực hiện nghiêm túc dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của đơn vị vận hành.

Để ứng phó với nguy cơ bão chồng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc, gây tác động trực tiếp đến lưới truyền tải điện thuộc PTC1 quản lý, PTC1 đã có Quyết định Thành lập đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với cơn bão CONSON, theo đó Công ty đã chỉ đạo các đơn vị:

- Thường xuyên theo dõi thông tin về cơn bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp, không được để chủ quan bị động trong công tác chuẩn bị, công tác ứng phó phòng chống bão.

- Tổ chức triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) theo phương án được duyệt. Tiếp tục triển khai các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Công ty tại các văn bản số 4261/PTC1-AT ngày 20/8/2021, số 4407/PTC1-AT ngày 26/8/202, số 4691/PTC1-AT ngày 07/9/2021 về việc kiểm tra, rà soát thực hiện hoàn tất các công việc chuẩn bị PCTT&TKCN.

- Thực hiện công tác chủ động ứng phó với bão CONSON và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 theo công điện số 3626/CĐ-EVNNPT ngày 09/9/2021 và các chỉ đạo của cấp trên.

- Các đồng chí Giám đốc các đơn vị chỉ đạo rà soát, quán triệt và hoàn tất khối lượng công việc để sẵn sàng ứng phó với bão CONSON (Chanchu), mưa lớn, lũ quét và sạt lở; ,iểm tra, nghiêm túc chấn chỉnh các đội, trạm, các cá nhân chưa thực hiện hết trách nhiệm, nhiệm vụ và khối lượng công việc phòng chống bão theo chỉ đạo của Công ty, của đơn vị.

- Lập danh sách, phương án các nguồn lực, phương tiện, vật tư và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế, xịt khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế... cần thiết để kiểm tra, xử lý sự cố trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với các Đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp của bão yêu cầu tổ chức trực tập trung 100% quân số cùng đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện. Bổ sung kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19 và có trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Kiểm tra vật tư dự phòng phục vụ phòng chống mưa bão năm 2021

Phóng viên: Được biết cơn bão CONSON sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các công trình điện thuộc PTC1 quản lý, Công ty có những phương án chỉ đạo gì tiếp theo?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Ngay sau các đợt mưa, bão, lũ dứt, các đơn vị chỉ đạo kiểm tra ngay các vị trí móng cột có nguy cơ sạt trượt, xung yếu, ngập úng, các vị trí cây cao nguy hiểm, vật bay… để kịp thời phát hiện, xử lý sẵn sàng chuẩn bị cho các đợt mưa, bão, lũ tiếp theo.

Nghiêm túc phổ biến clip trong thư viện tài liệu E.doc (phần tài liệu an toàn của Công ty) đến toàn bộ CBCNV biết các kỹ năng phòng, tránh trú bão, sạt lở đất đá… khi đi kiểm tra, xử lý sự cố các tuyến đường dây, TBA đảm bảo tuyệt đối an toàn về con người trong quá trình thực hiện công việc.

Hệ thống thông tin liên lạc phải được kiểm tra và đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống.

Theo dõi sát diễn biến của thời tiết, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các chỉ đạo tiếp theo của cấp trên để tổ chức thực hiện. Đảm bảo tốt công tác ứng phó 4 tại chỗ, nắm bắt nhanh những bất thường trên lưới điện, báo cáo nhanh về Công ty trước 7h00 hằng ngày và thực hiện các chế độ báo cáo, cập nhật các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đơn vị vào Trang thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: http://phongchongthientai.evn.com.vn) trước 7h00 và 14h30 hàng ngày./.

Xin cảm ơn Ông!

Một số hình ảnh:

Chủ động chuyển các bao cát lên mái tôn tránh bay mái tôn khi có mưa bão tại TBA 500 kV Vũng Áng

Đoàn công tác PTC1 kiểm tra công tác an toàn công trình đang thi công trong TBA 500 kV Hà Tĩnh

Đoàn kiểm tra phương án phòng chống mưa bão tại TBA 500 kV Hà Tĩnh (TTĐ Hà Tĩnh)

Mạnh Hùng