Truyền tải điện Miền Tây 2 ứng dụng hiệu quả cách mạng KHCN 4.0 trong hoạt động sản xuất

Thứ ba, 30/5/2023 | 10:00 GMT+7
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô hạn, trong khi khả năng đó ở con người thường chỉ có trong thời gian giới hạn. Hiện nay, các công nghệ trong ngành Điện nói chung và công nghệ đang áp dụng tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là công nghệ tiên tiến trên thế giới. Truyền tải điện Miền Tây 2 (thuộc Công ty Truyền tải điện 4) đã thực hiện triển khai, quán triệt đến toàn bộ tập thể CBCNV những hiệu quả và lợi ích mang lại của cuộc cách mạng KHCN 4.0. Qua đó đơn vị đã có những bước chuyển mình trong công tác quản lý vận hành nhờ thực hiện hiệu quả các ứng dụng khoa học và công nghệ.

 Bên cạnh nhiệm vụ chính là quản lý vận hành lưới điện an toàn, liên tục, tin cậy, giảm tổn thất điện năng, TTĐ Miền Tây 2 còn thực hiện cải tiến công nghệ, số hóa để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa lưới điện và trí tuệ nhân tạo, đã được ứng dụng, triển khai trên toàn diện.

Công tác quản lý tại TTĐ Miền Tây 2 tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, thay đổi phương thức làm việc, từ thủ công sang “số hóa”. Xây dựng hệ thống số hóa trên nền tảng các ứng dụng của GOOGLE (google drive, google sheet, google form, google lịch, google photo…), cũng như qua các phần mềm dùng chung như Smart EVN, IMIS, eCSL, ERP, HRMS, PMIS, MDMS, …giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc trong công tác văn thư lưu trữ, quản lý dự án, sửa chữa lớn, quản lý tài chính kế toán, quản lý nhân sự và quản lý kỹ thuật. TTĐ Miền Tây 2 đã thành lập Tổ Công nghệ cao thuộc Đội TTĐ Vĩnh Long.

Cập nhật lý lịch thiết bị trên phần mềm PMIS.

Theo dõi thông số vận hành, sản lượng giao nhận trên phần mềm MDMS.

Thực hiện CBM cho phân hệ máy cắt 220kV.

Trong công tác QLVH trạm biến áp, công nghệ 4.0 mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ứng dụng KHCN được các tổ thao tác lưu động và trạm biến áp đẩy mạnh vào công tác vận hành như: hệ thống SCADA-EMS, hệ thống giám sát dầu online, hệ thống định vị sự cố,…Một điển hình ứng dụng khoa học công nghệ mang đến hiệu quả tích cực trong quản lý vận hành trạm biến áp là ứng dụng chương trình quản lý kỹ thuật PMIS. Phần mềm này được xây dựng với giao diện khá thân thiện với người dùng, dễ dàng cập nhật các thông số vận hành giúp việc xuất báo cáo trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Hiện tại, các trung tâm vận hành và các trạm đang tiếp tục rà soát và số hoá các tài liệu kỹ thuật, bản vẽ hoàn công, biên bản thí nghiệm, test-report cập nhật hoàn tất lên chương trình PMIS để thực hiện công tác CBM theo dõi tình hình chất lượng thiết bị, từ đó lên kế hoạch kiểm tra, thí nghiệm định kỳ, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn và hiệu quả. Ứng dụng PMIS còn là một cuộc cách mạng chuyển đổi việc ghi nhật ký ca trực bằng giấy sang thực hiện sổ nhật ký vận hành điện tử, từng bước nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất lao động cho công tác quản lý vận hành trạm biến áp.  Sử dụng các tiện ích có sẳn trên Hệ thống quản lý và thu thập dữ liệu đo đếm (MDMS) để thực hiện các báo cáo một cách chính xác, hiệu quả, rút ngắn thời gian giải quyết công việc khi chốt công tơ, tính toán tổn thất,…

Từ các khóa học được tích hợp qua phần mềm E-Learning, các lớp tập huấn ứng dụng các phần mềm mới, tập thể nhân viên vận hành trạm đã thực hiện thuần thục các ứng dụng được Công ty triển khai cho trạm, trung tâm vận hành như: cập nhật và khai thác sử dụng dữ liệu trên Hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS); phần mềm Quản lý thí nghiệm thiết bị. Các tổ thao tác lưu động, trạm đang triển khai sử dụng phần mềm iStation System (Kiểm tra trạm biến áp). Thông qua phần mềm các số liệu được cập nhật trực tiếp lên hệ thống giúp giám sát kiểm tra dễ dàng và thuận tiện tiết kiệm sức lao động cho điều hành viên. Định hướng sắp tới TTĐ Miền Tây 2 sẽ tiếp tục học ứng dụng các đề tài công nghệ mới: dùng UAV kiểm tra thiết bị trạm, robot kiểm tra sân ngắt,…

Trong công tác quản lý vận hành đường dây, đơn vị đã thành công áp dụng các công nghệ Flycam, UAV, lắp đặt camera tại các vị trí trọng điểm về HLAT,…. phục vụ công tác quản lý vận hành đường dây: kiểm tra kiểm tra phụ kiện trên lưới; kiểm tra, chụp ảnh, sứ Compostie, kiểm tra phụ kiện dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang; kiểm tra cột vượt sông; kiểm tra nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang; các khu vực có nguy cơ cao về cháy trong và gần hành lang lưới điện,…

Việc ứng dụng Flycam vào công tác QLVH đem đến nhiều lợi ích, tiết kiệm được sức người, thời gian và hiệu quả, qua đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ không đảm bảo vận hành như: dây chống sét bị rỉ sét đường dây 500kV Duyên Hải – Mỹ Tho, 220kV Duyên Hải – Trà Vinh; dây chống sét bị rỉ sét trạm 220kV Bến Tre, phụ kiện dây chống sét bị rỉ sét trạm 220kV Mỏ Cày,…

Ngoài ra, TTĐ Miền Tây 2 còn sử dụng Flycam nghiệm thu dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang, phụ kiện,… công trình xây dựng đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa, 500kV Sông Hậu – Đức Hòa; nghiệm thu công trình thay dây siêu nhiệt đường dây 220kV Mỹ Tho – Bến Tre,… Các đội TTĐ ứng dụng thông tin dữ liệu sét trên trung tâm điều hệ thống điện quốc gia được các đội trạm của đơn vị sử dụng hiệu quả, góp phần phán đoán chính xác, khoanh vùng sự cố do sét đánh. Lắp đặt các Camera giám sát tại các vị trí giao chéo, khu vực trọng yếu, những vị trí có nguy cơ xâm phạm hành lang để kịp thời ngăn chặn những nguy cơ gây sự cố, thuận tiện cho quá trình giám sát, tối ưu nhân lực. TTĐ Miền Tây 2 cũng đã phối hợp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức thành công lớp “Trí tuệ nhân tạo AI” cho cán bộ công nhân viên. Từ đó tiến tới phân tích khuyết tật trên đường dây thông qua các bức ảnh chụp từ flycam, UAV mang lại hiệu quả trong công tác quản lý vận đường dây.

Triển khai sử dụng thiết bay UAV kiểm tra đường dây

Trong năm 2023, TTĐ Miền Tây 2 tiếp tục ứng dụng thêm nhiều tiến bộ công nghệ mới trong công tác quản lý vận hành như: Học hỏi và sử dụng hiệu quả công nghệ UAV chụp ảnh phân tích, phun lửa đốt dị vật trên đường dây trong công tác kiểm bảo dưỡng đường dây. Nghiên cứu sử dụng xe ra dây bằng động cơ tiết kiệm sức lao động. Sử dụng camera AI để giám sát các tuyến đường dây truyền tải điện đặc biệt quan trọng được giám sát và sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ phát hiện nguy cơ mất an toàn trong hành lang tuyến, sạt lở móng cột trên lưới truyền tải điện: đang triển khai dự án lắp đặt camera nhiệt cho TBA 500kV Mỹ Tho và dự án lắp đặt camera AI cho các đường dây 220kV và 500kV trong năm 2023. Học hỏi và ứng dụng xe bôi mỡ dây chống sét vùng ven biển và bay UAV xịt sứ cách điện cho lưới điện TTĐ Miền Tây 2 (đề tài nghiên cứu khoa học của TTĐ Miền Đông 2): Ứng dụng cho các tuyến đường dây Duyên Hải đi Trà Vinh, Mỏ Cày, Mỹ Tho. Nghiên cứu ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, dây dẫn tổn thất thấp cho các đưởng dây có phụ tải cao,...Học hỏi đề tài nghiên cứu dùng UAV kiểm tra thiết bị trạm biếp biến áp, kiểm tra sân ngắt. Ứng dụng công nghệ AI phân tích khuyết tật các tiết bị trạm biến áp bằng hình ảnh…

Ngoài ra TTĐ Miền Tây 2 còn phối hợp với Công ty Truyền tải điện 4, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật 4 (NPTS) thực hiện tổ chức đào tạo các lớp do các chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu thuộc NPTS thực hiện như: Tự động hóa trong trạm biến áp; Công tác thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị nhất thứ, nhị thứ, đo lường trạm biến áp; Đánh giá số liệu thí nghiệm; Phân tích đánh giá dữ liệu hệ thống Relay, Scada, Thông tin viễn thông,… nhằm tăng cường trình độ cho cán bộ nhân viên của đơn vị.

Truyền tải điện Miền Tây 2 đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cách mạng KHCN 4.0 đến toàn thể cán bộ công nhân viên. Phấn đấu hoàn thành các nội dung về chuyển đổi số giai đoạn 1 theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, chuyển dần hoạt động sang mô hình doanh nghiệp số. Qua đó, có thể tiến tới áp dụng toàn diện công nghệ mới trong tác QLVH đường dây và Trạm biến áp. Giúp tăng năng suất lao động, mang lại nhiều giá trị hiệu quả hơn trong công tác QLVH so với cách làm truyền thống, tăng độ tin cậy, ổn định cho lưới điện. Đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục đồng thời tối ưu hóa, tiết kiệm chi phí vận hành. Góp phần thực hiện một cách linh hoạt chủ đề năm 2023 của EVN đó là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”./.

Lý Nhật Minh - TTĐMT2 - PTC4