PTC2: Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với Bão Côn Sơn

Thứ sáu, 10/9/2021 | 23:37 GMT+7
Ngay sau khi nhận được dự báo Bão Côn Sơn sẽ đi vào biển Đông và có nhiều diễn biến phức tạp. Chiều ngày 08/9/2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) tổ chức họp trực tuyến để triển khai khẩn trương các biện pháp ứng phó dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Duy Dũng – Phó Giám đốc Công ty, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN.

Tham gia cuộc họp gồm các thành viên Ban chỉ đạo Công ty, lãnh đạo các Truyền tải điện trực thuộc và các cán bộ có trách nhiệm liên quan.

Trước diễn biến khó lường của Cơn bão số 5 (Côn Sơn) trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước nói chung và các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Lãnh đạo PTC2 yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt, nghiêm túc nội dung các văn bản 3297/PTC2-KT ngày 6/9/2021, văn bản 3307/PTC2-AT ngày 7/9/2021 của Công ty Truyền tải điện 2 về triển khai các biện pháp, phương án thực hiện nhiệm vụ kép về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đợt mưa bão, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 an toàn.

Lực lượng QLVH kiểm tra bảo dưỡng, che chắn bảo vệ các thiết bị tại các TBA.

Theo đó, Lãnh đạo Công ty chỉ đạo các bộ phận liên quan tại Cơ quan Công ty và đơn vị trực thuộc bắt tay vào thực hiện ngay các nhiệm vụ công tác cấp thiết để chủ động ứng phó với bão Côn Sơn, gồm các công việc:

- Phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển phục vụ công tác PCTT và TKCN trong điều kiện dịch bệnh. Triển khai trực sản xuất theo nguyên tắc 4 tại chỗ, đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh COVID 19; rà soát và củng cố lại toàn bộ danh mục vật tư, thiết bị, dụng cụ hiện có, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện trang bị cứu sinh, ca nô, lều bạt, nhu yếu phẩm, sẵn sàng đưa vào sử dụng; kiểm tra đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc tốt trong khi xảy ra thiên tai. Tăng cường tối đa ứng dụng công nghệ trong QLVH như camera, flycam và ứng dụng các phần mềm để quản lý, điều hành, giám sát và trao đổi công việc như D-office, E-mail, Zalo …. Chuẩn bị các phương án tổng thể và chi tiết để áp dụng hiệu quả trong từng tình huống nhất định, tránh bị động về việc chuẩn bị các điều kiện phòng chống bão. Tổ chức gia cố, chằng chống nhà cửa trụ sở, kho tàng đảm bảo khô ráo, an toàn khi mưa bão xảy ra;

- Đối với công tác quản lý vận hành đường dây: Xây dựng phương án bố trí quân khi bão đổ bộ tại các điểm có nguy cơ bị chia cắt. Đảm bảo tốt việc kết nối thông tin liên lạc thông qua bộ đàm, các mạng di động, lực lượng bảo vệ hợp đồng địa phương, các nhóm công tác trên tuyến, chính quyền và nhân dân địa phương. Chuẩn bị đầy đủ vật tư phương tiện dụng cụ sẵn sàng công tác xử lý khi xảy ra sự cố do mưa bão. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng những vật tư thiết yếu trong công tác sử lý sạt lở: bạt che, rọ lưới thép...; kiểm tra tình trạng thực tế móng cột, mương thoát nước, tổ chức theo dõi thường xuyên, đặc biệt là các vị trí xung yếu. Rà soát, kiểm tra theo dõi chặt chẽ các vị trí sạt lở của mùa mưa bão 2020 đã được xử lý, có biện pháp gia cố tăng cường khi có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tổ chức xử lý chặt, tỉa ngay các cây cao trong và ngoài hành lang tuyến có nguy cơ ngã đổ vi phạm khoảng cách gây sự cố trước khi bão đổ bộ; tổ chức kiểm tra kỹ, đánh giá các hư hỏng khiếm khuyết trên đường dây (hư hỏng dây, phụ kiện...) đã phát hiện và có phương án khắc phục tạm nếu thấy cần thiết; liên hệ, giao kết sẵn sàng với các lực lượng tại chỗ trên địa bàn (lực lượng bảo vệ đường dây, các đơn vị thi công của nhà thầu xây lắp, lực lượng vũ trang…) sẵn sàng phối hợp xử lý tình trạng xảy ra sự cố ngoài khả năng ứng phó.

- Đối với công tác quản lý vận hành các trạm biến áp: Kiểm tra lại toàn bộ các tủ bảng, hộp nối dây ngoài trời đảm bảo độ kín, chống thấm nước vào bên trong tủ. Chuẩn bị các túi bạt phù hợp với tủ đấu dây để sẵn sàng che chắn mưa bão; kiểm tra khơi thông hệ thống mương, kè thoát nước chống ngập úng, sạt lở, đảm bảo tiêu thoát nước nhanh khi mưa lớn, kéo dài. Kiểm tra thoát nước, chống ẩm hệ thống mương cáp 22 kV, tủ phân phối 22 kV, 10 kV... Chằng chống cửa kính của các khu nhà làm việc, nhà vận hành, nhà kho, nhà tập thể đảm bảo chắc chắn, không để bị tốc mái, hỏng cửa kính, hắt nước vào các tủ điều khiển, bảo vệ. Lưu ý thực hiện ngay các biện pháp chống ẩm trong tủ phân phối trung thế và hộp đầu cáp. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn tại các trạm biến áp có thi công mở rộng. Tổ chức che chắn, chằng buộc đảm bảo không để nguyên vật liệu, phương tiện thi công gây ảnh hưởng đến vận hành; kiểm tra, sửa chữa khắc phục hư hỏng hệ thống sấy, chiếu sáng các tủ đấu dây ngoài trời, chiếu sáng mặt bằng trạm; kiểm tra xử lý chằng chống bão hệ thống pin mặt trời, các mái che bể PCCC tại các trạm biến áp. Thực hiện tổ chức duy trì trực vận hành tại chỗ đối với các trạm biến áp không người trực để ứng phó với tình hình mưa bão.

Tình hình Cơn bão được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, PTC2 đã và đang khẩn trương thực hiện các phương án cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với Cơn bão, đảm bảo an toàn cao nhất về người và tài sản, quyết tâm giữ vững hệ thống truyền tải điện Quốc gia vận hành an toàn, ổn định, liên tục. Đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kép: VỪA CHỐNG BÃO – VỪA CHỐNG DỊCH an toàn./.

Một số hình ảnh lực lượng QLVH kiểm tra bảo dưỡng, che chắn bảo vệ các thiết bị tại các TBA:

PTC2